Vẻ đẹp của quê hương Phú Yên thật mộc mạc, chân chất, nhẹ nhàng như một cô thôn nữ của làng quê Việt Nam, vừa hoang sơ vừa bình dị. Chính vì thế mà vùng đất “hoa vàng cỏ xanh” đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều tín đồ yêu thích du lịch khám phá.

Đến với Phú Yên, bạn không chỉ bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của núi rừng, biển đảo, của những món ăn dẫn dã đậm đà mà chắc chắn sẽ còn bị say mê trước nét mộc mạc hữu tình của cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam, thật nên thơ giữa vùng quê thanh bình xứ Nẫu.

Cầu Miễu Ông Cọp (hay còn gọi cầu Ông Cọp, cầu Bình Thạnh) là được mệnh danh là “cầu gỗ dài nhất Việt Nam”, với chiều dài khoảng gần 800m. Cầu bắc qua cửa sông Bình Bá (đổ ra cảng Tiên Châu) nối liền các thôn phía bắc xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) với thị xã Sông Cầu.

Nhìn từ xa, cây cầu trông mỏng manh, nhỏ bé giữa một vùng nước mênh mông thông ra khu vực đầm Ô Loan. Cầu Ông Cọp còn là lối đi tắt dẫn đến các thắng cảnh nổi tiếng ở Phú Yên như: Ghềnh Đá Đĩa (cách khoảng 8 km). Nhà thờ đá Mằng Lăng (120 năm tuổi) hay đầm Ô Loan (thắng cảnh cấp quốc gia Việt Nam).

Cây cầu nằm ngay gần quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa chừng 35km cùng hướng của nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Phú Yên như: Bãi Xép, Hòn Yến, Gành Đá Dĩa, Hải đăng Gành Đèn, Nhà thờ Mằng Lăng… nên bạn có thể kết hợp tham quan trong cùng chuyến đi rất thuận tiện.

Mặt và trụ cầu được làm hoàn toàn từ gỗ ván, chỉ rộng khoảng 1,5-1,8m với nhiều thanh gỗ được xếp xen kẽ. Do vậy, thỉnh thoảng lại bị hụt, tạo nên các khoảng trống nên việc di chuyển cần cận thận để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.

Vào mùa lũ, từ khoảng tháng 10 đến tháng 11 hàng năm, vì cấu trúc có phần đơn sơ nên rất dễ bị nước cuốn trôi. Vì thế, người dân thường phải tháo đi một nhịp cầu và tiến hành tu sửa, xây dựng lại khi mùa lũ đã qua đi.

Chi phí thu vé qua cầu được dùng vào mục đích này.

Mỗi lượt, người đi bộ trả 1.000 đồng.

Người đi xe hai bánh trả 3.000 đồng.

Chở thêm hàng hóa là 5.000 đồng.

Riêng học sinh thì được miễn phí.

Mặc dù được xây dựng khá đơn sơ nhưng cầu gỗ vẫn mang một nét đẹp thật độc đáo giữa thiên nhiên đất trời xứ Nẫu.

Dạo bước trên cầu gỗ, bạn có cảm giác như đang bồng bềnh trên mặt nước mênh mông trong vắt tựa gương soi, được hòa mình cùng thiên nhiên rộng lớn của đất trời, được ngắm nhìn những hàng phi lao xanh rì tươi mát bao bọc xung quanh. Với những ai thích chụp ảnh, nơi đây sẽ cho bạn thật nhiều góc hình độc đáo.

Lang thang trên cầu gỗ, bạn còn được ngắm nhìn cuộc sống thường nhật của những người dân địa phương với nhiều hoạt động đánh bắt thủy sản như vó cá, thả lưới, cào ốc… Những cảnh sinh hoạt bình dị như đưa chúng ta trở về cuộc sống bình yên của quê hương mà đã rất lâu không có dịp trở lại, để rồi trong lòng tự nhiên cảm thất nhẹ nhàng, dễ chịu trước những áp lực và muộn phiền từ cuộc sống.

Có thể nói, dù Phú Yên có rất nhiều cảnh đẹp làm say đắm lòng người nhưng Cầu Gỗ Ông Cọp vẫn chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng du khách. Với tốc độ đô thị hóa hiện tại, những chiếc cầu gỗ như Cầu Ông Cọp trở nên thật hiếm hoi không chỉ đối với Phú Yên mà còn với nhiều vùng quê của Việt Nam. Vì vậy, đây cũng là một lý do nữa khiến bạn không nên chần chừ cho chuyến trải nghiệm đến địa điểm này trước khi nó bị “xóa sổ”.

Bài và ảnh: @haionthego