Việt Nam ta là một Quốc gia đa dân tộc và đa tốn giáo với nhiều các tín ngưỡng, thờ phụng vô cùng độc đáo; từ đó tạo nên những nét đẹp riêng trong văn hóa. Một trong số đó ta phải kể đến là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt từ xa xưa - một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hệ thống nghi lễ và lễ hội rất phong phú và đa dạng. Và hầu đồng (hầu bóng) là một trong các nghi thức độc đáo, nổi bật và tiêu biểu bậc nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây là một nghi thức khá phổ biến tại Bắc Bộ và tương đối hạn chế ở phía Nam.

Mời độc giả cùng Vietnam Beauty chiêm ngưỡng không gian của nghi thức hầu đồng tại đền Đông Cuông và những chia sẻ của NAG Hai Le Cao.

Nghi thức hầu đồng vô cùng độc đáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt tại ngôi đền Đông Cuông linh thiêng được NAG Hai Le Cao ghi lại qua lăng kính.
"Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm ven sông Hồng. Ngôi đền còn là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Ở đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền.
Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong "Kiến văn tiểu lục”, ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ, bà được phong là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc. Đền Đông Cuông còn có tên là đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn." - nhiếp ảnh gia Hai Le Cao chia sẻ.
Trong không gian thờ tựu linh thiêng và vô cùng bắt mắt nghi thức hầu đồng được thực hiện bởi các ông đồng và bà đồng.

Tín ngưỡng thờ Mẫu bắt nguồn từ tục thờ các vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên và xã hội. Việc thờ phụng các vị nữ thần đã có từ rất lâu đời và phổ biến trong xã hội Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Mẫu bắt nguồn từ truyền thống tôn trọng phụ nữ trong xã hội Việt. Vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt đối với gia đình và xã hội luôn được đề cao. Và từ đó tín ngưỡng thờ Mẫu ra đời chính là sự kế thừa và phát triển truyền thống trọng phụ nữ của người Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Mẫu còn được gọi là Tín ngưỡng Tứ phủ, Tứ phủ là gồm ba phủ trong Tam phủ (Thiên phủ, Địa phủ, Thủy phủ) và có thêm Nhạc phủ. Tam phủ là danh từ để chỉ ba vị nữ thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu gồm: Mẫu đệ nhất Thượng Thiên cai quản ba miền trời, Mẫu đệ nhị Thượng ngàn cai quản miền rừng núi, Mẫu đệ tam Mẫu Thoải cai quản miền sông nước.
Nghi thức hầu đồng chính là một nghi lễ điển hình nhất và đặc trưng nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu, đây chính là một hình thức giao tiếp với thần linh.
"Cúng hầu đồng là một nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần… Về bản chất, hầu đồng là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các vị đồng nam, nữ. Người ta tin rằng, các vị thần có thể nhập hồn vào thể xác của ông đồng hoặc bà đồng ở trạng thái thăng hoa, cực lạc để trấn yểm trừ tà ma, chữa lành bệnh tật, phù hộ, ban lộc cho các con nhang, đệ tử.
Khi thần nhập vào, lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà hóa thân của thần nhập vào họ. Để phục vụ cho nghi lễ quan trọng này, người ta đã sáng tạo ra một hình thức lễ nhạc gọi là Hát văn (hát chầu văn) để phục vụ cho quá trình thần linh nhập thế.
Người đứng hầu đồng gọi là Thanh Đồng, Thanh Đồng gọi là đàn, ông gọi là “cậu”, nữ gọi là Cô hoặc Bà Đồng. Bà đồng, ông đồng thường có tính khí khác người, rất nhạy cảm, đặc biệt đối với những Ông đồng thường “ái nữ” (là đàn ông nhưng cũng ẻo lả như đàn bà). Bởi vậy, dân gian nhận xét ai đó “tính đồng bóng” hay trông “đồng cô quá” là vì thế." - những chia sẻ thêm hết sức thú vị trong nghi thức hầu đồng từ NAG Hai Le Cao.
Trong nghi thức hầu đồng, các Ông đồng và Bà đồng được đệ tử chuẩn bị và thay rất nhiều bộ trang phục vô cùng sặc sỡ, bắt mắt để lên đồng hầu Thánh.

Các Bà đồng được khoác lên mình những bộ trang phục vô cùng sặc sỡ, bắt mắt theo lối phụ nữ nhà giàu, nhiều trang sức và được vấn khăn.
Những bộ trang sức và trang phục được mặc lên người Ông đồng và Bà đồng phải theo một quy định và chuẩn mực nhất định.
Một không gian thờ tự hết sức linh thiêng tại ngôi đền Đông Cuông và những bộ trang phục vô cùng bắt mắt của những người thực hiện nghi thức được ghi lại qua đôi mắt nghệ thuật của NAG Hai Le Cao.
Hầu đồng là một hình thức giao tiếp với các vị thần và các vị thần nhập vào các Ông đồng, Bà đồng. Họ sẽ ở một trạng thái thăng hoa và bay bổng nhất. Từ đó các con nhang tin rằng sẽ được Mẫu ban lộc và phù hộ cho mình.
Hầu đồng cũng chính là một hình thức diễn xướng nhưng không còn là đơn thuần và mang nhiều điều huyền bí. Đây được coi là một bảo tàng sống trong văn hóa của người Việt.
Khi thực hiện nghi lễ hầu đồng là một không gian linh thiêng cùng với nhạc chầu văn, các điệu nhảy và múa được kết hợp. Các điệu múa được thực hiện như: múa kiếm, múa quạt, múa cờ, múa chèo đò, múa dệt gấm thêu hoa...
Khi thực hiện nghi thức hầu đồng, các Ông đồng và Bà đồng sẽ múa lửa, uống rượu, hút thuốc và tung tiền với ý nghĩa là giao tiếp với thần linh và ban phát lộc cho các con nhang, đệ tử.

Những năm tiền lẻ được Thanh Đồng tung ra ban phát cho những người xung quanh và họ sẽ nhặt lấy coi như là lộc lấy may.

Theo quan niệm, với những người có căn quả thì nghi thức hầu đồng được thực hiện thường niên để có được sức khỏe, làm ăn được phát đạt...
Không phải ngẫu nhiên mà các Thanh Đồng thường rất xinh đẹp. Nếu bạn tham dự buổi lễ linh thiêng này sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng hết sức thiêng liêng, được giải phóng năng lượng xấu, nhận được sự trở che của Mẫu nên sau mỗi buổi hầu đồng họ lại có những sắc mặt hồng hào.

Hầu đồng còn là phương thức để giúp con người giải tỏa những bức xúc của đời thường để hướng đến Chân - Thiện - Mỹ và làm nên một cuộc sống hạnh phúc hơn.

"Với đạo Mẫu, tín ngưỡng thờ Mẫu là hiện thân của mẹ thiên nhiên (Mẹ Thiên cai quản trời, Mẫu Địa cai quản đất, Mẫu Cốm cai quản vùng sông nước, Mẫu Thượng ngàn cai quản rừng) mà mẹ thiên nhiên đã che chở, mang lại điều tốt lành cho mọi người. Đức Thánh là cách giúp con người hòa mình vào thiên nhiên để lắng nghe và thấu hiểu, từ đó thay đổi dần nhận thức để bảo vệ thiên nhiên trước nạn chặt phá rừng, biến đổi khí hậu… v..v.
Thông qua các truyền thuyết huyền thoại và các nghi lễ, lễ hội, ca ngợi các vị Thánh có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, lễ hầu đồng đã thể hiện truyền thống yêu nước của dân tộc. Uống nước nhớ nguồn, cầu mong quốc thái dân an.
Khi hầu đồng, chầu văn được cất lên, chúng ta cảm nhận được một không gian tâm linh đầy uy nghiêm và là một bảo tàng sống của văn hóa Việt Nam, các bài văn khấn hầu đồng là một kho tàng văn hóa. nhân văn khổng lồ.
Có thể thấy, Hầu đồng thể hiện sự đoàn kết tôn giáo, từ Phật tử, Nho giáo hay các tôn giáo khác, hay các nhà khoa học, tiểu thương, và nhiều người hoạt động trong lĩnh vực khác cũng đến điểm. Thờ Mẹ, hay có quả với nhà ông, cắt tóc cho con nối tiếp tứ phương." - anh Hai Le Cao chia sẻ thêm. 
Một không gian tâm linh vô cùng huyền ảo và đầy cuốn hút qua đôi mắt nghệ thuật NAG Hai Le Cao.

Ngày nay, hầu đồng vẫn là một nhu cầu tâm linh, là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng của một bộ phận người Việt. Tuy nhiên hiện nay cũng có không ít những hình thức mê tín dị đoan thái quá, làm lệch lạc và mất đi hình ảnh đẹp của tín ngưỡng.

Cảm ơn nhiếp ảnh gia Hai Le Cao đã mang đến Vietnam Beauty những khung hình độc đáo và vô cùng linh thiêng của nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Bài: Đặng Tùng

Ảnh: Hai Le Cao.