Đầm Quảng Lợi cách thành phố Huế 10km về phía Đông Nam, là một trong những khu đầm trong hệ thống đầm của phá Tam Giang. Một khu vực đầm phá mênh mông trải dài trước mặt du khách với những sắc màu rực rỡ, hòa cùng cuộc sống của những ngư dân. Cuộc sống bình yên của dân chài nơi đây tạo cảm giác bình yên và thanh thản với du khách.

Cũng như hàng chục làng chài trải dọc theo bờ phá Tam Giang, làng Quảng Lợi - như chính cái tên của nó - cư dân nơi đây vốn lấy nghề “theo đuôi con cá” làm kế mưu sinh. Khác chăng, vùng đất nằm giáp ranh cuối hạ nguồn con sông Ô Lâu, hưởng được đặc ân phù sa sau bao thác ghềnh của con sông mẹ ở triền núi, để bồi đắp cho biền bãi hạ du.

Nếu vùng cửa sông Ô Lâu (Quảng Thái, Quảng Điền), nổi tiếng với việc hình thành tràm chim trong ký ức cũng như hiện thực thì vùng đầm phá Quảng Lợi nức tiếng với nguồn sản vật dồi dào.

Cuối đông, anh bạn người đầm phá kháo với tôi rằng, về Ngư Mỹ Thạnh mà xem ngư dân “mần” nghề dũi đánh tép. Nghề mới nhưng ngư dân làm quanh năm, “hái” ra tiền mỗi ngày. Thông thường, sau cơn lũ, nước bạc từ thượng nguồn về làm môi trường sống thay đổi, cá tôm cũng ốm o, khan hiếm dần. Đó cũng là lúc nghề ngư của dân đầm phá gặp khó.

Nhưng vài năm nay thì khác hẳn, từ khi có từng cây bần chua trồng ken dày bên bờ phá, xung quanh những “cồn nổi” giữa dòng Tam Giang đã làm cá tôm, cua và đặc biệt là tép sinh sôi vô kể. Trở về từ chuyến khai thác tép xuyên ngày, anh Phan Cư, ngư dân làng Ngư Mỹ Thạnh cầm mớ tép trắng phau trên tay, hồi hởi: “Chưa mùa đông năm nào tép nhiều như ri. Mỗi kg 40 nghìn đồng. Ngày hai vợ chồng siêng năng kiếm gần triệu bạc là thường!”

Là thế hệ “hậu bối” của làng chài, anh Cư đã từng nuôi xen ghép các loại thủy sản trên đầm phá, rồi theo cha đặt lừ đánh cá tôm truyền thống, nghề ngư cũng chỉ đủ ăn, thậm chí khi mưa bão thất bát thì thiếu ăn. Từ khi học được nghề dũi tép ở thôn Trung Làng (xã Quảng Thái) kế bên, sinh kế gia đình anh đã thay đổi.

Bởi, vùng Quảng Thái vốn là đất của những tràm chim. Khi mực nước triều hạ, những biền bãi để lộ ra lớp thức ăn phù du cho các loại chim cò. Từ trong những rặng cây ngập mặn cũng hình thành loài tép bám trong rong rêu, rễ cây. Ngư dân ở vùng cửa sông một thời đã khai thác các loại thức ăn của chim cò để đảm bảo sinh kế. Nghề truyền nghề. Khi mà những cây bần chua ven đầm phá Quảng Lợi đã khép tán thì nghề dũi tép cũng khá thịnh ở Ngư Mỹ Thạnh.

Ngoài con tép, mô hình nuôi xen ghép từ những cồn nổi trên phá Tam Giang được bao bọc bởi rừng cây ngập nước cũng mang lại sinh kế cho ngư dân nơi đây. Nuôi xen ghép ven đầm phá không phải là mới, nhưng nuôi giữa rừng cây ngập mặn, tạo môi trường tự nhiên cho các loài thủy sản như ở Quảng Lợi thì chỉ có vài trăm trở lại đây.

Dẫn chúng tôi ra vuông lưới, ngư dân Phan Công Vũ bảo rằng, nuôi xen ghép dù lời lãi ít hơn nhưng đổi lại tỷ lệ rủi ro rất thấp. Mỗi năm nhờ vào rừng cây bần chua trồng trên phá có thể nuôi được 2 vụ, trừ chi phí lãi khoảng 50-60 triệu đồng. Ngoài ra, bộ rễ dày cùng rong rêu của rừng cây này là nơi trú ngụ của thủy sản, chủ hồ có thể khai thác quanh năm.