Đọc báo biết Thừa Thiên Huế công nhận Điểm du lịch sinh thái đầm Chuồn, bài báo còn kèm theo ảnh đẹp mê ly, khách liền mua tour và dành nguyên buổi chiều để thưởng ngoạn đầm Chuồn.

Điểm đón khách ở phố Tây lúc 14g30 rồi sử dụng xe 7 chỗ chở khách tham quan (rừng) Rú Chá trước khi đến đầm Chuồn. Anh hướng dẫn khoảng ba mươi tuổi, dáng người dong dỏng, gương mặt ưa nhìn, nụ cười thân thiện. Anh đưa khách đi dọc theo tuyến đường bê tông vô một ngôi nhà nằm ẩn mình trong Rú Chá. Gặp hai người lớn tuổi ngồi trong nhà, anh giới thiệu “Đây là đôi vợ chồng lão nông tự nguyện lên canh giữ Rú Chá”. Khách cúi đầu chào.

Rời ngôi nhà của hai vị “lão nông tự nguyện” anh hướng dẫn đưa khách đi sâu vô Rú Chá. Càng vào sâu Rú Chá càng huyền ảo và kỳ bí. Nhưng, tiếc thay khách muốn xài chút tiền cũng không có ai bán. Từ lúc khách bước vào Rú Chá và quay lại xe chỉ khoảng 20 phút.

Xe tiếp tục khởi hành chở khách tới bến thuyền Đầm Chuồn. Đón và chở khách bằng thuyền trên Đầm Chuồn là một phụ nữ trung niên. Suốt tuyến đường thủy anh hướng dẫn và chị lái thuyền miệng luôn tươi cười nhưng, không nói điều gì! Khách phóng tầm mắt ra xa thấy có nhiều ngôi nhà sàn nho nhỏ dựng đơn sơ trên mặt nước; cũng có một ít nhà sàn lớn dựng tươm tất hơn (nhưng không biết nhà sàn dựng lên để làm gì?).

Khách còn thấy có rất nhiều hàng rào bằng cây đan chéo qua chéo lại trên Đầm (cũng không hiểu để làm gì?). Nắng chiều xuyên qua hàng rào cây, nắng loang loáng trên sóng nước, nắng đọng trên những bụi cây, nắng phủ mấp mé những ngôi nhà sàn; tất cả rực rỡ và bình yên. Đầm Chuồn thanh bình đến nao lòng.

Thuyền chạy khoảng 15 phút thì ghé vào một cái cồn nổi có cái cổng bằng tre, trên bảng hiệu có dòng chữ “Đầm Chuồn Lagoon”. Tại đây có vài ngôi nhà sàn dựng lên để khách du lịch ăn, uống và ngắm cảnh. Còn có một ngôi nhà đơn sơ dựng trên mặt đất làm bếp chế biến thức ăn cho tất cả du khách bước lên cồn.

Trong tour có luôn bữa cơm chiều. Khách ngồi vào bàn, thức ăn nhanh chóng được dọn lên. Bữa ăn có 6 món, trong đó có 5 món chiên và xào. Món còn lại không chiên, không xào là khóm tráng miệng.

Bữa cơm chiều nhanh chóng trôi qua, đã đến lúc khách quay xuống thuyền để trở lại vô bờ. Hoàng hôn dần buông xuống đầm Chuồn, mặt nước liên tục chuyển màu theo mây, mây thì chuyển màu theo mặt trời lặn. Đầm Chuồn lúc này đa sắc như một bức tranh trừu tượng. Khách ngây ngất trước cảnh sắc lung linh mộng mị thực ảo.

Lẽ nào níu kéo du khách chỉ là sự kỳ bí của Rú Chá và lung linh của mây nước đầm Chuồn?



Đóng vai là một du khách quốc tế hoặc du khách Việt Nam ở tỉnh thành khác lần đầu đến Huế, khách tự hỏi: Rú là gì? Chá là gì? Diện tích Rú Chá là bao nhiêu? Tại sao Rú Chá mọc ở đây mà không mọc nơi khác? Chá đóng góp gì cho kinh tế, sinh thái và thu nhập của người dân địa phương? Đầm Chuồn ở vị trí nào, có liên quan gì đến Phá Tam Giang, Cầu Hai? Đầm Chuồn có bao nhiêu dân cư? Bà con mình làm gì để sống ở đầm Chuồn? Hàng rào bằng cây đan chéo qua chéo lại trên mặt nước để làm gì? Đặc sản nào của đầm Chuồn du khách có thể mua về? Món ăn nào, thức uống nào khiến du khách phải tìm đến “Đầm Chuồn Lagoon” để thưởng thức? Câu hò, điệu múa nào của bà con đầm Chuồn níu chân du khách không thể rời đi? Lịch sử của đầm Chuồn như thế nào để khi du khách ra về lòng còn vấn vương quay lại? Và cũng như Rú Chá, ở đầm Chuồn khách muốn xài chút tiền cũng không có gì để mua! Tại sao không có một chợ nổi trên đầm Chuồn nhỉ?

Chưa đi chưa biết đầm Chuồn

Đi rồi lại thấy lòng buồn mênh mang

Tin rằng không bao lâu nữa du khách đến Thừa Thiên Huế sẽ truyền nhau câu nói: “Ai đến Huế mà chưa đến đầm Chuồn là coi như chưa đến Huế”. Mong lắm thay!

Nguồn trích dẫn: TẠ THỊ NGỌC THẢO/ Báo Thừa Thiên - Huế