Tà Chì Nhù hay còn được gọi là Pú Luông (ngọn núi nằm trong khối núi Pú Luông thuộc dãy Hoàng Liên Sơn) thuộc bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Ở độ cao 2.979 m, Tà Chì Nhù được xếp thứ 7 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, được đánh giá là đỉnh núi có cảnh quan khá hùng vĩ cùng hệ sinh thái rừng đa dạng, là điểm khám phá rất được dân leo núi cũng như những người ham chinh phục yêu thích.

Tà Chì Nhù được xếp thứ 7 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam

 Chinh phục thiên đường mây Tà Chì Nhù

Được mệnh danh là nóc nhà của tỉnh Yên Bái, Tà Chì Nhù nằm trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, là một phần của khối núi Pú Luông, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Dãy núi Hoàng Liên Sơn ở nước ta chạy dài tới 180km theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, giữa hai tỉnh Lào Cai, Lai Châu, kéo dài đến tận phía tây tỉnh Yên Bái. Những ngọn núi cao nhất đều tập trung ở đây. Tà Chì Nhù đạt độ cao chính xác là 2.979m so với mực nước biển, đứng thứ 7 trong 10 ngọn núi cao nhất ở Việt Nam. Tuy không phải là đỉnh núi cao nhất nhưng đường đi đến Tà Chì Nhù lại có độ khó đứng đầu vì phần lớn dốc cao, cheo leo, đá sỏi nhiều lại ít cây.

Đỉnh núi Tà Chì Nhù hay theo người dân tộc Thái còn có tên gọi khác là Phu Song Sung hay với người dân tộc Mông là Chung Chua Nhà.

Nơi này có địa hình phức tạp, nằm sâu trong núi thuộc khối Phú Lương thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Khí hậu nơi đây khắc nghiệt, các dốc cao dựng đứng nhưng không thể ngăn cản bước chân của những bạn trẻ đam mê du lịch khám phá. Vẻ đẹp thiên nhiên, của mây ngàn đã cuốn hút rất nhiều trái tim nhiệt huyết.

Tà Chì Nhù nổi tiếng là “Thiên đường mây nơi hạ giới”. Thời gian cuối Thu là thời điểm đẹp nhất trong năm để ngắm “đại dương mây” và núi đồi trùng điệp bạt ngàn hoa nở.

Suốt chặng đường keo các bạn sẽ thấy xung quanh là bạt ngàn mây và núi, đường mòn vừa đi qua đã bị che lấp bởi núi rừng hoang sơ, đón chờ bạn tiếp tục là những con dốc cao hút mắt khiến bản thân như chênh vênh, lơ lửng giữa đất trời. Tại điểm nghỉ chân 2.400m, các bạn có thể ngắm trọn vẹn cảnh sắc núi non hùng vĩ của núi rừng nơi đây.

Phải qua nhiều ngọn núi cao mới đến được đỉnh Tà Chì Nhù, với góc nhìn 360 độ nên đây là một trong những ngọn núi có tầm nhìn thoải mái nhất.

Khung cảnh bình minh trên đỉnh núi cao vô cùng đặc biệt; vừa trong trẻo vừa ấn tượng đến lạ. Đây là điều mà chỉ ở những nơi cao như Tà Chì Nhù mới có thể cảm nhận được. Nếu may mắn bạn sẽ được chiêm ngưỡng cả một biển mây trời từ từ xuất hiện trong ánh nắng của buổi sớm mai, đây chính là cái thú khi săn mây Những thảm cỏ đẫm sương và những sắc hoa tự nhiên của núi rừng sẽ khiến cho trái tim của bạn không ngừng rộn ràng.

Vẻ đẹp của mây ngàn, gió núi nơi đỉnh cao Tà Chì Nhù luôn cuốn hút những tay săn ảnh và dân phượt đam mê khám phá.

Về cơ bản, Tà Chì Nhù là một ngọn núi không quá khó. Bạn chỉ cần chịu khó tập thể dục hoặc có sẵn nền tảng thể lực tốt một chút là dễ dàng chinh phục được nó. Tổng quãng đường cho hành trình hai ngày một đêm ở đây chỉ 18km cả đi lẫn về. Địa hình leo núi không có nhiều đường tắt, rậm rạp hay lối rẽ ngang, không có nhiều hẻm vực, vách núi cheo leo, khá an toàn cho mọi người vì chủ yếu là đường mòn. Nhưng con đường mòn này khá dốc, liên tục, sẽ là ác mộng nếu leo núi đúng ngày mưa, con đường dốc đất này sẽ hóa thành bùn nhão. Chính vì vậy bạn cần phải theo dõi kỹ dự báo thời tiết cho chuyến đi của mình.

Bất cứ ai đến đây đều có thể cảm nhận cái khoảnh khắc mây trời gần nhau như thể lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.

Cung đường thì đơn giản nhưng cảnh quan Tà Chì Nhù lại rất đẹp, thay đổi liên tục theo độ cao. Khi là đi trong rừng già nguyên sinh, lúc đi qua suối, đi xuyên rừng tán thấp, đồng cỏ, rừng trúc... đến khoảng đồi trọc trơ trọi gần đỉnh. Và chia ra làm ba chặng: Chặng 1 ở độ cao khoảng 1.200m tại Mỏ Chì ngay chân núi, điểm xuất phát này hiện vẫn thuộc một công ty khai thác chì quản lý, thường các đoàn sẽ dừng ở đoạn suối trong rừng để ăn trưa. Chặng 2 được bắt đầu từ suối lên đến lán nghỉ đêm cao 2.400m, đây là nơi ăn nghỉ của mọi người trước khi bước vào chặng 3 sáng hôm sau, từ lán lên đến đỉnh.

Những dải mây mềm như lụa, lúc quấn lấy những ngọn núi cao, khi lượn qua các eo núi rồi bất chợt cuốn lên như chiếc vòi rồng khổng lồ cuồn cuộn sau đó bất ngờ tràn ra bao trùm tất cả các đỉnh núi vô cùng kỳ ảo.

Sáng hôm sau dậy sớm để kịp lên đỉnh ngắm bình minh và săn đại dương mây. Đỉnh Núi Tả Chì Nhù ngập trong biển mây trắng bồng bềnh lãng trôi với những ánh nắng tinh khiết đầu tiên của ngày nhẹ nhàng len qua từng đám mây chiếu xuống tạo nên một cảnh tượng đẹp huy hoàng mà chỉ có trải qua gian nan ta mới có thể thưởng thức. Tuy nhiên để săn được mây còn phụ thuộc vào thời tiết nên các bạn lên lịch trình phải xem trước dự báo chọn ngày trời quang đãng.

Núi rừng hoang sơ, mây trời bao la, những nụ hoa nhỏ xinh khoe sắc cùng đàn dê núi nhởn nhơ gặm cỏ đã tạo ra bức tranh đẹp đẽ. Người Mông sống ở các bản quanh đó đã làm lán gần đỉnh để chăn thả ngựa, bò, dê.

Chiêm ngưỡng hoa tím Chi Pâu

Loài hoa đặc trưng của Tà Chì Nhù - Hoa Chi Pâu. Hoa mang tên gì có lẽ đến nay vẫn chưa ai biết, ngay cả những người Mông sành sỏi như A Chư cũng chịu. Có lẽ vì thế mà người Mông đặt cho hoa lạ trên Tà Chì Nhù cái tên chi pâu (theo tiếng Mông có nghĩa là không biết, không hiểu).

Trên lưng chừng trời, những đàn gia súc tung tăng giữa rừng hoa, giúp cho bức tranh phong cảnh vốn đã đẹp càng có thêm hơi thở của cuộc sống, sự cuốn hút của muôn loài.
Ngoài mây, điểm nhấn đặc biệt nhất mùa này ở Tà Chì Nhù có lẽ là những cánh rừng hoa tím bạt ngàn rạng rỡ dưới màn mây, người dân ở đây gọi là Chi Pâu - theo tiếng người Mông có nghĩa là “không biết”.

Tò mò về cái tên lạ, về loài hoa mang vẻ đẹp đầy mộng mơ, sắc tím khiến bất cứ ai khi được chiêm ngưỡng đều phải siêu lòng, chúng tôi đã đi tìm kiếm thông tin về loài hoa bí ẩn và tên tiếng Anh của hoa Chi Pâu là Swertia hay còn được gọi là cỏ Mật Rồng và Đại Tử Đương Dược (nghĩa là cây thảo dược có hạt lớn), là một chi thuộc họ Long đởm thảo-Gentianaceae. Như vậy, Hoa Chi Pâu ở Trung Quốc vốn là một loài thuốc dân gian truyền thống của vùng Tây Tạng, Vân Nam và Quý Châu và loài hoa này được miêu tả lần đầu tiên vào năm 1883. Hoa mọc nhiều ở vùng núi phía bắc của Việt Nam và đặt biệt là mọc rất nhiều tạo thành một tấm thảm màu tím vô cùng đẹp mắt tại đỉnh núi Tà Chì Nhù.

Chi Pâu ở đây mọc thành từng bụi, hoa có năm cánh trắng phớt tím và sậm dần từ cánh đến đế hoa, nhụy hoa trắng như búp sen được bao bọc bởi năm nhị trắng tinh.
Điều đặc biệt là hoa Chi Pâu có năm chùm nhị phụ màu tím xanh nằm sát đế hoa và e ấp trong cánh hoa tạo vẻ đẹp đặc trưng riêng có.

Hoa Chi Pâu nở rộ vào tháng 10 nên bạn hãy chọn thời điểm giữa tháng 10 sẽ là thời điểm tuyệt vời nhất để ngắm hoa Chi Pâu. Nếu bạn đi vào tháng 11, rất có thể bạn sẽ chẳng còn chiêm ngưỡng được bông hoa nào (Trên cộng đồng vẫn lan truyền kinh nghiệm ngắm hoa Chi Pâu vào tháng 11 nhưng chúng tôi đã phải thất vọng ra về vì thực tế hoa đã nở hết từ cuối Tháng 10).

Nếu muốn đón những tia nắng đầu tiên trong ngày trên đỉnh núi cao Tà Chì Nhù, đòi hỏi người leo núi phải có sức bền và sự dẻo dai vì bắt buộc phải có một hành trình leo núi xuyên đêm, cặm cụi mò mẫm dưới ánh đèn pin leo lét.
Vất vả và mệt nhọc, đó là cái giá phải đổi cho phần thưởng nhận được là những khoảnh khắc tuyệt vời khi được đắm chìm trước sự hùng vĩ và bao la của đất trời.
Một lần được đứng trên đỉnh núi Tà Chì Nhù, bình thản chiêm ngưỡng những biển mây dưới chân mình, đón nắng và ngắm rừng hoa đẹp tựa thiên đường thì những khó khăn đã trải qua cũng thật xứng đáng.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn An (SN 1988, Phú Thọ) hiện đang là công nhân Cơ khí ở Yên Bái.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Nguyễn An