Mù Cang Chải mùa lúa chín tràn ngập sắc vàng lộng lẫy, quyến rũ của tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang như “Nấc thang lên thiên đường” không nơi nào có được.

Trong những năm gần đây, năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng đầu tháng 10 hàng năm, du khách khắp mọi miền tổ quốc đều đổ về Mù Cang Chải để chiêm ngưỡng khung cảnh đẹp tuyệt vời của mảnh đất vùng cao này. Đến với nơi đây, du khách không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang, những biển mây trắng trên đỉnh đèo Cao Phạ mà còn được đắm mình vào những lễ hội văn hóa độc đáo của đồng bào Mông.

Mù Cang Chải tháng 10 là lúc lúa bắt đầu chín dần, từng lớp màu xanh vàng xen kẽ hiện lên trước mắt những người mang trong mình giấc mơ Tây Bắc.

Tháng 10 ở Mù Cang Chải (Yên Bái), những con đường núi đèo dốc cao dốc thấp nhuộm màu vàng óng của từng thửa ruộng bậc thang trải rộng ngút ngàn. Những thung lũng lúa chín luôn là điểm đến hấp dẫn du khách khám phá cảnh sắc thu miền Tây Bắc.

Mù Cang Chải đẹp nhất vào mùa lúa chín.

Thời điểm lý tưởng nhất để ngắm trọn bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc mùa lúa chín ở Mù Cang Chải là vào mùa thu. Cứ tầm tháng 10 hàng năm, du khách từ mọi miền lại tấp nập rủ nhau du lịch Mù Cang Chải để được đắm mình trong không gian vàng ruộm rực rỡ dưới tiết trời dịu mát của mùa thu.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã là một tác phẩm tuyệt vời về thành quả lao động giữa con người gắn với thiên nhiên

Chẳng phải ngẫu nhiên Mù Cang Chải (Yên Bái) từng lọt vào Top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới và luôn là cái tên được các tín đồ du lịch nhắc đến đầu tiên mỗi khi tìm kiếm điểm đến hấp dẫn để khám phá vào mùa thu. Đó là bởi sắc vàng lộng lẫy, quyến rũ của tầng tầng lớp lớp, trùng trùng điệp điệp những thửa ruộng bậc thang ở nơi đây tựa như “Nấc thang lên thiên đường” không nơi nào có được. Khắp không gian bao la rực rỡ ấy còn tỏa hương lúa chín dịu nhẹ khiến tâm hồn nhẹ bẫng, giúp bạn quên hết tất thảy mọi âu lo.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được cấp bằng chứng nhận di sản văn hóa - thiên nhiên cấp quốc gia.

Ruộng bậc thang đẹp nhất vào tháng 5-6 khi những thửa ruộng vào mùa nước đổ và tháng 9-10 khi lúa nếp chín vàng óng ả trải dài khắp các triền đồi. Du khách đến Mù Cang Chải vào hai thời điểm này để được tận mắt chứng kiến những mâm xôi xanh, vàng hiện lên giữa bạt ngàn đồi núi.

Mù Cang Chải là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái, cách trung tâm thành phố Yên Bái 180km, cách thủ đô Hà Nội hơn 300km về phía Tây Bắc. Vùng đất này nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao trên 2.000m so với mặt biển.

Đến Mù Cang Chải, du khách có thể đi đường Quốc lộ 32 bằng hai hướng. Nếu từ Hà Nội, sẽ lên Yên Bái, từ Yên Bái đến Mường Lò 70km, ngủ tại đây để sáng sớm mai đi xe từ Mường Lò, xế trưa sẽ đến Mù Cang Chải. Đoạn này dài gần 100km, nhưng hơn 80km là đường đèo dốc tiến lên liên tục, chừng nào leo đến độ cao 1.750m, sương mây mù mịt là sắp đến thị trấn Mù Cang Chải. Chặng giữa đèo có một miền đất phẳng, hãy nghỉ chân ở đây để thưởng thức thứ cơm lam nếp Tú Lệ dẻo thơm nức tiếng khắp vùng.

Hướng thứ hai, du khách đi hết đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lên Sa Pa và qua đèo Ô Quy Hồ, sau đó qua Tân Uyên và Than Uyên của Lai Châu để tới Mù Cang Chải.

Thị trấn Mù Cang Chải nhỏ xinh nằm gọn giữa hai sườn núi với những bản làng thanh bình dưới thung lũng xanh hay trên đèo Khau Phạ. Chiếm 90% dân số toàn huyện, người Mông ở Mù Cang Chải có 4 nhóm: Mông Đơ (Mông Trắng); Mông Đu (Mông Đen); Mông Lình (Mông Hoa); Mông Si (Mông Đỏ), họ cư trú ở những sườn núi cao từ 800 đến 1.700m với những nét văn hóa đậm đà truyền thống, đặc sắc luôn thu hút nhiều nhà nghiên cứu. Đến nơi đây, du khách có thể vào thăm các bản làng dân tộc Mông, khám phá nét văn hóa cũng như những phong tục tập quán nơi vùng cao Tây Bắc với nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc và sản vật nổi tiếng. Xem múa khèn, cùng trai gái Mông đi hội Sải Sán, trải nghiệm một số nghề thủ công truyền thống như: nghề rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, làm đồ trang sức và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Mông.

Rẻo cao Tây Bắc từ nhiều năm nay trở thành vùng đất hấp dẫn du khách với thiên nhiên hùng vĩ, giàu bản sắc văn hóa, con người thân thiện.

Từ vài năm nay trên đỉnh đèo có thêm dịch vụ dù lượn ngắm thung lũng vàng mỗi mùa lúa chín, dịch vụ trực thăng ngắm toàn cảnh Mù Cang Chải từ trên cao. Điều đặc biệt của ruộng bậc thang chính là vẻ đẹp ấy kết hợp hoàn hảo từ thiên nhiên và con người.

Nếu vẻ đẹp của ngọn núi, dòng sông, hang động, mặt hồ... là vẻ đẹp tự nhiên thuần phác thì ruộng bậc thang là tạo tác của bao nhiêu đời người, thấm đẫm mồ hôi và tài nghệ mở ruộng trên chính mảnh đất sinh sống của gia đình dòng tộc, đời đời nối nhau. Chính mồ hôi qua bao thế kỷ thấm xuống những mảnh ruộng ấy làm nên vẻ đẹp đặc biệt ấy.

Đến với Mù Cang Chải du khách sẽ được đắm mình trong những biển mây trắng bồng bềnh bao phủ cả triền núi, được khám phá nhiều điều thú vị về cảnh sắc thiên nhiên, những thửa ruộng bậc thang vào mùa nước đổ và những nét đặc sắc của văn hóa vùng cao với người dân chân chất giản dị luôn tận tình chu đáo với du khách thập phương.

Hãy khám phá  Mù Cang Chải theo cách đặc biệt nhất, vì nơi đây sẽ là một trong những trải nghiệm thú vị của những người đam mê cảnh sắc thiên nhiên. Với nhiều cảnh đẹp tựa trong tranh Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đang ngày càng hấp dẫn giới nhiếp ảnh cùng khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Nhiếp ảnh gia Hoàng Dưỡng, sinh năm 1988, hiện đang làm nghề tự do ở Thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Anh góp phần quảng bá vẻ đẹp của quê hương Việt Nam qua từng khung hình của mình.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Hoàng Dưỡng