Thủ đô Hà Nội không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp mà còn sở hữu khí hậu 4 mùa rất lý tưởng để cho bạn có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn thơm ngon khi có dịp du lịch đến đây. Hãy cùng nhiếp ảnh gia 8x Steven Triết tìm hiểu qua những món ăn đặc sản Hà Nội thơm ngon nổi tiếng nhất định phải thử nhé!

Ngoài đam mê chụp ảnh, chàng nhiếp ảnh gia 8x Steven Triết (SN 1985, TP. HCM) còn có sở thích khám phá những món ăn đặc sản của mọi vùng miền của Tổ quốc, đặc biệt là những nơi mà anh đã từng đặt chân tới.

Bánh giò

Bánh giò được làm từ bột gạo tẻ, có phần nhân bên trong là hỗn hợp thịt và mộc nhĩ được tẩm ướp vừa ăn. Đây là món ăn vặt mà ít gây ngán, bạn có thể ăn trực tiếp bánh giò sau khi tháo lớp lá bên ngoài, hoặc theo cách ăn của người địa phương là cho vào đĩa và thêm topping khác như chả lụa, giò thủ, chả cốm,… hay thịt xiên, kèm với dưa và chút tương ớt.

Bánh tôm

Bánh tôm cũng là món ăn đặc sắc khi bạn có dịp đi du lịch Hà Nội và dễ dàng bắt gặp món ăn quen thuộc này trên nhiều con phố của thủ đô. Bánh tôm được chiên vàng, giòn rụm, con tôm không quá to nhưng thịt lại rất chắc và tươi. Khi ăn bánh tôm, thì không thể thiếu rau sống và chấm kèm với nước mắm chua ngọt đâu nhé.

Thưởng thức bánh tôm nóng hổi vào những ngày trời mưa rả rích hay thời tiết se lạnh của Hà Nội thì còn gì bằng!

Bánh tôm được làm từ tôm nước ngọt bọc bột mì chiên lên, tạo thành những chiếc bánh thơm ngon, giòn tan. Vỏ bột bánh giòn, có thêm khoai lang cắt sợi. Nhân tôm hơi bé nhưng được cái tươi, thịt ngọt và tẩm ướp rất vừa miệng. Dù chỉ là một món ăn vặt vỉa hè chiên rán, nhưng món bánh tôm này thu hút nhiều thực khách, đặc biệt là người thích khám phá món ngon Hà Nội.

Bún ốc nguội

Dù nguyên liệu và cách chế biến có phần đơn giản nhưng để tạo ra món bún ốc nguội thơm ngon không phải ai cũng làm được. Tô bún ốc nguội trứ danh Hà Nội phải có phần nước dùng đậm đà xen lẫn vị chua thanh của cà chua, thịt ốc giòn dai, sần sật ăn cùng với rau sống càng ngon hơn gấp bội. Dù cho bạn có là người Hà Nội chính gốc hay khách du lịch lần đầu được thưởng thức bún ốc nguội thì cũng không thể cưỡng lại mùi hương gây nghiện của món ăn này.

Bánh đa cua Hải Phòng

Bạn có thể tìm thấy bánh đa cua tại nhiều thành phố khác tại miền Bắc, nhưng hương vị bánh đa cua Hà Nội mộc mạc, giản dị là điều khiến người ta khó quên. Sợi bánh đa dai dai ăn cùng nước dùng đậm vị, thêm chút giấm chua thanh thanh và ớt cay nồng là đúng chuẩn.

Món ăn này xuất thân từ Hải Phòng, rất nổi tiếng, nguyên liệu món này có cua đồng nấu làm nước dùng, cho nên khá đậm vị và thơm mùi cua đồng, ngoài ra người ta còn cho thêm chả lá lốt nướng, chả mực, chả cây, mộc chiên, ăn kèm với rau muống còn nguyên cọng chưa bào, khi ăn cho thêm mắm tôm để tăng thêm phần hương vị cho món này.

Bánh cuốn

Bánh cuốn - một trong những món ăn bình dân được yêu thích nhất từ xưa đến nay. Đĩa bánh cuốn nóng hổi ăn kèm chả, nem, kèm một lớp mộc nhĩ “nấm mèo” ăn cùng với chả quế, món bánh cuốn này còn gọi là bánh cuốn Thanh Trì, nó khác với các loại bánh cuốn với thịt bầm mình hay ăn, chấm với nước mắm và đồ chua, ăn thêm chút rau thơm đã trở thành nét ẩm thực đặc trưng của Hà Thành. Mỗi một phần bánh được mang ra là cả sự tâm huyết của người làm bánh đến sự háo hức của thực khách chờ thưởng thức đĩa bánh cuốn nóng hổi mỗi sáng sớm cho một ngày làm việc hiệu quả.

Một đĩa bánh trắng muốt thơm mùi gạo mới cùng lớp mỡ thoa trên mặt nhìn đến mượt mà. Ẩn dưới lớp vỏ ấy là nhân thịt, mộc đầy đặn được bao chặt bởi lớp bánh mỏng, hành khô phi vàng có làm bạn thấy thèm.

Bánh đúc

Đến với thủ đô Hà Nội, các bạn không chỉ biết đến các món ngon như: Phở, bún chả, chả cá kinh kỳ, bánh tôm Hồ Tây... Đặc biệt ở đây còn một món ăn vô cùng thú vị, hấp dẫn, giá cả lại bình dân nữa, đó chính là món bánh đúc nóng. Bánh đúc nóng ở đây được làm sạch sẽ, dẻo quánh, nước chan thơm ngọt, thịt băm mộc nhĩ tươi ngon, đậm đà vừa miệng. Miếng đậu nhỏ nhỏ được rán vàng, hành phi thì giòn tan, thơm phưng phức luôn.

Bánh gio mật mía

Nếu ngày trước bánh gio chỉ được làm để cúng gia tiên trong những dịp Tết Đoan Ngọ 5/5 thì đến nay đã được làm bán quanh năm. Bánh gio cũng trở thành món ăn vặt trong những ngày hè nắng nóng của nhiều người Hà Nội với giá từ 5 đến 10 nghìn đồng/1 chiếc.

Bánh gio là món bánh được nhiều nơi ở các vùng miền Việt Nam làm và mỗi nơi lại gọi với tên gọi khác nhau như bánh gio, bánh tro hay bánh nẳng. Sở dĩ bánh được gọi là bánh gio bởi vì người ta sử dụng tro được đốt từ cây tầm gửi, vỏ bưởi, quả xoan, cây dền gai, rơm nếp. Sau đó ngâm tro trong nước để qua đêm, rồi chắt nước để ngâm với gạo nếp hoa vàng đã được vo sạch để ráo nước và cho vào lá gói với hình ú cao như bàn tay khi nắm lại.


Ở nhiều nơi, bánh gio sau khi làm xong người ta thường cột lại thành từng xâu và treo nơi thoáng mát để ăn dần. Điều hấp dẫn ở món bánh gio chính là khi ăn chấm bánh vào bát mật mía thơm vàng óng để tận hưởng hương vị mùi lạt và mát dịu như xua tan cái nóng hè oi ả.

Bún mộc Cầu Gỗ

Bún mọc Cầu Gỗ là món ăn sáng quen thuộc của người Hà Nội, cũng rất thích hợp để thưởng thức trong tiết hè oi nóng này. Gọi là bún mọc nhưng thông thường người thưởng thức không chỉ dùng bún với duy nhất những viên mọc căng tròn được hoà quyện cùng mộc nhĩ xắt nhuyễn mà còn ăn kèm nhiều thứ khác như thịt gà, sườn, măng hay dọc mùng... Từng nguyên liệu bổ trợ cho nhau, quyện trong nước dùng từ xương thanh trong ngọt ngào tạo nên món ăn ngon miệng, được lòng nhiều người. Món này cũng có ăn kèm với mắm tôm để tăng thêm hương vị.

Tại Hà Nội có nhiều quán bún mọc được nhiều thực khách ưa chuộng. Mỗi quán có một cách “giữ khách” rất riêng, chờ bạn khám phá.

Phở gà

Người ta biết đến quán không chỉ vì chất lượng của phở gà mà còn bởi mức giá được xếp vào hàng đắt nhất Hà Nội: bèo nhất cũng phải 60 ngàn cho bát phở thường, còn ăn phở đùi, thêm tim, gan... thì có khi giá tô phở phải tính bằng tiền trăm. Nhưng nói đi phải nói lại, quả thực tô phở ở đây chất lượng, gà dù là phần trắng cũng không khô, miếng thịt thái dày nên đã miệng, đặc biệt hợp khẩu người “mê thịt”.

Bánh phở cũng dày hơn nhưng trần khéo không nát, không cứng. Nước dùng trong, thanh. Đây là món ăn sáng phổ biến nhất của người Hà Nội, nó có thể phổ biến hơn cả phở bò, nó được ví như linh hồn của người Hà Nội, hành ngò, rau mùi được cho lên trên bát phở, tạo nên 1 hương vị rất đặc trưng, khó quên. Những tháng Hà Nội chuyển sang đông, được ăn 1 bát phở gà nóng nghi ngút khối thì không còn gì sung sướng bằng.

Sứa đỏ Hải Phòng

Hè không chỉ là thời điểm “lên ngôi” của điều hòa hay những cây kem mát lạnh mà còn mà mùa của món sứa đỏ Hải Phòng thanh mát, giòn dai làm bao trái tim phải “đổ gục”. Sứa là một loại thủy sinh ruột khoang, thân hình tán trong suốt, có nhiều tua và có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nhất là sứa đỏ được xem là một “thần dược” của biển cả: có thể làm thanh nhiệt, giảm chứng ngứa do rôm sẩy và giảm cơn đau đầu hay mệt mỏi do thời tiết nắng nóng gây ra.

Chính vì thế, chúng đã được tận dụng để làm ra rất nhiều món ăn ngon, nhưng độc đáo nhất có lẽ chính là nộm sứa đỏ Hải Phòng. Chẳng biết món ăn này đã có từ bao giờ, nhưng hiện nay chỉ cần là người Hải Phòng thì không ai không biết đến nộm sứa đỏ. Thậm chí, nó còn “làm mưa làm gió” ở Hà Nội trong những năm gần đây khiến giới ẩm thực “điên cuồng”. Món này ăn kèm với đậu phụ, cơm dừa cắt thành từng miếng vừa ăn, rau thơm, khi ăn thì chấm với mắm tôm, tạo nên một món ăn độc lạ, được săn đón ở Hà Nội mỗi dịp tới mùa sứa.

Xôi chè

Xôi được trộn nhiều đỗ nên dẻo thơm, kết hợp với chè nóng dịu ngọt như đỗ đen, sen, tạo ra món ăn lạ miệng. Ngoài xôi chè, hàng ăn còn có nhiều lựa chọn cho bạn thưởng thức, gồm thạch đen trân châu, bánh chín tầng mây, kẹo lạc, xôi vò, tào phớ, cốm xào... Một số người cho rằng chè có vị ngọt đậm nên ăn hơi ngán.

Bún rêu sườn sụn

Bún riêu là một món ăn quen thuộc, vừa ăn chơi mà vừa có thể thay thế một bữa cơm trong ngày. Bát bún riêu thập cẩm gồm riêu cua, đậu rán, ốc, thịt bò, chả cá, giò tai đầy ngập ú ụ, đến cả người ăn khỏe cũng phải… vất vả một chút mới ăn được hết. Nước dùng chua chua đậm đà, riêu đặc, chút hành phi bên trên béo ngậy dậy mùi. Món này có mùi vị rất đặc trưng so với bún rêu miền nam là giấm bỗng, nếu không cho nguyên liệu này vào thì không còn ngon nữa, tuỳ mỗi quán mà khi bán người ta cho thêm cả hột vịt lộn vào, ăn rất ngon. 

Bánh giầy đậu xanh

Những chiếc bánh dầy đậu xanh tròn xinh, dẻo mềm lại thơm bùi vị đậu xanh ngon khó cưỡng nổi. Bánh giầy đậu xanh là món ăn truyền thống của dân tộc, được gắn liền với sự tích “Bánh chưng bánh dày”. Mặc dù đã trải qua biết bao thăng trầm của thời gian nhưng món bánh dày vẫn được nhiều người yêu thích bởi hương vị đặc trưng mà nó mang lại. Cách làm bánh giầy đậu xanh là món bánh không thể thiếu trong mỗi dịp Lễ hội, Tết cổ truyền và nhất là trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương. Món bánh này không những ngon mà còn rất lành.

Chiếc bánh dày có ngon hay không phụ thuộc vào khâu chọn nguyên liệu đặc biệt là vỏ bánh và đậu xanh. Gạo làm bánh phải là loại nếp cái hoa vàng, dẻo thơm, chắc mẩy. Đậu xanh xay vỏ, ngâm và rửa sạch khi làm bánh sẽ không bị chua. Bánh giầy đậu xanh này khác với bánh giầy thông thường ta hay ăn kèm với các loại chả, đó là nó được phủ bên ngoài 1 lớp đậu xanh xoay nhuyễn, khi ăn có vị thơm, day của nếp, xen lẫn đó là vị ngọt bùi của đậu xanh.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Steven Triết