Ruộng bậc thang ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là sự kết hợp của thiên nhiên cộng với bàn tay cần mẫn, tần tảo của người “Họa sĩ nông dân” vùng cao. Vào mùa nước đổ, những thửa ruộng bậc thang nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc làm nao lòng người. Đến đây, du khách được ngắm những thửa ruộng bậc thang đẹp như những nét vẽ. Vậy còn chần chừ gì nữa, mời mọi người đến với Tẻ Lèng để ngắm nét đẹp ruộng bậc thang mùa nước đổ.

Toàn cảnh ruộng bậc thang Tả Lèng nhìn từ bản Pho Xin Chải. Nhìn từ trên cao xuống những tràn ruộng bậc thang giống như một bức tranh khổng lồ với những gam màu khác nhau làm cho Tả Lèng đẹp và thơ mộng hơn, hấp dẫn du khách.

Nằm dưới chân núi Tả Liên Sơn, từ lâu địa danh Tả Lèng (huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu) nổi tiếng với những cung ruộng bậc thang đẹp kỳ vĩ. Khi những cơn mưa đầu hạ trút xuống, nước từ trên cao đổ về, khi ấy, ta như bắt gặp hàng trăm ngàn chiếc gương khổng lấp lánh. Dưới nắng vàng rực rỡ, những cung ruộng bậc thang Tả Lèng hiện lên như một bức tranh tuyệt đẹp nơi rẻo cao Tây Bắc.

Cách cày bừa truyền thống của người dân là bằng sức kéo của trâu, nhưng cách làm nông nghiệp ngày càng phát triển nên người bà con sử dụng máy móc thay cho trâu, chỉ có những nơi đồi dốc khó đi lại bà con sẽ dùng trâu.

Ánh nắng phản chiếu của nước quyện cùng ánh mặt trời, và màu xanh của mạ non tạo nên một bức tranh đẹp mê mẩn trên những thửa ruộng bậc thang với hình ảnh bà con dân tộc Mông đang hăng say lao động.

Trước khi mùa nước về khoảng một tháng bà con tranh thủ gieo mạ để kịp cho mùa cấy, đây là cảnh bà con người Mông đang nhổ mạ.

Những cơn mưa đầu mùa mang nước nguồn đổ về trên những thửa ruộng bậc thang, tạo những vệt màu đa sắc, càng làm sống động bức tranh kỳ vĩ nơi đại ngàn Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Nếu như trước đây, người dân chỉ trồng cấy một vụ, thì ngày nay, nhiều diện tích đã được trồng cấy hai vụ nhờ sự đầu tư kênh mương thủy lợi của Nhà nước.

Người thanh niên này đang ném mạ xuống bên dưới cho những người phụ nữ cấy.

Nằm xen lẫn cánh đồng ruộng bậc thang là những ngôi nhà truyền thống của đồng bào Mông, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa nông nghiệp riêng biệt của vùng cao Tây Bắc Mặc dù công việc khai đất và dẫn nước cho ruộng bậc thang có khó khăn, nhưng bù lại, ngoài những vụ mùa bội thu, đồng bào Mông nơi đây còn kiến tạo nên một kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ.

Những vách núi càng đứng thì những thửa ruộng bậc thang càng bé lại.

Ruộng vùng cao Tây Bắc thường được cày ải và tháo nước về vào tháng 5, tháng 6 hàng năm, nhưng với cánh đồng ở Tả Lèng, nhiều diện tích đã được cấy 2 vụ trong năm, nên mùa nước đổ thường đến từ tháng 3. Khi đổ ải xong, đồng bào thả nước vào ngâm đất, nước chảy từ khe núi xuống, qua những ống nứa, tràn xâm xấp mặt ruộng tạo nên những bức tranh đa sắc.

Những cô, những chị người Mông đang cấy lúa.
Vì ngày mùa tất cả mọi người trong bản sẽ đi làm, nên những trẻ nhỏ chưa đi học sẽ được cha mẹ địu theo ra ruộng.

Những bức tranh đó có chỗ mang màu vàng của phù sa, chỗ nhuộm sắc xanh của mạ vừa gieo, chỗ phản chiếu đất trời. Sắc nước phù sa, cộng với những đường nét của bờ phân thửa hiện lên tầng tầng, lớp lớp giữa đất trời hùng vĩ.

Một đứa trẻ ngủ ngon lành trên lưng bà khi bà đang cấy lúa.
Một đứa trẻ sơ sinh khác thì được mẹ tranh thủ cho bú lúc nghỉ tay.

Tả Lèng là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông, Dao. Bản nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 10 km, đến với Tả Lèng du khách sẽ có dịp được đắm mình trong những ngôi làng truyền thống nằm hai bên cung đường quanh co uốn lượn, được ngắm những thửa ruộng bậc thang nhiều màu sắc hay tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc trong đời sống của người dân nơi đây.

Anh thanh niên đang rải phân trước khi cấy lúa.
Những thửa ruộng gần đường hoặc những đồi dốc thuận tiện hơn sẽ được những xe cơ giới gôm 2 đến 3 thửa làm một lần.
Khi ánh hoàng hôn buông xuống cũng là lúc những thửa ruộng khoát lên mình một màu sắc lung linh.

 Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Võ Văn Phi Long