Đem lòng “say đắm” vùng cao kể từ chuyến đi bụi đầu tiên, đến nay phượt thủ, travel blogger Nguyễn Khải Trung đã có nhiều kỷ niệm khó quên nơi rẻo cao Tây Bắc. Hãy cùng lắng nghe những câu chuyện và cảm nhận thú vị của chàng trai 9x về mảnh đất hùng vĩ này nhé!

Chàng trai 9x đã có mặt tại chữ S Mộc Châu

Chuyến đi của tuổi trẻ

Đầu năm 2018, chỉ với 400 nghìn đồng, “nghe ngóng” được trên Mộc Châu đang mùa hoa mận nở rộ, Nguyễn Khải Trung và cậu bạn cùng lớp không bàn bạc gì nhiều đã quyết định hôm sau lên đường. “3 giờ sáng, giữa cái thời tiết rét đậm, chúng tôi lang thang, mò mẫm trong bóng tối, vượt đèo vượt dốc giữa cái vắng vẻ và hoang sơ của núi rừng Tây Bắc”, anh bồi hồi nhớ lại.

Đèo Thung Khe - Hòa Bình

Khi chạy xe đến huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình trời bắt đầu sáng. Chàng trai 9x đang háo hức vì phía trước là đèo Thung Khe hùng vĩ thì chiếc xe bắt đầu chạy chậm lại giữa con dốc. Chưa từng có kinh nghiệm đi xa, hai cậu bạn rất loay hoay và lo lắng. Thật may là sau khi nghỉ một lúc chiếc xe “ọp ẹp” lại hoạt động bình thường.

Đồi chè Mộc Châu - Sơn La

Khải Trung đến được Mộc Châu vào lúc xế trưa. Cựu sinh viên Bách Khoa cho biết vì quá mệt mỏi sau chặng đường dài anh đã ngủ một mạch đến chiều. Thức dậy, anh cùng cậu bạn đi khám phá các bản làng xung quanh. “Lúc vào bản Áng bị hai con chó đuổi, vừa sợ bị ngã xe vừa sợ bị chó cắn”, anh cười. Khi đó mọi thứ thật lạ lẫm trong con mắt của chàng sinh viên: trang phục dân tộc, nhà sàn, hoa mận, hoa cải trắng. Đặc biệt hình ảnh những đứa trẻ chân trần, sụt sịt mũi vì lạnh khiến anh nhớ mãi.

Khải Trung chinh phục đỉnh Pha Luông

Thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát lành và con người thân thiện, từ đó khiến anh dành một tình cảm đặc biệt với vùng đất Tây Bắc. Có lẽ với nhiều người 200km không phải là quãng đường dài, Mộc Châu họ đi nhiều rồi nhưng đối với Khải Trung đó là dấu mốc lớn của tuổi trẻ. Chàng sinh viên 20 tuổi dám đi, dám làm những điều mình thích.

Cực Tây A Pa Chải

7 lần vòng quanh Tây Bắc

Địa hình vùng cao hiểm trở và xa xôi nên Khải Trung thường di chuyển theo hành trình lớn, mỗi hành trình kéo dài từ 4 đến 7 ngày, nối tiếp các điểm, các tỉnh với nhau, khép kín thành một vòng tròn. Đến nay sau 7 lần vòng quanh Tây Bắc, anh đã lưu giữ cho mình một kho tài đồ sộ những kỉ niệm đẹp đẽ về mảnh đất này.

Cung đường offroad Xím vàng trạm tấu

Ở hai hành trình đầu tiên anh đã gặp rất nhiều khó khăn: xe hỏng, lạc đường, mưa bão, thời tiết rét đậm. Vượt qua những trở ngại ấy chàng phượt thủ đã đặt chân đến nhiều địa danh nổi tiếng thuộc 6/6 tỉnh Tây Bắc và chinh phục 3 đỉnh đèo nổi tiếng vắt qua mảnh đất này.

Đèo Pha Đin

Khải Trung chia sẻ lần đầu đến “Thiên đường mây” Tà Xùa, anh ấn tượng mạnh với hình ảnh những áng mây trôi lãng đãng giữa trùng điệp núi rừng và những con đường sạt lở sau cơn mưa. Hay lần xuyên mưa trên con đèo Tằng Quái lên Điện Biên, do quá rét và sương mù dày đặc, anh phải trú mưa và đốt lửa sưởi ấm tại căn nhà ven đường.

Leo núi Pha Luông - Sơn La

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong 7 chuyến đi Tây Bắc, Khải Trung cho biết đó là kỷ niệm trong hành trình 3 đến với cực Tây A Pa Chải. Sau khi ăn tối ở thị trấn Mường Tè, chàng trai 9x theo chỉ dẫn của chị Google Map để sang Mường Nhé với quãng đường dự tính là 95km. Lúc đó, anh chỉ biết chạy thẳng con đường sâu hun hút, đến mức chạy qua đoạn rẽ đến tận Pác Ma. Sau khi nghỉ ngơi và hỏi thăm người dân, biết có đường khác anh lại lần mò trong bóng tối tiếp tục hành trình.

Mường Chà - Điện Biên
Mường Tè - Lai Châu

Kết quả anh đã gặp rất nhiều khó khăn: đường xấu, không có trên bản đồ, dọc đường vắng vẻ, điện thoại mất sóng, xe hết xăng. “Buồn cười nhất là khi đến được một cây xăng. Tính đi vào thì một đàn chó chạy xồ ra đuổi, sợ quá nên mình đi luôn. Thật may là cũng đã tới được Mường Nhé lúc 1 giờ sáng”, anh cười. Khó khăn là vậy nhưng Khải Trung khẳng định mình đã có những trải nghiệm tuyệt vời, đó là được ngửi mùi tinh dầu sả thơm lừng và nhìn ngắm bầu trời sao đêm!

Tà Xùa - Sơn La

Ở những hành trình sau, chàng phượt thủ 9x thử thách bản thân với những cung đường offroad nổi tiếng: Xím Vàng - Trạm Tấu, bản Cu Vai, Háng Đề Chơ, Kẻng Mỏ,... Trải nghiệm những cung đường trơn trượt, treo leo giữa vực thẳm, hay những lúc đi qua cây cầu gỗ tạm bợ khiến anh bao lần “thót tim”. Khải Trung cho biết anh dự định đi thêm nhiều hành trình Tây Bắc nữa, đặt chân đến những vùng đất mới, vùng sâu vùng xa, cùng cực biên giới, hoàn thiện tấm bản đồ phượt của mình.

Xím Vàng - Sơn La
Thác Háng Đề Chơ - Yên Bái

Hành trình yêu thương

Bản Cu Vai - Yên Bái

Không chỉ mạnh mẽ, liều lĩnh chàng trai 9x còn là một người ham học hỏi. Xuyên suốt các chuyến xa, ngoài ngắm cảnh đẹp anh thường xuyên tìm hiểu về di tích lịch sử, bản sắc dân tộc và văn hóa vùng cao. Càng đi, càng hiểu biết anh càng thêm yêu thương và gắn bó với mảnh đất Tây Bắc thăng trầm.

Bữa cơm vùng cao

Qua nhiều hành trình lên Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và vùng núi các tỉnh miền Trung, Nguyễn Khải Trung được tiếp xúc và chứng kiến cuộc sống của người dân ở đó. Anh đi những con đường họ thường đi, ăn những món họ nấu, ở những căn nhà họ sống, có những nơi tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, vì vậy anh hiểu họ vất vả, thiếu thốn thế nào. Nhất là trẻ em vùng cao, thiếu từ cái ăn, cái mặc, con chữ. Vì vậy mỗi lần lên “xứ ngàn” chàng trai 9x luôn mang theo bánh kẹo cho các em nhỏ.

Chợ phiên Cán Cấu - Lào Cai
Cửa khẩu Lóng Sập - Sơn La

Sắp tới khi quay lại vùng cao, nhất là khu vực Tây Bắc, Khải Trung dự định sẽ làm nhiều chương trình thiện nguyện, quyên góp quần áo, sách vở cho các em nhỏ. Anh hy vọng mình có thể góp chút sức lực, gửi gắm yêu thương tới vùng cao giống như những gì mảnh đất ấy đã từng “lan tỏa” đến mình.

Em bé vùng cao
Di tích tháp cổ Mường Bám - Sơn La
Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Mù Cang Chải - Yên Bái
Mường Chà - Điện Biên
Cầu gỗ tạm bợ tại Điện Biên
Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mường Khương - Lào Cai
Mường Lay - Điện Biên
Sa Pa - Lào Cai

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Nguyễn Khải Trung