Đại đức Thích Trí Thành (Đồng Tháp) không những được mọi người biết đến với tấm lòng cao cả, không chỉ thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện mà còn là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Mỗi bước chân Thầy đến từng vùng miền, dù vùng sâu hay vùng xa hẻo lánh, nơi đó đều rộn vang tiếng cười...

Đại đức Thích Trí Thành với tình yêu trẻ con vùng cao.

Được biết, Thầy là Đại Đức Thích Trí Thành (Thế danh: Nguyễn Văn Luận), sinh năm 1982, hiện là Tăng chúng Chùa Tân Long, xã Tân Thuận Tây, Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Xuất gia Tu học được 17 năm. Tiếp xúc với thầy đôi ba lần, với tính cách sống của một người xuất gia, thầy luôn tạo cảm giác thân thiện cho những người lần đầu làm quen. Qua cuộc trò chuyện của thầy với Vietnam Beauty, giúp chúng ta hiểu được những điều mới lạ trên bước chân sáng tác của thầy...

Chăm sóc hoa xuân (Đồng Tháp) - Quê hương thầy Thích Trí Thành.
Cảnh câu cá của người dân miền Tây - An Giang, cạnh hàng thốt nốt dưới ống kính nhiếp ảnh gia Nguyễn Luận.

Thầy đến với chụp ảnh từ khi nào?

Thật ra ngay từ đầu thầy chưa có đam mê với nhiếp ảnh cho đến khi được xem nhiều những bức hình đẹp của các anh em đi trước, thầy mới bắt đầu cảm thấy thích hơn và tìm tòi đến bộ môn nghệ thuật này.

Ruộng bậc thang

Thầy đã đi được những nơi nào rồi? Nơi nào thầy ấn tượng nhất?

Thầy hầu như đã đi khắp nơi trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nơi nào có cái đẹp là thầy đến. Ấn tượng nhất để lại trong lòng thầy đó là hình ảnh những em bé vùng cao sống lam lũ, chất phát thật thà dễ thương, dễ mến và hình ảnh những cụ già chân lấm tay bùn có cuộc sống lao động vất vả. Bởi vì thế, ngoài chụp phong cảnh, thầy còn theo đuổi thể loại chân dung cuộc sống và chân dung đời thường để khắc họa những nét đẹp từ trong lao động.

Những chuyến đi như thế để lại cho thầy nhiều kỉ niệm đẹp không thể nào quên và cũng giúp thầy học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ những anh chị em nhiếp ảnh mình tiếp xúc được.

Hoa cải vàng
Sư thầy dành tình cảm đặc biệt cho trẻ em vùng cao.

Vừa lo công việc bề bộn hàng ngày, nhưng thấy Thầy vẫn đến được nhiều nơi rất đẹp. Vậy Thầy dung hòa giữa cuộc sống và đam mê như thế nào ạ?

Sau những thời gian tu tập, cũng như bái xám, thỉnh thoảng thầy lại xin sư phụ trụ trì cho thầy đi vài hôm. Vì biết thầy đam mê nhiếp ảnh nên ngài cũng hoan hỷ và thế là thầy lại vác trên lưng balo máy ảnh lên đường. Vì thời gian đi lại thường rơi vào cuối tuần, nên phải biết cách "gói ghém" lắm mới có thể chụp được hết nơi mình muốn đến. Nhiều khi đến nơi rồi mà thời tiết không ưng ý thì cũng tiếc lắm, nhưng cái gì cũng phải tùy duyên!

Thầy dành hết số tiền kiếm được từ nhiếp ảnh cho các hoạt động thiện nguyện của mình, chia sẻ với những trẻ em mồ côi và người già neo đơn.

Nhiều nhiếp ảnh gia luôn nói, chụp ảnh có phải là cách để rèn luyện tính nhẫn nại, chịu đựng. Thầy có thấy điều này đúng với mình không?

Có thể nói như vậy. Nhẫn nại để chờ đợi những khoảnh khắc đẹp cùng với một tâm hồn phải thoải mái để sáng tác được những bức ảnh có chiều sâu, để người xem cảm được hết thông điệp mà người nghệ sĩ sáng tạo. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh khác với người chụp ảnh bình thường ở chỗ, họ biết mình chụp cái gì và chụp vào lúc nào để có một bức ảnh ưng ý.

Với thầy, chụp ảnh cũng là một cách tu thiền.

Thầy có từng suy nghĩ chụp hình để làm từ thiện không?

Thật ra, lúc đầu thầy không nghĩ việc chụp ảnh sẽ kiếm được tiền mà chủ yếu vì đam mê là chính. Rồi duyên tới, mọi người khi xem ảnh thầy chụp thì khen nhiều, rồi động viên thầy tham gia các cuộc thi - "Thầy thi đi, nếu đoạt giải thì lấy tiền làm từ thiện được mà thầy". Nhiều lúc suy nghĩ, đắn đo và chọn lọc thật kỹ lắm mới có được vài tấm ảnh thật ưng ý mang đi thi, vì ở ngoài kia còn rất nhiều nhiếp ảnh gia tài năng hơn mình.

May mắn ở hai cuộc thi đầu tiên, thầy đều đạt giải khá cao với tổng số tiền thưởng lên đến 50 triệu đồng, thầy dành hết cho việc từ thiện, chia sẻ cùng những mảnh đời khó khăn quanh mình. Thầy nghĩ, chụp ảnh với công việc thiện nguyện cũng có điểm chung là làm đẹp cho đời.

Cầu Cao Lãnh - Cây cầu tình hữu nghị Việt - Úc (Tác phẩm đạt giải của sư thầy Thích Trí Thành).
Sư thầy bên tác phẩm đạt giải của mình.

Giữa muôn trùng khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ngôi chùa và các chương trình từ thiện thực phẩm, cơm chay, bánh mì v.v… gửi tặng đến bà con nghèo trong những khu vực các ly, các hộ nghèo khó khăn. Với phương châm “Để không ai bị bỏ lại phía sau” được thực hiện ngày càng rộng rãi. Đại đức Thích Trí Thành cùng gia đình chị Victoria Nguyễn (TP. Long Xuyên) kết hợp với mạnh thường quân thực hiện chương trình “Bánh mì 0 đồng” với khẩu hiệu “Cho cả tấm lòng, bà con nhận lấy, xin đừng áy náy”. Trong 7 ngày, đã trao hơn 4.800 ổ bánh miễn phí cho người nghèo, các trẻ em, người mang thai trong các khu vực nhà trọ, có được buổi điểm tâm sáng và đến nay đã hoàn thành.

Qua một hành trình đến với nhiếp ảnh khá dài, đi qua nhiều vùng miền đất nước, Thầy dường như đang muốn nhắn nhủ điều gì đó qua từng bức ảnh của mình?

Mỗi bức ảnh đều là một khoảnh khắc của cuộc đời được ghi lại qua ống kính của các nhiếp ảnh gia, cũng giống như những khoảnh khắc của cuộc đời mỗi con người, dù xấu dù đẹp cũng chỉ đến một lần duy nhất nên chúng ta cần phải biết trân quý chúng. Vả lại, thầy mong qua những bức ảnh ấy, mình cũng góp một phần nhỏ vào việc quảng bá cái đẹp của đất nước, con người Việt Nam đến với tất cả mọi người, để họ hiểu và yêu hơn xứ sở này.

Nghề đánh cá cơm của ngư dân trên biển Phú Yên.
Danh thằng Hòn Yến - Phú Yên

Vậy còn thời gian sắp tới, Thầy có ấp ủ dự định gì lớn lao không?

Thầy sống an nhiên tự tại lắm, nên dự định cho tương lai hiện tại thì thầy chưa nghĩ tới. Nếu có, chỉ là mong cho sớm kết thúc đại dịch covid để những phút giây rảnh rỗi thầy có thể được đi đây đó từ Nam ra Bắc, đi để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của đất nước và con người lao động Việt Nam.

Bình minh trên Gành Đèn - Phú Yên
Mùa rêu ở Cổ Thạch - Bình Thuận.
Mùa thu lá vàng ở Suối Tía - Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt).

Cảm ơn sư thầy! Chúc sư thầy luôn mạnh khỏe và tu tập tinh tấn!

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Nguyễn Văn Luận