Yến Vi Vu tên thật là Nguyễn Thị Yến, sinh ngày 15/09/1999, sinh ra và lớn lên tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, còn được nhiều người biết đến qua kênh youtube Yến Vi Vu. Cô đang là sinh viên năm cuối ngành Truyền thông đa phương tiện tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Chào Yến! Bạn đã vi vu được bao nhiêu tỉnh, thành rồi? Nơi nào là bạn ấn tượng nhất? Vì sao?

Yến đã đặt chân tới 22 tỉnh, thành rồi! Trong đó 17 tỉnh miền bắc, 2 tỉnh miền trung và 3 tỉnh miền nam. Vì Yến sinh ra và lớn lên ở Bắc Giang, hiện tại đang học tập và làm việc tại Hà Nội nên di chuyển quanh miền Bắc sẽ thuận tiện và tiết kiệm chi phí cho mình.

Yến và Bà Hương - chủ nhân ngôi nhà gần 100 năm tuổi ở làng Thiên Hương.

Bất cứ nơi nào cũng cho Yến những trải nghiệm và cảm xúc khác nhau. Nhưng để mà đặt lên bàn cân thì nơi ấn tượng nhất với Yến là Hà Giang. Mọi người hay đồn tai nhau rằng ai đi Hà Giang một lần thì chắc chắn sẽ có lần thứ hai. Bản thân Yến là một dẫn chứng cụ thể. Yến đã có hai lần đến Hà Giang vì quá mê nơi này, lần một vào tháng 11/2019 và lần hai là tháng 09/2020. Hà Giang thật sự rất đẹp! Khi đi xe máy rong ruổi trên con đèo Mã Pí Lèng huyền thoại, mình được chiêm ngưỡng núi non trùng trùng điệp điệp, nhìn xuống phía dưới là dòng sông Nho Quế quanh năm xanh màu ngọc bích. Nhưng điều khiến Yến lưu luyến mảnh đất này nhất thì có lẽ là con người Hà Giang. Ánh mắt của những đứa trẻ long lanh, hồn nhiên. Các em bẽn lẽn mỗi khi gặp người lạ, thi thoảng nhoẻn miệng cười ngại ngùng, trông đáng yêu lắm! Những người dân tộc dù không nói được tiếng Kinh, giao tiếp với nhau chủ yếu qua ngôn ngữ cơ thể nhưng vẫn nhiệt tình đón tiếp những vị khách xa phương đến thăm Hà Giang.

Trên đường đi Du Già (Hà Giang).

Bạn kể lại một câu chuyện vui và nhiều kỷ niệm nhất trong các cuộc hành trình của bạn đi!

Đó là chuyến đi Tà Xùa vào tháng 12/2019. Mình và ba người bạn nữa đi hai xe từ Hà Nội lúc 10 giờ sáng. Bọn mình đi theo google map khá suôn sẻ cho đến khi mất định vị. Bọn mình lạc ở đâu đó trên quả núi ở Bắc Yên. Mình nhớ khi ấy bọn mình chọn đi đường tắt. Đường bê tông càng lên cao càng nhỏ lại và thành đường đất lúc nào không hay. Thấy bóng dáng một người dân địa phương, bọn mình chạy lại hỏi thì được biết đường này vẫn có thể đến Tà Xùa nhưng rất khó đi. Chợt. Trời ơi! Nhìn phía xa kìa, ngọn núi màu nâu cứ ngỡ như đang ở châu Phi vậy.

Chỗ mà Yến bị lạc đường

Vì họ bảo đường này vẫn đi được nên bọn mình quyết định đi tiếp. Đường đất. Bụi. Nhiều sỏi. Có đoạn lại có dòng suối nhỏ chảy qua. Hai đứa con gái mỗi đứa đeo một chiếc ba lô trên lưng và ôm một chiếc khác ở trước bụng, leo bộ vừa thở vừa buồn cười. Vì đường quá khó đi, một người đi xe máy đã khó rồi nên không thể chở thêm ai nữa. Khi mặt trời lặn, bọn mình vẫn ở lưng chừng núi, chưa biết bao giờ mới thoát khỏi cảm giác “no hope" này! Bù lại, bọn mình được ngắm hoàng hôn cực đẹp luôn. Tiếc là mặt trời lặn nhanh quá nên chụp vội bằng điện thoại, ảnh không được chất lượng lắm.

Một buổi hoàng hôn

Trời tối. Bọn mình mới đến được đoạn đường mà mọi người thường đi. Trong khi người khác đi Tà Xùa 6 tiếng thì bọn mình đi tận 8 tiếng. Nhưng ngẫm lại, phải đi con đường mà không ai đi, thì ta mới thấy được cảnh đẹp mà không ai thấy, đúng không nào?

Đón bình minh ở Tà Xùa.

Là con gái, việc đi vi vu có gặp khó khăn trở ngại gì không?

Mặc dù mình là con gái nhưng ai cùng bảo là “con đàn ông” vì mình rất khỏe, đi chơi cả ngày được, ít khi thấy mình kêu mệt lắm. Khi mọi người ngồi nghỉ thì mình vẫn tung tăng khắp nơi để quay và chụp. Tất cả các chuyến đi của mình đều suôn sẻ và chưa gặp trở ngại gì quá lớn. Còn sự cố phát sinh trong chuyến đi như hỏng xe, thủng săm, xước xát nhỏ,... với mình là bình thường. Mình lạc quan lắm! Mình coi tất cả sự cố là trải nghiệm trong cuộc đời. Càng trải nghiệm nhiều thì càng rút ra được nhiều bài học và càng trưởng thành hơn!

Công viên Choản Thèn ở Y Tý

Bạn còn là sinh viên vậy nguồn thu nhập nào để bạn trang trải cho chuyến đi?

Hiện tại mình đang chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Nói về nguồn thu nhập để đi du lịch thời sinh viên của mình thì khá dài. Mình xin điểm qua một số công việc mình từng làm từ năm nhất đến năm tư đại học như sau: thu ngân siêu thị, telesales, nhân viên bán hàng và thu ngân tại cửa hàng quần áo, chụp ảnh kỷ yếu, nhân viên PR nội bộ, quay và dựng video, nhân viên Truyền thông - marketing. Vừa học vừa làm nên lương sinh viên khá bèo bọt nhưng có tiền đi du lịch mà không phải xin bố mẹ thì mình cũng thấy vui rồi.

Ngắm mây trên Ngải Thầu

Bạn chia sẻ bí quyết để có một chuyến đi ít tốn kém?

Để tiết kiệm chi phí cho một chuyến đi, có bốn điều mình thường làm. Thứ nhất, lựa chọn hình thức đi phượt, di chuyển bằng xe máy. Xe thì có sẵn rồi nên chỉ tốn tiền xăng thôi. Thứ hai, đi theo nhóm nhỏ với số lượng thành viên là số chẵn (4 hoặc 6). Đi càng đông thì càng rẻ. Tuy nhiên, đông người thì phát sinh nhiều vấn đề hơn nên mình chọn nhóm nhỏ để thoải mái hơn. Tại sao lại là số chẵn? Bởi đi xe máy thì 2 người/xe. Nếu phải đi taxi thì cũng gọi taxi 4 chỗ hoặc 7 chỗ. Vậy là vừa nhất. Thứ ba, chọn chỗ ở bình dân. Mình thường ở homestay, giá vừa rẻ mà vừa được trò chuyện với chủ nhà. Có khi còn được họ nấu cơm cho ăn. Thích lắm! Thứ tư, lên kế hoạch, lịch trình trước chuyến đi để biết được sẽ ăn gì, ở đâu, chơi gì, chi phí bao nhiêu để cân đối cho phù hợp. Hầu hết các chuyến đi thời sinh viên của mình chỉ dao động từ 400.000 đồng đến 1 triệu rưỡi cho một chuyến mà thôi!

Trên đèo Khau Phạ - Mù Cang Chải

Sau những chuyến đi bạn học hỏi được những gì?

Mỗi chuyến đi đều để lại cho mình ít nhất một bài học. Nói về những bài học lớn thì thứ nhất, mình học được cách giao tiếp với mọi người. Mình có thể bắt chuyện với bất cứ ai mình gặp, từ người cao tuổi đến người trung niên, các bạn trẻ và cả những em bé nữa. Trước lạ sau quen mà! May là mọi người đều có thiện cảm với mình. Bí quyết ở đây là luôn nở nụ cười mỗi khi hỏi chuyện ai đó và nhìn vào họ, lắng nghe họ một cách chân thành.

Mùa lúa chín ở Du Già

Thứ hai, mình học được rằng “cho đi để nhận lại”. Muốn nhận được thứ gì đó thì trước tiên hãy cho đi thứ đó đi. Ví dụ, muốn nhận được sự tôn trọng của người khác thì mình cũng phải tôn trọng họ trước đã.

Hoàng hôn ở Ô Quy Hồ

Thứ ba, bài học về lòng nhân ái. Mình cảm thấy bản thân mình vẫn còn sung sướng chán! Ở ngoài kia có biết bao nhiêu người khốn khổ! Có người bị khuyết tật bẩm sinh, không nghe, không thấy, họ còn không biết mặt mũi của mình ra sao. Có người vất vả mưu sinh mà vẫn không đủ miếng cơm hàng ngày... Do đó, mình luôn cố gắng giúp đỡ người khác dù chỉ là việc nhỏ thôi. Bữa mình mua mấy đôi tất mang lên cho bọn trẻ ở thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nhìn chúng nó hớn hở cầm đôi tất trên tay mà mình vui lắm! Mặc dù đã dặn dò về rửa chân sạch rồi hẵng đi tất mà không biết chúng có làm theo không nữa.

Yến cùng các em bé ở thôn Choản Thèn

Bữa trời lạnh, mình thấy bà cụ nằm ở ven đường gần nhà mình, mình đã mang cho bà một chiếc chăn để giúp bà đỡ lạnh. Không biết là mọi người có tin vào luật nhân - quả không? Mình thì tin. Mình luôn gặp may mắn trong các hành trình, hẳn là phải có lý do! Mình tự nhủ lòng là bởi "ăn ở tốt", được trời thương.

Bạn muốn truyền thông điệp gì với giới trẻ?

Mình muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng: Còn trẻ, còn khỏe hãy đi thật nhiều nơi, trải nghiệm thật nhiều thứ. Hãy sống làm sao để sau này không cảm thấy hối tiếc!

Dốc Thẩm Mã (Hà Giang)

Sau tốt nghiệp Đại học, bạn có những dự định gì không?

Yến có một danh sách những điều muốn làm, hiện tại dài khoảng 4 trang giấy. Dự định cho tương lai thì nhiều, nhưng mình chỉ tiết lộ cái to nhất thôi nha.

Bình minh đang chờ đón phía trước

Mình ấp ủ một chuyến đi xuyên Việt trước năm 25 tuổi. Trước đó thì mình sẽ phải mua xe máy đã. Chiếc xe hiện tại đã khá cũ rồi, không đảm bảo được an toàn cho một hành trình dài. Mình dự định đi trong khoảng 6 tháng đến 1 năm. Tại sao mình lại đi lâu như thế? Thứ nhất, mình muốn trải nghiệm sâu hơn cuộc sống của người dân bản địa thay vì chỉ đi đến những địa điểm nổi tiếng, chụp kiểu ảnh thông thường. Thứ hai, mình sẽ quay video ghi lại hành trình của mình để giới thiệu về cảnh đẹp đất nước, kể những câu chuyện đặc sắc tại mỗi nơi mình đặt chân tới. Sau đó chia sẻ lên kênh YouTube Yến Vi Vu để mọi người cùng xem. Mà quay video thì sẽ tốn thời gian khá nhiều. Thứ ba, mình sẽ vừa đi vừa làm việc. Do đặc thù công việc của mình có thể làm online từ xa nên ở bất cứ đâu có kết nối Internet là mình làm việc được. Điều đó sẽ giúp mình có thêm chi phí cho chuyến đi mà không bị áp lực khi phải chuẩn bị một khoảng tiền lớn. Với mình, đâu cũng là nhà! Ở đâu có chỗ ngủ, có đồ ăn, có Internet là đủ sống rồi!

Mình mong là đại dịch sớm qua đi để cuộc sống bình thường trở lại và mình có thể thực hiện chuyến đi ấp ủ bấy lâu.

Cảm ơn Yến! Chúc bạn luôn vui vẻ, hạnh phúc và có những chuyến vi vu thật như ý muốn nhé!

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Yến Vi Vu