Hòn ngọc Viễn Đông (La perle de l'Extrême-Orient) là một mỹ danh được thực dân Pháp dùng để nói về Sài Gòn (nay là TP.HCM), thủ phủ của liên bang 3 nước Đông Dương là thuộc địa của Pháp những năm đầu thế kỷ XX gồm Việt Nam, Campuchia và Lào. Tham vọng chính của người Pháp muốn tạo ra một thành phố làm đối trọng, thậm chí vượt mặt các thành phố lớn trong khu vực như Singapore và Hong Kong (thuộc địa của Anh).

Sài Gòn (TP.HCM) không chỉ gợi nhớ du khách về lịch sử. Sau những năm tháng chiến tranh, trải qua những khó khăn về kinh tế, về công cuộc tái thiết, Thành phố giờ đây đã vươn mình đứng đậy và Sài Gòn hiện nay đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở châu Á, cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn giải trí.

Thành phố của hơn 10 triệu dân, gần 7 triệu chiếc xe máy này khiến du khách tò mò, muốn tìm hiểu. Vẻ đẹp của Sài Gòn còn được thể hiện qua sự tương phản giữa những hệ thống khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm thời trang sang trọng xen lẫn với những bảo tàng, đền thờ, ngôi chùa thú vị, phù hợp cho người thích khám phá. Những dấu ấn của người Pháp để lại từ năm 1861 ở thành phố được mệnh danh là “Paris của phương Đông” vẫn hiện hữu rất rõ trong hơn một thế kỷ qua: những đại lộ, văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố (trước đây là Tòa thị chính), Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm, Nhà hát Lớn, khách sạn Hotel de Ville, Caravelle, Rex, Majestic…

Sài Gòn giờ đây trở nên hấp dẫn với du khách chính bởi sự tồn tại song song giữa quá khứ và hiện tại. Khách du lịch quốc tế rất thích thú khi được chứng kiến những chiếc xích lô cổ điển song hành cùng với những chiếc ô tô Mercedes và Audi bóng bẩy trên đường. Chuỗi cửa hàng McDonald chia sẻ công việc kinh doanh cùng với các quán phở bình dân. Các cửa hàng của Prado và Armani tồn tại giữa những shop quần áo bình dân, thậm chí cả hàng nhái. Những ngôi nhà cấp 4 không hề ghen tị với những tòa nhà chọc trời, và khách du lịch có thể dùng nước mía làm dịu cơn khát thay vì uống soda. Chính sự tương phản nhưng lại song hành cùng nhau là điều khiến TP.HCM trở nên đặc biệt và thú vị đối với du khách, đặc biệt là những người đến từ phương Tây.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, những năm gần đây, thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn đổi tên năm 1976) bừng tỉnh giấc, phát triển xứng tầm với mỹ danh đã gắn liền với tên gọi một thế kỷ qua. Những tòa nhà chọc trời vươn mình trên biển mây đón ánh mặt trời như muốn thể hiện khát khao chinh phục những đỉnh cao mới của con người nơi đây.

Chợ Bến Thành

Đó là Tháp Tài chính Bitexco nằm ở trung tâm Quận 1 với 68 tầng (3 tầng hầm) cao 262m, khánh thành đưa vào sử dụng năm 2010, trong nhiều năm là tòa nhà cao nhất và cũng được coi là biểu tượng phát triển mới của TP. HCM.Mỗi khi một đỉnh cao bị phá vỡ, điều đó thể hiện cho sự phát triển đi lên. TP. HCM thêm một lần ghi nhận kỷ lục tòa nhà không chỉ cao nhất thành phố mà còn cao nhất Việt Nam.

Tòa Landmark 81 được xây dựng ven sông Sài Gòn trên địa bàn Quận Bình Thạnh, khánh thành năm 2018 với 81 tầng, chiều cao 461m tính tới đỉnh tháp.Không chỉ là công trình có chiều cao kỷ lục từ trước đến nay tại Việt Nam, Landmark 81 còn thể hiện cho sức mạnh vươn lên bầu trời, biểu trưng cho khát vọng vươn tầm thế giới của người Việt, mang thông điệp về một thành phố mới đầy khao khát và nội lực, là một biểu tượng cho sự phát triển năng động của TP. HCM.

Sài Gòn những năm tới đây sẽ xuất hiện thêm những tòa nhà chọc trời, đánh dấu cho một giai đoạn vươn mình đi xa hơn trong tiến trình hội nhập với quốc tế. Đó là tòa tháp tài chính Eco Green ở quận 7, dãy nhà cao tầng ven sông Sài Gòn Grand Marina Ba Son và tòa nhà văn phòng cao thứ nhìn thành phố có tên The Sun...

Hay Khu đô thị mới Thủ Thiêm (bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện Quận 1) được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại và  mở rộng của TP.HCM (nay thuộc thành phố Thủ Đức mới), một khu đô thị mới bền vững kết hợp chặt chẽ với các điều kiện cảnh quan tự nhiên.

Để kết nối khu trung tâm hiện hữu với phía Đông thành phố, 4 cây cầu bắt qua sông Sài Gòn đã và đang được xây dựng. Đó là cầu Thủ Thiêm 1, 2, 3, 4 và một cây cầu đi bộ rất hiện đại. Trong đó, cầu Thủ Thiêm 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ nhiều năm trước, hiện nay cây cầu Thủ Thiêm 2 đang được tiến hành hợp long, dự kiến sẽ được thông xe vào năm 2022. Tiếp đó, các cây cầu còn lại cũng sẽ được khởi công xây dựng để tạo một diện mạo, một quá trình phát triển mới cho TP.HCM.

Ngược với một Sài Gòn phồn hoa, đi trên đường phố Sài Gòn sẽ bắt gặp nhan nhản những tiệm ăn nào là Bún bò Huế, Mì Quảng, Bánh xèo miền Tây  hay bánh cuốn nóng Hà Nội. Người ta sẽ tự hỏi rằng vì sao không món ăn nào mang tên Sài Gòn? Có lẽ đây là điều mà nhiều người thắc mắc nhất khi đặt chân đến thành phố này !

Bến Vân Đồn

Quả thật là Sài Gòn không có món ăn đặc trưng như những vùng đất khác. Đây là nơi giao thoa văn hóa ẩm thực từ nhiều nơi trên cả nước, thậm chí là trên thế giới. Chính điều này đã tạo nên một nét đặc sắc hiếm nơi nào có được. Chỉ cần đến Sài Gòn là đã có thể thưởng thức được gần như trọn vẹn nền ầm thực Việt Nam rồi, chẳng cần phải đi đâu xa. Sài Gòn quả là không thiếu thứ gì!

Sài Gòn đỏng đảnh sớm nắng chiều mưa là câu nói quen thuộc nhất khi nhắc đến thời tiết nơi này. Có những khi trời rất nắng bỗng mưa cứ ào ào trút xuống, không một dấu hiệu báo trước, làm người ta chẳng kịp tìm chỗ trú. Có những lúc như trêu người, dừng xe vội lấy chiếc áo mưa để sẵn trong cốp rồi lên xe đi chưa được năm mét trời lại nắng. Vậy mà đi xa thì nhớ, nhớ đến thương cái tính cách nhõng nhẽo của Sài Gòn

Tòa tháp Bitexco