Lời mở đầu: 

Lê Việt Khánh hiện là nhiếp ảnh gia tự do chuyên chụp ảnh phong cảnh, cuộc sống và văn hóa. Theo đuổi con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp từ hơn 10 năm nay, Lê Việt Khánh đã gặt hái được nhiều thành công với rất nhiều giải thưởng danh tiếng trong nước và quốc tế.

Qua tìm hiểu được biết, nghệ sĩ Lê Việt Khánh được đào tạo bài bản theo truyền thống gia đình: trở thành một hoạ sỹ, hết trung cấp lên Đại học, rồi Cao học. Những năm tháng ăn học tại Trường Đại học Mỹ thuật 42 Yết Kiêu, Khánh là một sinh viên khá, từng được giải Cuộc thi Sinh viên, các bài thi đều xuất sắc, chủ yếu rất thích tìm tòi... những ký hoạ nổi trội nhất! Những tranh còn giữ đến bây giờ, toát lên một tay nghề vững vàng và một tình yêu hội hoạ. Ngoài tranh, Khánh rất giỏi Đồ hoạ, những Logo, bìa sách... đều rất tinh tế và đẳng cấp.

Nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh thường độc hành cùng chiếc xe máy và "đứa con cưng" là chiếc máy ảnh để săn ảnh khắp nẻo đường. Bởi theo anh, khi đi xe máy có thể chui sâu vào các đường nhỏ, đi sâu vào các bản bên trong, Lao Xa, Sảng Tủng, Lá Xỉe, Mao Túa Xủng, Sủng Pờ hay Y Tý… Chỉ có lùng sục trong những nơi thâm sơn cùng cốc ấy mới co thể tìm thấy những cây đào cổ thụ, hình ảnh các trẻ em vùng cao vui đùa trong sương mai đẹp đến nao lòng.

Nói về những thời khắc này, Nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh cho biết năm 2012, trong bữa cơm chiều, khi còn đang làm việc cho Vietnam Airlines, Khánh bảo: “Con đã bỏ việc rồi bố mẹ ạ! Từ mai con sẽ không đi làm nữa!” Mẹ anh suýt xỉu! Từ mai sẽ không việc làm, không lương, bỏ một công việc mà thiên hạ mất nhiều tiền mới vào được, sẽ sống bằng gì? Với cái tuổi 34, tuổi mà người ta đã có vợ có con đề huề, mình không một mảnh tình vắt vai...! Khánh bảo: “Con sẽ mua một xe máy, một máy ảnh, và đi Phượt”!

Và cũng từ đó, những năm tháng trôi đi, Lê Việt Khánh đã thành một tay máy có hạng, giành được nhiều giải trong nước và quốc tế. Những bức ảnh của anh đã góp phần rất lớn mang đất nước Việt Nam tươi đẹp ra thế giới bên ngoài. Nói như Lê Việt Khánh: "Mình chỉ làm những việc gì mình thích".

Được sự cho phép của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Việt Khánh, Vietnam Beauty xin trích đăng "Hồi ức của một chuyến đi..." của anh. Qua đó, chúng ta mới thấy được một hành trình đầy vất vả, những lần gặp bão tuyết, gặp lũ, những vất vả khi phải thức khuya, dậy sớm để lọ mọ leo núi tìm điểm chụp, vất vả và nhiều khi nguy hiểm không kể xiết... "Nhiều người cũng hỏi tôi sao phải khổ như thế. Thật sự đi chụp ảnh rất khổ, trong lúc mọi người yên giấc trong chăn ấm thì lũ săn ảnh như tôi đạp đá tai mèo leo lên đỉnh núi hoang vu trong đêm, trong gió bấc lạnh hun hút. Điều đó chỉ có thể giải thích là bởi sự đam mê" Lê Việt Khánh kể. 

PHẦN MỘT

HÀNH TRÌNH HÀ NỘI - LÀO CAI

Covid lại lơ lửng như cơn giông đen sì bầu trời Hà Nội, hơn hai tháng rồi không đi đâu, không làm được việc gì. Muốn ra ngoài cafe gặp gỡ bạn bè cũng không có quán nào mở. Thôi thì lại ngồi vào máy viết một cái gì đó. Viết một cái gì đó vào lúc này cũng góp phần giải tỏa tâm lý bức bối do bị kìm hãm lâu ngày...

Viết cái gì bây giờ nhỉ? Còn cái gì nữa, viết về những cái mình đang nhớ nhung, đang thèm khát là hay nhất!

Ảnh đồ họa: Báo Người đưa tin

------------------------

21h, một buổi tối mùa đông năm nào đó...

Tôi dắt con "cào cào" ra ngõ, quay vào khóa cánh cổng lại, chất cái ba lô vải bố màu bộ đội lên yên sau, tôi lấy dây chằng buộc lại cẩn thận, bên dưới balô, cái tripod nằm xệ xuống một bên theo chiều dọc thân xe...

Tôi nhét thêm đôi giáp chân bảo vệ đầu gối vào kẽ dây chun chưa căng lắm, rồi xốc lại túi máy ảnh leo lên xe, buổi tối mùa đông ở Hà Nội se lạnh, nhiệt độ khoảng 17 độ, trời không mưa.

Tôi rất thích cái cảm giác này, cảm giác mỗi lần được bê cái balô nặng chịch, trong đó chứa đủ các thứ đồ từ quần áo, thuốc men cho đến đồ sinh hoạt đủ dùng cho 2 tuần, chất lên phía yên sau xe máy. Đó là lúc tôi cảm nhận rõ mình sắp được đi. Được đi Thật!

Tôi phóng xe ra khỏi ngõ, thoát ra đường Xã Đàn, ngoài phố đông đúc và tấp nập, tôi hòa vào dòng xe cộ loang loáng đèn xe, rồi rẽ ngang vào đường tắt thông ra Khâm Thiên. Con đường tắt này sẽ dẫn tới một ngõ nhỏ chỉ xe máy đi được, rồi băng qua ngõ Văn Chương, tới phố Trần Quý Cáp đi một lúc tôi đến ga Hà Nội B.

Chuyến Tàu LC1 khởi hành từ Hà Nội đi Lào Cai vào lúc 22 giờ.

Ảnh: Tạp chí Thanh Tra

Cánh cổng sắt được mở ra, tôi xuất trình vé tàu, bao gồm vé người và vé xe máy (đã mua từ trước) cho chị soát vé, tùy vào ngày hôm đó tàu đỗ ở đường số mấy, thì tôi sẽ lên làn đó để lên tầu.

Phi xe lên toa hàng, ở đó có 2 anh nhân viên trực. Tôi đọc pass tên bạn tôi làm ở đường sắt, thế là 2 anh bắc một tấm ván gỗ, ủn cái xe của tôi lên toa.

Tôi phải tháo toàn bộ balô quần áo đã buộc chặt ở yên sau ra rồi mang lên toa nằm, trong khi tôi đã phải mang balô máy ảnh và cái mũ Full face rất lỉnh kỉnh rồi. Nên tôi muốn gửi cả cái balô đã buộc chặt kia theo xe, đến ngày mai thì chỉ cần dắt xe xuống là cứ thế chạy.

Tôi tìm tới buồng của mình, buồng có 4 giường, giường của tôi trên tầng 2 bên phải. Tôi thích nằm tầng 2 vì trên đó có hộc để đồ rộng tôi có thể để máy ảnh và mũ bảo hiểm gọn gàng vào đó mà ko phải để dưới chân như giường tầng 1.

Cởi cái áo bảo hộ nặng chịnh vứt sang một bên, tôi tháo khăn quàng, rũ cái chăn ra đắp cho đỡ cộm. Nằm dài trên giường chờ tầu chạy, tôi khoan khoái nhớ về những chuyến đi xưa, cái hồi ít tiền đi tàu cũng phải tiết kiệm, mua vé ghế ngồi cho rẻ, để rồi cả đêm không ngủ được, lưng tựa vào thành ghế gỗ mỏi nhừ, tâm trạng lúc nào cũng thấp thỏm sợ ăn cắp nó vào bê mất máy ảnh đi...

Đúng 10 giờ đêm, con tàu thổi một hồi còi dài rồi rời ga, sân ga thoáng chốc đã lùi khuất, con tàu trôi vào những con phố Hà Nội, vượt qua đường Điện Biên Phủ, tôi nhìn xuống dòng người đang đứng trước thanh chắn tấp nập, chờ tầu đi qua.

Tàu lên phố Phùng Hưng, nhìn sang bên phải là phố cổ. Hà nội về đêm bỗng nhiên trở về đúng với cái chất tĩnh lặng, thâm trầm vốn có của nó nhất. Những con đường vắng trong gió lạnh, ánh đèn vàng vọt chiếu qua những tán lá bàng làm bật lên sắc đỏ thẫm.

Tàu lên Cầu Long Biên, cây cầu cổ già nua rung lắc vặn vẹo hòa cũng âm thanh của bánh sắt chạy trên đường ray. Những thanh dầm sắt lướt qua cửa sổ, tiếng gió thổi ù ù. Ngoài kia, sông Hồng soi bóng thứ ánh sáng nhiều mầu của thành phố.

Tôi cắm tai nghe nghe một bài hát, lời bài hát cất lên du dương, đêm nằm nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than...

Ga Lào Cai, 5h30 sáng một sớm mùa đông năm nào đó...

Ảnh: Tạp chí Thanh Tra

"Đoàn tàu đã đưa quý khách đến với ga cuối cùng là ga Lào Cai....", tiếng phát thanh trên tàu đánh thức tôi và những hành khách khác choàng tỉnh dậy, trên khắp các toa tàu, người ta í ới gọi nhau, tiếng nói chuyện huyên náo, rồi tiếng bước chân đi lại lục tục để xuống tầu...

Trời hẵng còn tối, tôi ghé mắt nhìn qua cửa sổ, đoàn người nối nhau đi một hàng dài về phía cửa ga. Mặt trong lớp kính phủ một lớp hơi nước mỏng, có lẽ không khí bên ngoài kia đang khá lạnh.

Chờ cho khách xuống vãn, tôi thu dọn đồ đạc rồi bước xuống sân ga, một cơn gió lạnh thốc vào mặt chào đón tôi ngay nơi cửa xuống. Tôi lại đi ngược dòng người về phía toa chở hàng để nhận xe máy.

Chiếc xe đã được hạ xuống sân ga, nằm im lìm như con ngựa đang chờ chủ. Tôi tìm anh nhân viên để trả lại tờ biên nhận mà không thấy anh đâu, chắc là anh đã về với gia đình cho sớm. Tôi xốc lại balo, chằng lại đồ cho chặt, đội mũ rồi rồ ga chạy ra khỏi cửa ga.

Việc đầu tiên là đi mua xăng cái đã, 6h là hàng xăng mở cửa, giờ tôi chạy đến là vừa. Xăng trong bình xăng phụ tôi để dành chạy được 10 km, trong khi trạm xăng thì chỉ cách cửa ga có chưa đầy 1 cây số. Mua xăng xong, tôi quay trở ra, ghé vào quán phở quen, gọi một tô phở bò tái ăn sáng.

Quán phở lụp xụp lợp mái hybro xi măng được chống bằng mấy cây cột gỗ đen nhẻm như hun khói.

Từ trong quán nhìn ra, con phố nhỏ của Lào Cai nhìn vẫn đơn sơ như trong chuyện "Hai đứa trẻ" của Thạch lam. Cũng một cây bàng già đổ lá khô trước mặt một căn ga xép, mấy cái lá thỉnh thoảng lại tự nhấc mình lên khỏi mặt đất, bay là là đi một đoạn rồi hạ cánh. Bà bán phở dáng to béo quấn cái tạp dề cáu bẩn đang cầm cái muôi cán dài múc nước phở chan vào bát. Khói từ nồi nước nóng bốc lên nghi ngút, lan tỏa vào không gian sực mùi gừng, hồi và thảo quả.

Ăn xong, tôi đứng dậy trả tiền, không quên khen bà chủ đã nấu bát phở ngon. Bà chủ quán sướng cười tít mắt, bảo lần sau lên lại qua ủng hộ cô nhé. Tôi bảo, lần nào cháu lên đây chẳng ăn phở nhà cô.

Tôi nổ máy, hướng về phía cầu Cốc Lếu, bên kia sông là con đường hướng đi BáT Xát...

Ảnh: Tạp chí Thanh Tra

(Còn tiếp...)

LÊ VIỆT KHÁNH