Tôi muốn tri ân người mẹ thầm lặng nuôi nấng đứa con tâm thần giữa lòng phố cổ Hội An.

Người mẹ lớn tuổi hàng ngày vẫn đút từng muỗng cơm cho đứa con của mình.
Ông Tùng hay còn gọi là Ông Ôn, người đàn ông 57 tuổi nhưng có trí tuệ như một đứa trẻ lên ba vì di chứng của chất độc màu da cam để lại.

Nếu đã từng đến Hội An, chắc hẳn bạn đã một vài lần thấy bóng dáng của ông Tùng. Người đàn ông lớn tuổi, dáng người nhỏ bé, gương mặt khờ khạo và hay cười. Lúc nào cũng đôi chân trần, đầu cạo trọc không đội nón, áo lúc có lúc không, suốt ngày lẫn đêm đi dọc khắp các con hẻm trong phố cổ.

Dù đã gần 60 tuổi nhưng ông Tùng chẳng khác gì đứa trẻ lên ba. Ông khờ khạo, cử chỉ vụng về, nói một câu không tròn, ánh nhìn ngây ngô như tìm kiếm điều gì xung quanh mình.

Dù ngày mưa hay nắng, ông Tùng vẫn đầu trần chân đất bước lặng thầm trên các con đường của phố cổ.

Ông Tùng không may bị bệnh tâm thần do di chứng từ chất độc màu da cam để lại. Để rồi, dù năm tháng có trôi đi, người đàn ông tóc đã đổi màu nhưng vẫn hớn hở như đứa trẻ lên ba mỗi khi nhận từng muỗng cơm, muỗng cháo từ người mẹ già.

Những muỗng cơm yêu thương mà người mẹ lưng còng, tóc bạc dành cho người con trai khờ khạo của mình.

Người mẹ ấy, qua năm tháng lưng cũng đã còng, tóc cũng bạc đi nhiều. Ban ngày chăm con, rồi còn phải lê bước chân nặng nhọc khắp ngõ phố để đút từng miếng cơm, từng ngụm nước con thằng con. Đêm xuống, bà ngồi bên bờ sông Thu Bồn ở phố cổ, bán từng chiếc đèn hoa đăng cho khách du lịch kiếm tiền. Trong mắt bà, dường như người con ấy vẫn luôn bé bỏng nên cho dù có mệt mỏi tấm thân già thế nào thì bà vẫn lo được cho con những bữa ăn...

Dáng người mẹ cực khổ, tảo tần.
Người mẹ tranh thủ ngủ thiếp đi ngay bên đường sau khi đã cho con ăn xong.

Mỗi ngày trôi qua đều như thế, thời gian đã làm mờ đi đôi mắt người mẹ vì năm tháng dãi dầu mưa nắng kiếm con, lo cho đứa con từng miếng ăn giấc ngủ. Tóc người mẹ cũng vì thế mà bạc đi nhiều, chiếc áo mặc cũng cũ sờn vai, gương mặt lo âu lại thêm nhiều nếp nhăn hơn nữa.

Nỗi lo lắng nhất của người mẹ già là nếu một mai mình không còn, ai sẽ chăm sóc đứa con trai khờ khạo này?
Ông Tùng trở thành chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho mẹ già bao năm qua, dù vất vả nhưng luôn đong đầy tình yêu thương.
Ngay ly nước uống cũng phải chăm tận miệng như đứa trẻ lên ba.
Đôi mắt suy tư nhìn mẹ ngủ có điều gì khiến tôi rơi lệ.
Lối nhỏ về nhà hai mẹ con cùng dìu dắt nhau trong buổi trưa hè nắng cháy.

Đối với người dân Hội An, ông Tùng và người mẹ trở thành hình tượng của tình mẫu tử thiêng liêng giữa đời thực. Người ta hay gọi là người giữ hồn cho phố cổ bao nhiêu năm nay.

Tình mẹ con ấy truyền cảm hứng cho bao gia đình, làm lay động trái tim của những người dân nơi đây. Để rồi ai cũng thương và không thể không xót xa khi nhìn vào bóng dáng ấy.

Nếu một mai ông không còn mẹ nữa

Thử hỏi rằng đời sẽ trôi về đâu?

Bài viết và hình ảnh: Phan Nguyên