Phượng hồng nở rộ là sự nối tiếp của các mùa hoa đẹp trải khắp nhiều con đường ở TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Đã có rất nhiều du khách trong đó có cả người dân địa phương không ngớt lời trầm trộ và rụng rời trái tim trước vẻ đẹp ngỡ ngàng của loài hoa này. Vietnam Beauty thân gửi đến các bạn yêu hoa những tấm ảnh của loài hoa vô cùng quyến rũ này qua góc máy của NAG Nguyễn Hiệp.

Khi nói đến loài hoa tượng trưng cho tuổi học trò, nhiều người chắc hẳn sẽ không thể quên được sắc phượng đỏ thắm. Thế nhưng khi đến với TP. Bảo Lộc, bạn sẽ phải bất ngờ khi biết rằng nơi đây còn có mùa phượng hồng khoe sắc. Chúng nở rực trên cây. Với sắc hồng nhã nhặn, phượng hồng đã khiến biết bao con tim phải xao xuyến với vẻ đẹp ấy.

Phượng hồng vốn dĩ là cái tên được người dân nơi này đặt cho. Thực chất đây không phải là dòng họ nhà phượng. Tên của chúng là Muồng hoa đào, có nguồn gốc từ rừng tự nhiên khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây phổ biến rộng rãi ở các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Đồng Nai,... Tại Bảo Lộc, Muồng hoa đào được gọi với cái tên thân quen là phượng hồng.

Ở thành phố hoa mộng này, con người vốn lãng mạn và có phần duy mĩ nên thay bằng cách gọi theo lối thông thường, mỗi sự vật, hiện tượng thường được định danh bằng cảm xúc và trí tưởng tượng bay bổng.

Với phượng hồng cũng thế, thực ra nó là cây muồng hoa đào, tên khoa học là Cassia Javanica thuộc loài họ đậu, có nguồn gốc tại khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, muồng hoa đào phân bố chủ yếu tại những cánh rừng khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, chiều cao tối đa 15-20m, lá kép, tán lá hình ô rộng, vỏ thân màu xám nâu, cụm hoa lớn, mỗi bông hoa có 5 cánh, màu hồng, giữa các cánh có những vòi nhụy màu vàng ôm lấy bầu hoa.

Dẫu đã có tên tuổi nhưng vì kiểu dáng khá giống cây phượng vĩ, lại nở vào mùa hè nên khi được trồng tại Bảo Lộc, muồng hoa đào được người dân “địa phương hóa” bằng cái tên khá thi vị: Phượng hồng. Nơi Xứ sở sương mù cao nguyên này, đã có phượng vĩ đỏ, phượng vàng, phượng trắng và phượng tím. Có lẽ người ta muốn có thêm một loài phượng nữa cho đủ bộ sưu tập theo thuyết “ngũ hành” và muồng hoa đào chính là loài cây được lựa chọn.

Hoa nở bên góc đường luôn là chủ đề nóng bỏng cho những tay ảnh và những người mê cái đẹp đến từ tự nhiên. Thì phượng hồng cũng chính là một chủ đề không thể thiếu trong vẻ đẹp nghệ thuật ống kính đó.
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng,
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18,
Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu.
Mối tình đầu của tôi
Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp,
Tà áo ai bay trắng cả giấc mơ
Là bài thơ còn hoài trong vở,
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về.
Cánh phượng hồng ngẩn ngơ,
Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây,
Và mùa sau biết có còn gặp lại,

Ngày khai trường áo lụa gió thu bay.
Mối tình đầu của tôi
Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi,
Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu,
Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nắng ngập đường một vạt tóc nào xa
Bài hát “Phượng hồng” của nhạc sĩ Vũ Hoàng như muốn nói lên tất cả về loài hoa này. Mỗi năm, khi vào hạ, phượng vẫn lặng lẽ và bừng thắp nỗi nhớ học trò. Lại cũng đều đặn mỗi năm có biết bao mối tình đầu lặng thầm của tuổi học trò đã đi qua bên những cánh phượng hồng đầy lưu luyến. Rời xa ghế nhà trường với biết bao những niềm luyến tiếc chưa thực hiện được càng khiến mỗi người thêm bâng khuâng.

Phượng hồng nở hoa vào đầu mùa mưa. Đêm nghe tiếng mưa rơi tí tách trên mái nhà, chợt tỉnh giấc bởi mùi hương tan mịn trong làn hơi nước. Cả ngôi nhà như được ủ hương. Thơm từ gối chăn đến áo quần, song cửa cũng thơm, cuốn sách cũng thơm. Bàn tay, mái tóc cũng ủ một mùi hương thanh tao, diu nhẹ. Sáng sớm, nhìn ra ngoài khung cửa bỗng gặp một khoảng trời bừng lên sắc hồng rực rỡ dưới nắng non. Lũ ong bướm dập dìu bay, đàn chim ríu rít chuyền cành và đồng thanh cất lời tha thiết. Mùa hoa phượng hồng đã về.

Dẫu số lượng còn khá khiêm tốn nhưng vẻ đẹp của phượng hồng tại Bảo Lộc đã trở thành niềm mong đợi của không ít người dân và du khách. Mùa phượng hồng đơm bông cũng là mùa thi, mùa của học sinh tạm xa mái trường. Khi phượng vĩ chẳng thể nào thắp lửa giữa vùng đất lạnh thì phượng hồng là sứ giả của mùa hè thay lời tạm biệt của tuổi học trò trước lúc chia tay.

Cánh phượng hồng ngẩn ngơ hay lòng người đang rối bời nỗi tiếc nuối, chia xa để rồi dẫu có nghỉ hè thì cũng lén đến trường khắc nỗi nhớ lên cây. Trường vẫn còn đây mà người thương đang ở nơi đâu? Mùa khai giảng mới liệu có còn gặp lại tà áo lụa vẫn bay trong gió thu ngày nào? Những hoài niệm, tự sự cứ mãi khắc khoải chìm trong nỗi nhớ!

Bài viết: Minh Tuệ
Ảnh: Nguyễn Hiệp