Nếu cả nước có 7 đồng muối lớn thì Ninh Thuận đã có đến 3 là: Cà Ná, Tri Hải và Đầm Vua. Sản lượng muối của Ninh Thuận chiếm khoảng 50% tổng sản lượng muối cả nước. Tại Ninh Thuận đã hình thành nhiều vùng sản xuất muối, như: Cà Ná (huyện Thuận Nam); các xã Phương Hải, Tri Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải)...
Hằng năm, diêm dân bước vào vụ sản xuất muối nền đất từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 8 của năm sau. Năm nào nắng hạn kéo dài thì kết thúc niên vụ vào tháng 9. Quy trình sản xuất khá đơn giản. Ðối với ruộng muối nền đất, khi bước vào đầu vụ, diêm dân đầu tư hơn mười triệu đồng để san lấp ổn định độ bằng phẳng, tạo"da đất" cho ruộng, sau đó bơm hút nước biển vào ruộng, đợi nước biển bốc hơi khoảng bảy ngày thì thu hoạch muối. Cứ thế, xong đợt một, lại tiếp tục bơm nước biển vào, đợi nước bốc hơi và thu hoạch cho đến hết mùa vụ của năm.
Đến ruộng muối của diêm dân xã Phương Hải, Nhơn Hải, thị trấn Khánh Hải… trên cánh đồng bạt ngàn muối trắng có rất đông người đang tất bật cào và dùng xe rùa đẩy muối dưới ruộng lên bờ vun thành đống lớn; tốp người khác nhanh tay đóng muối vào bao; tư thương điều hàng chục xe tải chạy quanh các ruộng để thu muối chở về kho dự trữ.
Nhiều diêm dân vui nói: Nắng nóng thì nước biển bốc hơi càng mạnh nên muối kết tinh càng nhanh và độ mặn càng cao. Ngoài việc, cần cù lao động thì các gia đình diêm dân còn chú trọng xây dựng bờ ruộng bằng những viên đá chẻ để cho cát bùn khi mưa không đổ vào ruộng muối, làm da đất kỹ càng và chú ý đến độ mặn của nước biển. Có như vậy, mới làm ra hạt muối “đẹp” trắng trong, hấp dẫn người mua và giữ được giá ổn định.
Để làm ra những hạt muối trắng tinh, thì phải qua rất nhiều công đoạn như: san bằng ruộng, xây bờ, làm hệ thống dẫn nước biển vào ruộng muối… Bình thường, sau khi vào nước, gặp nắng gắt thì khoảng 7 ngày đã có thể cào muối và thu hoạch. Còn nếu gặp điều kiện thuận lợi như có gió lớn thì sẽ đẩy nhanh quá trình bốc hơi nước và chỉ sau 5 ngày đã có thể thu hoạch muối.
Nếu du khách đến đúng vào thời điểm diêm dân đang thu hoạch muối thì có thể tham quan ruộng muối, tìm hiểu quy trình sản xuất, thu hoạch muối, hòa mình vào cuộc sống của diêm dân để cảm nhận hương vị mặn mòi của hạt muối biển.
Rời khỏi chân ruộng muối, những giọt mồ hôi mặn trên khuôn mặt của diêm dân lẫn vào đó là những niềm vui, chúng tôi nhớ bà con thổ lộ: Thu nhập cao từ hạt muối đem lại, cũng góp phần nào làm diện mạo nông thôn nơi đây ngày càng khởi sắc, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu. Đó là động lực để diêm dân gắn bó với nghề muối.