Hưng Yên – một miền quê thanh bình với phố Hiến, chùa Nôm và rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nhiều người biết tới Hưng Yên với đặc sản nhãn lồng, giống gà Đông Tảo hay món Tương Bần tiến vua ngon khó cưỡng… Có một làng nghề truyền thống cũng rất được nhiều du khách tới tham quan đó là làng nghề đan đó hơn 200 năm tuổi tại xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Đan đó là công việc chính hàng ngày của những người dân nơi đây, đặc biệt những người cao tuổi có nhiều năm kinh nghiệm và tay nghề cao tạo ra những sản phẩm có độ khó phức tạp và đẹp mắt. Những chiếc đó làm từ tre, nứa là một loại ngư cụ dung để bắt cá có từ xa xưa, ngày nay khi xã hội phát triển đó còn được dùng trong trang trí ứng dụng mỹ thuật hay nội thất. Số lượng xuất khẩu sang nước ngoài ngày càng tăng khiến cho nền kinh tế tại địa phương cũng phát triển nhanh chóng.
Nhiều du khách lần đầu nghe từ đan đó sẽ thấy lạ. Thành phẩm chiếc đó làm từ tre, nứa là một loại ngư cụ lâu đời, ngày nay chúng còn được ưa chuộng trong trang trí mỹ thuật hay nội thất. Nghe danh đã lâu, nhưng nay nhiếp ảnh gia Khang Chu Long mới có dịp đến trải nghiệm làng nghề đan đó Thủ Sỹ.
Hôm nay có dịp cùng theo chân nhiếp ảnh gia Khang Chu Long tới tham quan Làng nghề truyền thống rất đặc biệt này. Địa điểm hôm nay chúng tôi tới cách thành phố Hưng Yên khoảng 7km. Làng Thủ Sỹ có khoảng 500 người làm nghề đan đó, tập trung nhiều ở hai thôn Tất Viên và Nội Lăng. Vật liệu được chọn kỹ lưỡng từ những thân tre, nứa đảm bảo chất lượng.
Các cụ ở lành nghề cho biết người thợ phải chọn tre, nứa già mới đan được những chiếc đó bền và đẹp. Kỹ thuật đan đó được xem là một kỳ công, đòi hỏi sự khéo léo và phối hợp nhiều công đoạn. Gia đình mỗi người một việc chia nhau làm, người thì chẻ, người thì vót tre, nứa. Sau khi làm sẵn nguyên liệu các nan tre, nứa thì tiến hành đan. Trong quá trình đan, dễ nhất là đan hom miệng đó, khó nhất là đan cạp, vành miệng và đan kết thúc đuôi đó.
Để hoàn thiện một chiếc đó mỗi người thợ phải mất thời gian một đến hai giờ đồng hồ, với những mẫu đặc biệt dành để trang trí nội thất thì phải tốn thời gian và kỹ thuật hơn nhiều. Sau khi đan phần thô xong những chiếc đó được hun trên gác bếp để làm tăng thêm độ bền và màu sắc lên đậm hơn cho sản phẩm. Những chiếc đó hoàn thiện ngoài xuất khẩu ra còn được mang bán tại địa phương và các tỉnh lân cận.
Nghề đan đó mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân làng Thủ Sỹ. Một chiếc đó trắng thành phẩm được bán khoảng 20.000 - 25.000 đồng/chiếc, còn đó hun khói có màu nâu cánh gián được bán khoảng 30.000 - 40.000 đồng/chiếc. Ngoài sản phẩm là chiếc đó, người dân nơi đây còn đan rọ hay lờ đem đi tiêu thụ ở các huyện Tiên Lữ, Ân Thi, Phù Cừ của tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận, để người nông dân đi đồng đặt bắt cua, cá.
Nằm cách TP. Hưng Yên gần 7km đi xe ô tô, làng nghề đan đó Thủ Sỹ ngày ngày luôn nhộn nhịp, không chỉ trở thành một địa điểm du lịch làng nghề thú vị mà còn là nơi để các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước đến đây sáng tác ảnh.
Khang Chu Long là một nghệ sỹ nhiếp ảnh trẻ tại Hà Nội, anh nổi tiếng với những bộ ảnh độc đáo ở nhiều chủ đề khác nhau. Với mong muốn ghi lại những hình ảnh đẹp, bình dị của con người Việt Nam trên mọi vùng miền để giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước. Được biết trong thời gian tới những tác phẩm của anh cũng được trưng bày tại triển lãm Ảnh đẹp du lịch Hưng Yên 2021.
Bài viết: Minh Tuệ
Ảnh: Khang Chu Long