“Nhiếp ảnh gia là phải “ăn bờ ngủ bụi”, đặc biệt là dân nhiếp ảnh phong cảnh như mình,” Phạm Huy Trung gây ấn tượng với nụ cười khảng khái và phong cách “dầm sương dãi nắng” của một “kẻ nghiện” chụp ảnh. “Việc chu du khắp nơi từ Nam chí Bắc, thức đêm hôm để canh một khoảnh khắc duy nhất không còn là chuyện lạ.” Anh điềm đạm chia sẻ.

Tốt nghiệp ngành Điện tử Viễn thông của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2002, Phạm Huy Trung chỉ thực sự tìm được niềm đam mê đích thực khi “bén duyên” với nghề nhiếp ảnh gia từ cuối năm 2016. Từ đó, cuộc sống của anh có thêm nhiều chuyến phiêu lưu.

Phạm Huy Trung xuất thân từ ngành Điện tử Viễn thông, song lại bị cái nghề nhiếp ảnh “quyến rũ”. Xách chiếc máy Nikon D7200 vòng quanh đất Việt từ năm 2016, anh mới khám phá được những ngóc ngách, những góc nhìn đẹp đến mê hồn của bờ biển thiên phú chạy dài dọc đất nước hình chữ S. Trong rất nhiều bức hình “thổn thức”, anh chọn ra ba tác phẩm sông nước ý nghĩa nhất với bản thân mình.

“Nhiếp ảnh gia là phải “ăn bờ ngủ bụi”, đặc biệt là dân nhiếp ảnh phong cảnh như mình” Phạm Huy Trung chia sẻ.

“Đi săn hình trong đêm, mò mẫm leo núi, lội biển lúc rạng sáng vốn rất hiếm với mình trước đây. Nhưng bây giờ, có lần chỉ đẻ canh một khoảnh khắc sương phủ trên những toà nhà ở trung tâm Sài Gòn, mình đã thức trắng đêm ở bến sông Thủ Thiêm suốt cả tuần trời.” Rồi anh lại cười xoài “Nhưng cũng đáng! Vì đam mê, vì đi được nhiều nơi, mới thấy đất nước mình rất đẹp và còn nhiều báu vật chưa được khám phá.

Nói đến cảnh đẹp ấn tượng, Việt Nam đâu đâu cũng thấy. Nhưng đẹp đến nao lòng, với Phạm Huy Trung, là năm địa điểm Hà Giang, Huế, Quảng Nam, Đà Lạt và Đồng Bằng Sông Cửu Long. “Hà Giang với những cung đường đèo thử thách và những bản làng của đồng bào dân tộc cheo leo vách núi. Hà Giang sẽ rất đẹp vào mùa hoa đào sau Tết, mùa hoa tam giác mạch dịp cuối năm hay mùa lúa chín ở Hoàng Su Phì.”

“Quảng Nam là vùng đất của những di sản với tâm điểm là phố cổ Hội An mơ mộng, rất hợp với phong cách nhiếp ảnh du lịch bởi sự đa dạng về văn hoá và cảnh sắc yên bình ở mỗi một làng quê nam trung bộ.” “Huế như một cô gái thanh lịch, điềm đạm. Cuộc sống của người dân trên phá Tam Giang thực sự là một kho tàng về nhiếp ảnh mà bất kỳ tay máy nào cũng nôn nóng khám phá.”

Phạm Huy Trung từng sử dụng chiếc máy ảnh Nikon D7200 nhưng hiện tại đã thay thế bằng Drone.

“Đà Lạt là thành phố của sương và  cái lạnh. Săn hình sương ở Đà Lạt quả thật gian nan, nhưng bù lại nếu bắt được khoảnh khắc khi cả thành phố chìm trong sương đêm khi đứng từ trên núi Lang Biang nhìn xuống thì vô cùng thoả mãn.”

“Trải nghiệm cuộc sống sông nước với bà con Đồng Bằng Sông Cửu Long thực sự rất thú vị. Dù đẹp quanh năm, nhưng mùa nước nổi mới khắc họa rõ ràng nhất sự phong phú của cuộc sống nơi đây. Những hình ảnh đời thường bình dị như đánh cá, chăn vịt hay lùa trâu bò trong mùa lũ tưởng chừng quen thuộc, song lại là nét độc đáo hấp dẫn bạn bè năm châu.”

Việc chu du khắp nơi từ Nam chí Bắc, thức đêm hôm để canh một khoảnh khắc duy nhất không còn là chuyện lạ.”

Phong cách chụp ảnh của Phạm Huy Trung thiên về Drone – nhiếp ảnh từ trên cao. Từ góc chụp hoàn toàn khác với tầm mắt, phong cách Drone sẽ cho những góc nhìn hoàn toàn mới lạ về cảnh vật và đời sống thường ngày. Với đặc thù chụp rộng, người xem sẽ có cái nhìn bao quát hơn, khám phá được những chi tiết lý thú hơn từ những hoạt động giản dị quen thuộc . “Trong bộ đồ nghề khi đi chụp ảnh của mình bây giờ, có lẽ chỉ cần có Drone và thật nhiều sạc pin dự phòng mà thôi.”

Vào nghề đã bốn năm, Phạm Huy Trung cũng “giắt túi” kha khá kinh nghiệm trước khi bắt đầu “bấm máy”. “Việc xem thời tiết rất quan trọng trước mỗi chuyến đi,” anh khẳng định. “Nó sẽ quyết định “dự án nhỏ” của bạn có thành hay bại. Những yếu tố như nắng, gió, sương luôn là thứ cần phải tính đến để có được khoảnh khắc ưng ý nhất.” Sau bao hành trình trải dài đất nước, Trung chọn ra ba bức hình mà mình tâm đắc nhất.

#1 “Giữa rừng tràm”

Tác phẩm đầu tiên của Pham Huy Trung miêu tả chân thực một cánh rừng tràm bị nhiễm mặn ở Đồng Tháp, toàn bộ những cây tràm bắt đầu khô và chuyển sang màu trắng.

“Mình lái xe đi từ Sài Gòn lúc nửa đêm và tới nơi cũng gần sáng, chờ ánh nắng lên và chụp lại hình ảnh người phụ nữ chèo thuyền hái cỏ năng trong khu rừng này. Chụp xong thì quay lại Sài Gòn ngay sau đó,” Trung kể lại chuyến đi “chớp nhoáng” của mình.

“Giữa rừng tràm” – tác phẩm đã đem đến cho Phạm Huy Trung nhiều giải thưởng.

Công sức “chèo đèo lội suối” của anh cũng đươc đền đáp. “Giữa rừng tràm” đã được vinh danh tại giải thưởng nhiếp ảnh Sony toàn cầu và đạt giải nhất ở hạng mục quốc qua năm 2018. Nhờ đó, Phạm Huy Trung giành được tấm vé tham dự lễ trao giải ở Luân-đôn và tham gia một phototrip do Sony tổ chức. “Chuyến đi rất thú vị và đáng nhớ,” anh bồi hồi nhớ lại.

Bức hình này tiếp tục mang về cho anh giải Honorable Mention tại giải thưởng nhiếp ảnh Siena của Ý năm 2018 và triển lãm tại liên hoan ảnh nghệ thuật Việt nam cùng năm.

#2 “Hoa trên biển”

“Hoa trên biển” khắc hoạ khung cảnh kéo lưới đánh bắt cá cơm của ngư dân tại vùng biển Hòn Yến tại tỉnh Phú Yên vào buổi chiều tối. Để săn được khoảnh khắc đáng giá như vậy, Phạm Huy Trung đã phải mất một tuần lễ để canh. “Cứ chiều hoặc sáng mình lại ra Hòn Yến chờ tàu đi đánh và chụp ảnh.”

Với lợi thế từ phong cách chụp Drone từ trên cao, ta sẽ thấy được sự “biến hình” đầy nghệ thuật của chiếc lưới bung ra tựa một bông hoa. Bông hoa xanh lá trên mặt biển mênh mang…

Một tuần vất vả của anh quả không phung phí. “Hoa trên biển” đã được vào danh sách 15 tấm ảnh đẹp nhất hạng mục Du lịch của giải thưởng Sony 2019 và giải nhì quốc gia ở Việt Nam. Bức hình này sau đó xuất bản trên tạp chí National Geographic của Mỹ số tháng 03/2019

#3 “Làng nuôi tôm hùm”

Bức hình nhìn qua lại tưởng tranh vẽ, miêu tả thực tế nhưng trừu tượng các lồng lưới buộc với nhau đầy màu sắc trong khu nuôi tôm hùm giống.

“Làng nuôi tôm hùm” qua bàn tay của Phạm Huy Trung như một bức tranh trừu tượng.

“Bức hình  này đặc biệt vì nó đánh dấu cột mốc lần đầu tiên mình tham gia một giải thưởng quốc tế lớn năm 2017 – giải thưởng DJI Skypixel Award tổ chức dành cho những tay máy chuyên chụp bằng Drone.” Phạm Huy Trung tự hào. “Bức ảnh đã đoạt giải nhất hạng mục Landscape dành cho tay máy không chuyên.”

“Quá trình chụp bức hình này cũng là một kỷ niệm đáng nhớ. Mình bắt chuyến bay rất sớm từ 5 giờ sáng từ Sài Gòn ra Tuy Hoà, chụp trong khoảng 30 phút rồi lại về Sài Gòn ngay sau đó để kịp một cuộc hẹn với khách hàng. 30 phút đó có ý nghĩa rất lớn với anh.”

Photos of Pham Huy Trung by Khooa Nguyen

Nguồn: Thedotmagazine.com

Link gốc: https://thedotmagazine.com/vn/ba-buc-anh-song-nuoc-viet-nam-nghe-thuat-lai-thuc-te-cua-nhiep-anh-gia-pham-huy-trung/