KONG COLLAPSE được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1997 bởi một chuyên gia hang động hoàng gia Anh trong một hành trình khám phá hang động thường niên tại Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình. Tuy nhiên, tại thời điểm đó siêu hố sụt này chỉ được tiếp cận bằng cách bơi xuyên lòng hang Đại Ả hay còn gọi là hang Hổ và đó là câu chuyện của ngày xưa.

Toàn cảnh hố sụt Kong

Còn hôm nay chúng tôi bắt đầu hành trình đến với Kong Collapse sau những ngày mưa tầm tả, con đường hành trình dường như vất vả hơn với những con dốc trơn trượt.

Đặc biệt tôi gặp ngay món đặc sản sau mưa của rừng nhiệt đới: Vắt rừng. Mặc dù trước đó đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng đồ phòng vệ cũng như thuốc chống côn trùng, tôi đi thêm một đôi tất bọc lên tận đầu gối và hoàn toàn yên tâm với những trang bị đó.

Sau hơn hai tiếng băng rừng cả đoàn ngồi nghỉ và chuẩn bị dọn bữa ăn trưa, mọi người bắt đầu gỡ những con vắt bám trên dày dép áo quần vứt ra xa. Tôi thì vẫn say sưa với những khung hình, những chú vắt đung đưa trên lá như những vũ công.

Vắt rừng nhiệt đới

Thôi thì bỏ máy ảnh xuống và kiểm tra lại chân xem chúng nó có hỏi thăm không, quái! máu đang thấm ra bên ngoài tất. Thì ra chúng nó dùng kế điệu hổ ly sơn, cho vài con lên lá nhảy nhót mua vui còn con cháu bên dưới cứ vậy đánh chén.

Xong bữa trưa giữa tán cây rừng Nhiệt đới, chúng tôi tiếp tục băng rừng đến với Kong. Không còn nhớ hết lên bao nhiêu con dốc, bao nhiêu vách núi, qua bao nhiêu thung lũng và băng bao nhiêu con suối, cả đoàn chúng tôi đã đứng lưng chừng vách hố sụt bắt đầu một game khó: Đu dây 100m vào lòng hố sụt Kong!

Chuẩn bị trang thiết bị để đu dây.

Phải đu thật các bạn ạ! Trước khi đi mình hình dung mọi người đu còn mình đứng trong vách núi chụp ra, rồi đi bộ xuống. Nhưng đời không như là mơ, muốn chụp được bắt buộc phải đu xuống chặng thứ nhất và nấp vào hốc đá lưng chừng vách núi mới chụp được người đu dây.

Thoảng chút lo sợ và hồi hộp nhưng sau khi quan sát và được anh em hướng dẫn an toàn, mình hoàn toàn yên tâm. Nỗi sợ gần như biến mất với quy trình cũng như các thiết bị mà Jungle Boss trang bị. Bạn có hẳn 2 dây, 1 sợi dây chính để bạn đi xuống, 1 sợi delay với sự kiểm soát của đội an toàn. Bạn có muốn rơi cũng không được, bạn hoàn toàn chủ động việc đi xuống của mình dưới sự kiểm soát của an toàn viên.

Đu dây xuống đáy hố sụt.

Bây giờ có sợ cũng phải xuống, cảm giác mạnh nhất là lúc bắt đầu đạp chân vào vách núi để nhoài người ra không trung. Qua vài phút chần chừ thì cũng qua giai đoạn khó khăn nhất và buông mình ra giữa không trung của đại ngàn Trường Sơn. Xuống hết chặng thứ hai cũng đã hơn nửa ngày với bữa trưa đặc biệt lưng chừng vách núi

Bữa cơm lưng chừng vách núi.

Cắm trại trong lòng hố sụt

Bữa tối được dọn ra dưới lòng hố sụt khổng lồ Kong thật khác lạ nhưng ấm áp, bên cạnh dòng suối xuyên hang Đại Ả đổ về hang Hổ. Ở vùng cao màn đêm buông xuống thật nhanh, 18h đã không thấy mặt người. Dường như một ngày vượt rừng đã thấm mệt đối với tôi cũng như cả đoàn. Tiếng nói chuyện cũng thưa dần, mọi người chìm vào giấc ngủ thật sớm.

Hải ơi! Sao kìa! tiếng nghệ sĩ nhiếp ảnh Đức Thành vang lên, nhoài người ra khỏi lều, tôi thực sự ngỡ ngàng vì theo thời tiết dự báo mấy ngày ấy rất xấu, mây mù. Sao trên vùng cao ngôi nào cũng lớn như hạt bắp. Vậy là set đèn, loay hoay tìm góc phơi sao, nhưng cũng chỉ được 30 phút mây lại kéo lấp đầy miệng hố sụt làm ý đồ phơi sao xoay của mình tan thành bong bóng, đúng là đỏng đảnh thời tiết vùng cao.

Cắm trại, ngắm sao trong lòng hố sụt.

Không như dự đoán với việc lấy hình ảnh hố sụt Kong từ flycam, lòng hố sụt rất rộng, thoáng nhưng rất tiếc không có sóng GPS và đương nhiên với giới hạn độ cao 30m thì chưa thấm vào đâu của tổng chiều cao hố hơn 450m để thoát khỏi miệng hố chứ chưa nói đến việc lấy toàn cảnh. Cả đoàn quyết định leo lên vách núi một lần nữa để lấy hình hố sụt. Lên đến vách núi thì đã có GPS nhưng lại rất khó khăn khi cây cối trên đầu um tùm, mình phải tìm đúng một lỗ trống cho flycam chui qua và bắt đầu từ đấy khám phá không gian trên hố sụt. Đường đi khó 10 thì đường về của flycam khó gấp trăm lần khi mà chỉ có điều về đúng cái lỗ thoáng kia mình mới kiểm soát để hạ cánh được. Nếu home thì chắc chắn nó sẽ đậu đâu đấy trên các tán cây rừng ngay trên đầu mình.

Khi thiết bị bay flycam được nâng lên hết tầm bay cho phép, siêu hố sụt này hiện ra với một hình thù kỳ dị của quái vật King Kong, một nhân vật rất nổi tiếng trong siêu bom tấn Kong Skull Island được quay ở Quảng Bình trước đó. Quá ấn tượng với hình thù độc đáo của siêu hố sụt này, đoàn thám hiểm Jungle Boss đã quyết định đặt tên hố sụt là KONG COLLAPSE. Kong được lấy tên theo tên nhân vật King Kong, Collapse có nghĩa là hố sụt.

Chinh phục hang Hổ – hang Over

Hang hổ ấn tượng với các cung bậc cảm xúc bò, trườn với hẻm đá hẹp. Chúng tôi đi sau những ngày mưa lũ nên dòng suối trong lòng hang Hổ nước to và chảy xiết hơn bình thường. Với các kỹ năng đu dây, buộc dây Team Jungle boss đã triển khai cố định sẵn một sợi dây bai bên bờ để tời trang thiết bị theo dạng zipline và người bơi kém như tôi cũng yên tâm bám vào dây qua suối một cách dễ dàng. Chúng tôi sáng tác từ sáng đến hơn 22h thì qua đến hang Pygmy, đúng là không hổ danh với hang động lớn thứ 4 thế giới. Khi đi vào hơn ½ hang mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Đức Thành còn cứ tưởng là bên ngoài trời, vì nhìn lên trần hang cứ thấy nhờ nhợ tưởng là bầu trời đêm.

Xuyên hang Hổ có những đoạn phải bò trong những khe đá hẹp.
Hốc đá hang Hổ
Cửa hang Over

Cột nhũ hang Over
Ấn tượng ruộng bậc thang
Thạch nhũ hang Over
Thạch nhũ dạng nấm

Cửa hang Pygmy

Chuyến đi để lại thật nhiều cảm xúc khó quên. Hẹn sẽ quay lại Kong một ngày không xa.

Tác giả: Nguyễn Văn Hải