Nằm gọn trên cao nguyên Pleiku phía Bắc Tây Nguyên trên độ cao trung bình 700 - 800m so với mực nước biển, Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 với tên gọi bắt nguồn từ chữ Jrai, dân tộc có số dân đông nhất ở đây.

Mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau) là thời gian lý tưởng nhất để đến Gia Lai, khám phá vẻ đẹp của đại ngàn Tây Nguyên với những ngôi nhà sàn lọt thỏm giữa vẻ đẹp hoang dã của núi, của rừng, hòa mình vào nhịp cồng chiêng đậm chất sử thi của người Jrai.

Đặc biệt ở Chư Đăng Ya có miệng núi hướng lên trời và quanh miệng núi ấy là một vùng đất đỏ rộng lớn. Nham thạch của núi lửa đã tạo nên những lớp đất bazan phì nhiêu màu mỡ, mang lại cho Chư Đăng Ya nhiều sản vật độc đáo. Điểm nhấn suốt cung đường chạy quanh ngọn núi là những ô ruộng, trồng dong riềng, ngô, khoai hòa cùng các loài hoa dại như cúc quỳ, hay cỏ đuôi chồn.

Mỗi mùa, Chư Đăng Ya mang vẻ đẹp riêng. Mùa mưa, Chư Đăng Ya bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, khoai môn và dong riềng. Mùa khô, cả trăm khoảng đồi, sườn núi, ven đường, bờ ruộng phủ kín loài hoa vàng như rót mật khiến địa danh nổi tiếng này của Gia Lai được coi là “thủ phủ” của hoa dã quỳ.

Tháng 10-11 hàng năm là mùa hoa Dã Quỳ vàng rực khắp núi đồi

Giữa bạt ngàn gió mùa khô, đứng trên miệng núi lửa có hình phễu, tôi và người bạn đồng hành chỉ kịp thốt lên hai từ “tuyệt đẹp”, với những bụi dã quỳ khiêm nhường, cỏ đuôi chồn hoang dại và cả những cánh đồng rộng lớn bao la ngay dưới chân mình. Hy vọng dịch bệnh covid-19 sớm được kiểm soát để mình có thể thoải mái trở lại vùng núi này, khi trời chớm lập đông cũng là lúc những cánh hoa Dã Quỹ nở vàng rực, khoe sắc khắp núi đồi.

TÁC GIẢ: Jarco Minh