Mỗi vùng đất đều mang trên mình một vẻ đẹp!

Đó có thể là nét đẹp thuộc về kiến trúc, về văn hoá, con người, cũng có thể là nét đẹp của thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ. Cùng với sự phát triển của công nghệ, việc lưu giữ những nét đẹp ấy đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều so với trước kia.

Sông Nho Quế - con sông nổi tiếng ở Hà Giang
Mặt nước trong xanh phẳng lặng như một chiếc gương khổng lồ.
Tham quan hẻm vực Tu Sản bằng thuyền.

Ngày nay, không khó để có thể chiêm ngưỡng những bộ ảnh lung linh về các địa danh của Việt Nam cũng như trên toàn thế giới qua các trang báo, website, hay đơn giản là trang cá nhân của một bạn trẻ nào đó ưa thích chụp ảnh. Tuy nhiên, riêng bản thân mình, tôi vẫn mê cái chất hoài cổ của những chiếc ảnh được chụp bằng máy film.

Cánh đồng kiều mạch ở Phố Là
Những cánh cúc cam
Trảng hoa trải dài trên đường vào Xéo Lủng - bản cực Bắc của Việt Nam.

Trong tất cả những vùng đất đã đi qua, từ Nam chí Bắc, không hiểu sao, tôi luôn thấy Hà Giang đặc biệt phù hợp với chất ảnh cũ cũ ma mị này. Màu đá, màu hoa đào, màu hoa cải, màu mộc miên, và màu của những áng mây bàng bạc, tất cả đều như được sinh ra để dành riêng cho chất ảnh film này.

Một căn nhà của người Pu Péo với gốc sa mộc cổ thụ trước cổng.
Mùa xuân ở Mèo Vạc
Dù khó khăn hay khá giả, trong sân mỗi ngôi nhà của người Mông luôn có một gốc hoa đào.

Dĩ nhiên, việc sử dụng máy film để lưu giữ ký ức về một chuyến đi sẽ mang rất nhiều rủi ro, nhất là với dân không chuyên. Nào là tụt film, đứt film, hở sáng, lỗi màn trập, kẹt cò lên film… rồi cả những lỗi do “đo sáng bằng cơm”, lấy nét không đúng hay bất cẩn với những cuộn film outdate cũng có thể dẫn đến hỏng cả bộ ảnh. Thêm nữa, film vốn rất đắt. Nếu cầm trong tay một chiếc điện thoại hay máy ảnh kĩ thuật số, bạn có thể thoải mái bấm cả nghìn tấm hình cho chuyến đi chơi vài ba ngày, nhưng máy film thì khác. Một cuộn film 24 – 36 tấm có giá rẻ nhất tầm 130 nghìn, tráng hết 40 nghìn. Như vậy, cứ mỗi cú bấm máy, bạn phải tiêu tốn tầm 5 đến 7 nghìn đồng. Nhưng chính tất cả những điều đó mới tạo nên cái hay của việc chơi film, khi mà mỗi khung hình đều được nâng niu, chắt chiu một cách kĩ lưỡng.

Cùng nhau lên nương.
Một khu vườn khi đông về.
Lối về Đường Thượng

Những người chơi film phải là những người cực kì kiên nhẫn và có một… thần kinh thép. Khác với máy ảnh kĩ thuật số hay điện thoại, việc xem lại những tấm ảnh vừa mới chụp xong là hoàn toàn bất khả thi với máy film. Bạn phải chụp hết cuộn, sau đó gửi tráng và đợi mail từ lab. Tôi tin rằng dù là cuộn film đầu tiên hay cuộn thứ một nghìn đi chăng nữa, thì cảm giác hồi hộp từ lúc gửi tráng cho đến khi nhận được file ảnh đều vẹn nguyên như lần đầu.

Mùa xuân sau hàng rào đá
Con đường sa mộc
Một chiếc cây chuyển màu đón mùa thu

Tôi vẫn nhớ cảm giác choáng ngợp khi đứng trước con đèo Mã Pì Lèng mây phủ, tiếng màn trập đánh “xoạch”, ghi dấu một khoảnh khắc mà có lẽ sẽ chẳng mấy khi được gặp lại trong đời, hay khi đang ngơ ngẩn trước ruộng cải vàng ươm ướt đẫm sương ở Phố Cáo, ở Lao Xa. Hà Giang luôn biết chiều lòng người như thế, mùa nào cũng đẹp, và góc nào cũng xinh.

Những ngọn núi lẩn khuất sau màn mây
Sương giăng đầu núi
Một người phụ nữ miền cao

Về vẻ đẹp của cao nguyên đá thì có lẽ không cần phải bàn thêm nhiều nữa. Biết bao người đã đến và phải lòng nơi này, rồi không tiếc lời ca tụng. Những bộ ảnh đẹp với nhiều ý tưởng độc lạ cứ thi nhau ra đời trên những triền đá tai mèo sắc nhọn.

Mùa hoa cải ở Phố Cáo
Sắc đỏ mộc miên
Hoa lê ở Du Già

Tôi đã đi qua miền đá rất nhiều lần, lần nào cũng cố ghi lại bằng một vài cuộn film. Có cuộn đẹp có cuộn hỏng, có hân hoan cũng có thất vọng tràn trề. Những tấm ảnh film có thể không gây cho người ta ấn tượng mạnh mẽ như những bộ ảnh được chụp và hậu kì cẩn thận bằng máy kĩ thuật số, nhưng với tôi, đó luôn là những chiếc ảnh chân thực nhất, đong đầy cảm xúc về cảnh sắc và con người miền biên viễn. Và hiển nhiên là rất quý, vì sẽ không bao giờ có được tấm ảnh thứ hai nào giống như thế nữa.

Những con đường uốn lượn ở Mậu Duệ
Thung lũng Lũng Hồ
Một góc Lao Xa

Tác giả: Lê Bùi Thị Thảo Nguyên