Văn Miếu Huế xây dựng vào năm 1808 dưới triều vua Gia Long để thờ Khổng tử và các vị thánh hiền nhằm tôn vinh và khuyễn khích nho học.

Văn Miếu được xây dựng uy nghi đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Huế. Văn Miếu Huế hay Văn Thánh Huế là cách gọi tắt của Văn Thánh Miếu được xây dựng tại Huế.

Văn Miếu Môn, cổng chính của Văn Miếu Huế

Thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Thành Thái được trùng tu nâng cấp và xây dựng thêm các công trình kiến trúc phối thuộc. Văn Miếu xây dựng trên khu đất rộng khoảng 3ha gồm: Điện Đại Thành (Điện chính thờ Khổng Tử, Tứ phối và Thập nhị triết), hai nhà Đông Vu và Tây Vu (Thờ các tiên nho), Hữu Văn Đường và Di lễ đường (Vua quan nghỉ sửa soạn lể phục trước khi vào tế, miếu thổ công, Thần phù (Nhà bếp), Thần khố (Nhà kho).

Đại Thành Môn, Văn Thánh Huế

Từ bến thuyền ở bờ sông đến tòa miếu phải đi qua 3 cửa: Linh Tinh Môn, Văn Miếu Môn và Đại thành môn. Khu vực trung tâm trước điện đại Thành có 2 tấm bia ngự chế của vua Minh Mạng (Ghi lại huấn dụ của Vua nghiêm cấm không cho hạng Thái giám tham dự chính sự) và vua Thiệu Trị (Ghi huấn dụ của vua cấm ngoại thích tham gia chính quyền).

Khuôn viên toàn cảnh Văn miếu Huế

Hai hàng bia đá Tiến sĩ gồm 32 tấm bia ghi danh 293 tiến sĩ của khoa thi bắt đầu từ năm 1822 triều vua Minh Mạng và cuối cùng năm 1919 triều vua Khải Định. Hàng năm vào mùa xuân và mùa Thu triều đình tổ chức lễ tế ở đây. Nhà Nguyễn xếp lễ tế Văn Miếu vào hàng trung tự.

Bia tiến sĩ tại Văn Thánh Huế

Văn Miếu Huế đang dần dần được khôi phục nguyên trạng và giờ đây đã trở thành điểm check in ưa thích của du khách trong và ngoài nước. Mùa thi các bạn trẻ cũng hay ghé địa danh này với mong muốn lấy được sự tự tin và may mắn.

Hàng bia đá Tiến sĩ
Bia Tiến sĩ trên lưng con rùa.
Bia của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng) dụ về việc Thái giám không được liệt vào hạng quan lại.
Nhà bia hai bên, nơi lưu giữ 32 tấm bia, khắc tên 293 vị tiến sĩ.

TÁC GIẢ: Nguyễn Trung Thành