Phố biển Quy Nhơn, Bãi Trứng, Nhơn Hải, Hòn Khô, đồng muối Đề Gi... mang đến vẻ đẹp biển đảo đầy sắc màu và cuốn hút du khách.

Toàn cảnh Quy Nhơn huyền ảo trong làn sương mây lúc 19h - ảnh trong bộ ảnh “Vẻ đẹp biển đảo Bình Định” do nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Hoài thực hiện. Nhờ đam mê nhiếp ảnh, Nguyễn Phước Hoài (1986) quê ở TP Quy Nhơn từng giành giải nhất cuộc thi “Hành trình di sản Heritage Vietnam Airlines 2018”, giải nhì cuộc thi “Môi trường và Cuộc sống 2018”, giải ba cuộc thi “Eye of Dragon 2019”.

Bình Định thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo do có đường bờ biển dài 134 km. Quy Nhơn được công nhận là đô thị loại I năm 2010, là điểm đến hút khách du lịch, vào top điểm đến do các tạp chí, báo quốc tế lựa chọn.

Năm 2015, Quy Nhơn được tạp chí Rough Guides của Anh bình chọn là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á. Năm 2017, tờ Guardian của Anh cũng chọn nơi này vào top 10 điểm đến nghỉ dưỡng mùa đông. Tháng 6/2020, Quy Nhơn đồng thời vào top 20 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2020 do Hostelworld xếp hạng.

Một trong những nơi thu hút nhiếp ảnh gia chọn sáng tác ảnh tại Bình Định là Bãi Trứng, cách trung tâm Quy Nhơn khoảng 2 km về phía đông nam. Bãi Trứng thuộc khu du lịch Ghềnh Ráng, có vô số hòn đá xếp chồng lên nhau, nhẵn như trứng chim khổng lồ. Anh Phước Hoài cho biết qua kỹ thuật chụp phơi sáng, Bãi Trứng trở nên ảo diệu hơn vào lúc bình minh.

Kè chắn sóng phủ rêu xanh chạy dọc bãi biển ra tận cửa biển Đề Gi, xung quanh là làn nước xanh ngọc như tranh vẽ. Du khách có thể đi từ khu kinh tế Nhơn Hội đến xã Cát Tiến, rồi theo tuyến ĐT 639 chạy dọc biển là tới Đề Gi thuộc xã Cát Cánh, huyện Phù Cát.

Đến đây, du khách được trải nghiệm đời sống ngư dân qua hoạt động đánh bắt thủy sản, mua hải sản tươi, đa dạng như tôm, cá măng, mú, sò huyết, nghêu, ngao, ghẹ... hoặc thưởng thức ngay món gỏi cá mai.

Tác giả bộ ảnh cho biết chụp panorama 30 tấm để thấy được toàn cảnh những cánh đồng muối ở Đề Gi. Bãi biển ở đây có nét đặc trưng riêng khi tiếp giáp với vùng đầm đón nước từ sông La Tinh và các khe núi ở Lạc Phụng, núi Bà chảy vào rồi đổ ra cửa biển. Người dân quanh vùng lấy nước đầm - nước lợ để làm muối.

Bóng của những người dân cào muối như bức tranh nghệ thuật trên đồng. Cánh đồng muối Đề Gi trải rộng trên diện tích hàng chục ha, với những ô chữ nhật xếp ngay hàng thẳng lối. Mỗi ô có diện tích khoảng 100 m2, cứ 5 ô nước mới có một ô muối.

Làng chài Nhơn Hải và Hòn Khô, với những mái nhà đầy sắc màu khi được nhìn từ trên cao. Nhơn Hải có nhiều dịch vụ dành cho du khách như nhà hàng, khách sạn hoặc homestay. Trước Covid-19 khách nước ngoài thường chọn lưu trú dài ngày ở đây để tận hưởng nắng gió vùng biển và tìm hiểu đời sống làng chài.

Đảo Hòn Khô, nằm cách Quy Nhơn khoảng 6 km, như tấm bình phong che chắn cho làng chài Nhơn Hải. Du khách thường đi tour trong ngày, thuê ca nô ra đảo chỉ 10 phút và giá 350.000 đồng/ người. Ở Hòn Khô, khách có thể lặn ngắm san hô, rong biển, thuê phao bơi, chơi môtô nước và ăn hải sản.

Với lợi thế cảnh quan hiếm có cùng hệ sinh thái biển đa dạng, Nhơn Lý được xem như một thiên đường biển đảo của Bình Định, trong đó hai địa điểm không thể bỏ qua là Eo Gió và Kỳ Co.

Eo Gió có đặc thù địa hình nhìn hõm như yên ngựa, nằm giữa hai mỏm núi cao sát biển, nên người dân địa phương từ lâu đặt cho cái tên Eo Gió. Dưới chân Eo Gió là Bãi đá Đẻ nhiều màu sắc và kích thước. Bên cạnh là những rạn san hô hiện lên giữa làn nước trong vắt.

Kỳ Co mới được phát triển du lịch gần đây, được mệnh danh là "Maldives của Bình Định", mang vẻ đẹp nguyên sơ của biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Nhìn từ trên cao, Kỳ Co như một dải cát vàng óng giống như vầng trăng khuyết hiện ra trên biển.

Một tour Kỳ Co đi trong ngày có giá 350.000 - 400.000 đồng/ người, gồm cano khứ hồi, lặn ngắm san hô, bữa trưa hải sản.

Mẻ lưới sớm ở Nhơn Lý nhìn từ trên cao tựa như “hoa lưới”. Ngư dân hành nghề kéo lưới này thường trúng đậm lộc biển khi đánh bắt cá nục và cá cơm.

Ngư dân chèo thuyền thúng đánh cá trên vùng biển Nhơn Hải, bên dưới là rừng rong mơ màu vàng nâu. Cây rong mơ thường sống bám vào các rạn san hô, tảng đá ngầm dưới biển, khi cây phát triển dài và già nổi lên mặt nước tạo thành bãi lớn, có độ cao khoảng 40 - 60 cm. Quá trình bắt cá như trên được thực hiện cẩn thận để không làm hư hại rong. Cá sau khi đánh bắt về được người dân chế biến thành thức ăn nuôi mực lá.

Mùa lúa chín vàng nằm bên cánh đồng điện gió ở bán đảo Phương Mai. Trước đây, Phương Mai vốn là nơi hoang vu thì ngày nay, bán đảo chuyển mình, phát triển du lịch nhờ tận dụng được ưu thế cảnh quan đẹp và được đầu tư hạ tầng, các dự án.

Du khách đi từ trung tâm Quy Nhơn qua cầu Thị Nại, rẽ trái theo quốc lộ 19B, sau đó đi thẳng khoảng 10 km thấy những cánh quạt gió khổng lồ. Đây là dự án quạt gió gồm 6 trụ tua bin trải dài trên diện tích 122 ha tại khu kinh tế Nhơn Hội.

Sau khi chạy xuyên những đồi cát dọc bán đảo Phương Mai, khoảng 20 km là đến xã Nhơn Lý với địa hình đa dạng, một mặt giáp biển, ba mặt là núi đồi.

Đến Nhơn Lý du khách đừng quên ghé thăm các làng chài Lý Chánh, Lý Hòa, Lý Lương và Lý Hưng. Nhìn từ trên cao, các ngôi nhà trong làng chài san sát như phố, đường trong làng cũng dốc lên xuống và nhỏ xíu. Tất cả các con đường chính của thôn đều hướng ra biển, bám theo các con dốc. Nhà cửa phân bố theo từng tầng rải đều theo độ dốc của lối đi, cảm giác như không cản trở tầm nhìn ra biển của các căn nhà phía sau.

Xa xa Nhơn Lý là các tàu bè đậu san sát ở Bãi Bấc. Đây chính là bờ bắc của Nhơn Lý. Vòng cung biển khổng lồ này trải dài từ Eo Gió, kéo dài đến tận Trung Lương, Cát Tiến.

Nguồn dẫn: Huỳnh Phương/ VnExpress.net

Link bài gốc: https://vnexpress.net/bien-dao-binh-dinh-4261486.html