Pơ Thi là lễ hội tiễn đưa linh hồn người đã khuất về với thế giới của Yàng (trời) theo truyền thống của người Jarai. Vào khoảng tháng 1 đến tháng 4 dương lịch hàng năm, ở các buôn làng người Jarai tại Tây Nguyên rộn ràng tổ chức lễ Pơ Thi.

Pơ Thi là lễ hội tiễn đưa linh hồn người đã khuất về với thế giới của Yàng (trời) theo truyền thống của người Jarai. Đây được xem là một trong những lễ hội lớn nhất của người Jarai, quy tụ gần như đầy đủ những giá trị văn hóa đặc sắc nhất trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Là nghệ sĩ nhiếp ảnh, Khang Chu Long đã tái hiện khoảnh khắc lễ hội và lan tỏa những hình ảnh, phong tục đặc trưng của vùng miền tới công chúng.

Những cậu bé được đắp lên mình toàn bùn đất để làm sao nhìn càng kinh dị càng tốt, là hình ảnh khó quên trong lễ hội Pơ Thi của người Jarai ở Gia Lai. Theo quan niệm của người Jarai, sau khi chết, linh hồn vẫn còn quanh quẩn đâu đó, giữa người chết và người sống vẫn còn mối quan hệ ràng buộc, do vậy hàng ngày người sống vẫn ra thăm mả, quét dọn sạch sẽ và mang cơm nước, trò chuyện với người đã khuất. Để hóa trang giống các hồn ma, họ phải đi lựa những màu bùn thật mịn, đẹp và bôi lên người. Hóa trang thành Ma Bùn cho trẻ em nhằm gợi lại những lễ hội ngày xưa cha ông hay làm. Những đứa trẻ hóa trang lên cơ thể lớp bùn dày, biểu cảm “khác người” tượng trưng như những hồn ma, nhảy múa cùng mọi người trước khi chia tay vĩnh viễn.

Đến như những bóng ma, họ cũng nhanh chóng biến mất vào màn đêm như chưa từng hiện diện. Cùng với các hoạt động văn hóa đặc sắc thì Lễ Pơ Thi chính là dịp thể hiện sự cố kết cộng đồng của người Jarai. Bà con dù ở buôn xa, làng gần khi nghe tin thì đều tìm cách về dự lễ hội. Tại đây, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được thể hiện một cách tự nhiên nhất, rõ nét nhất mà khó có thể có một lễ hội nào làm được.

Cùng nhìn lại bộ ảnh những đứa trẻ “Ma bùn” ấn tượng của nhiếp ảnh gia Khang Chu Long.

Nhiếp ảnh gia Khang Chu Long hào hứng trước lễ hội Pơ Thi của người Jarai.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Khang Chu Long