Tĩnh lặng, mộng mơ, đậm chất thi ca là những từ ngữ mĩ miều chúng ta có thể nghĩ ra khi nhớ về Huế. Nhắc đến Huế không chỉ nhớ đến các công trình kiến trúc có bề dày lịch sử văn hoá lâu năm mà còn biết bao những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp làm xao xuyến lòng người.

Nếu có dịp về thành phố này, thử một lần xuôi về Đầm Chuồn để ngắm nhìn bình minh tuyệt đẹp và cuộc sống sinh hoạt đời thường của những ngư dân trên đầm phá. Một phong cảnh bình yên với những con người hiền hòa chân chất cho ta một nét nhìn đầy đủ hơn về xứ Huế mộng mơ.

Đầm Chuồn trong buổi sớm bình minh đỏ rực.
Đầm Chuồn nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (thuộc địa phận xã Phú An, huyện Phú Vang), cách trung tâm Thành phố Huế chừng 15km về phía đông, thuộc huyện Phú Vang.
Đầm Chuồn dù lúc bình minh hay chiều tà đều mang lại những gam màu sắc thú vị khác nhau để khám phá cả. Đâu đó một vài cảnh ngư dân giăng lưới, hay cảnh buôn bán nhộn nhịp từ trên thuyền đò đến chợ đều mang lại cảm giác thanh bình, nhẹ nhàng đến lạ.

Môt góc Đầm Chuồn đẹp mê hoặc trong ánh bình minh.

Riêng tôi, dường như bị mê hoặc trước khung cảnh lúc hừng đông, khi mặt trời từ từ nhô lên khỏi mặt nước rồi tỏa ra những tia sáng đỏ rực quý giá thắp sáng cả bầu không gian rực rỡ ánh hồng. Tôi như bị cuốn vào cái ráng rực rỡ của những đám mây đang chuyển màu phiêu du phía chân trời rồi ngơ ngẩn, say đắm mà quên đi sự náo nhiệt đang diễn ra xung quanh mình.

Đến với Đầm Chuồn, mọi người sẽ dễ dàng nhận ra những nét đặc trưng của đầm phá khi thấy những chiếc vó có màu nâu vàng hay những chắn sáo (một hệ thống ngư cụ để ngư dân nuôi các hải sản trên đầm) còn gọi là vây ví. Nhìn từ trên cao nó chẳng khác gì một hệ thống mê cung tầng tầng, lớp lớp như thiên la địa võng đang bủa vây khắp một vùng nước bao la rộng lớn.

Toàn cảnh Đầm Chuồn dưới ánh bình minh
Cảnh ngư dân thu hoạch cá sau một đêm đánh bắt.

Dưới mặt nước phẳng lặng như gương soi, một vài chiếc thuyền độc mộc mỏng tanh và nhẹ như chiếc lá khiến không gian yên tĩnh lặng trở nên sống động hơn.

Cảnh mua bán diễn ra tấp nập ngay trên đầm. Thêm vào đó là những mái "nhà chồ" nhấp nhô như những tổ chim được treo lơ lửng trên mặt đầm. Đó là những căn nhà nhỏ được dựng tạm bợ bằng tre, gỗ hoặc bê tông để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiếu của ngư dân khi sinh sống và làm ăn ở nơi này.
Cảnh buôn bán nhộn nhịp trên Đầm Chuồn
Cảnh sinh hoạt của ngư dân trên "nhà chồ" ở Đầm Chuồn.

Trời sáng, từ trên những "nhà chồ", gia đình các ngư phủ trở về với đất liền. Họ về cho những đứa trẻ đến trường và mang theo cả những mẻ hải sản tươi ngon vừa đánh bắt được trong đêm ra buổi chợ sớm. Không gian cũng vì thế mà từ tĩnh lặng, nhanh chóng trở nên rộn ràng nhịp sống của ngày mới với tiếng mái chèo khuya vào mặt nước hay những chiếc xuồng máy xé toạc mặt đầm tĩnh lặng lao như bay về phía trước. Rồi cái không khí ồn ào đặc trưng của những phiên chợ quê với tiếng cười nói, tiếng mời gọi xầm xì và lời mặc cả qua lại của những người dân vào buổi sớm biến không gian xa xôi trở nên gần gũi lạ thường.

Chiếc thuyền như con chuồn chuồn bay trên mặt nước trở về đất liền cho kịp buổi chợ sớm.

Cảnh ngư dân đua nhau vào bờ.

Mọi thứ cứ tự nhiên diễn ra thật bình dị, chân phương và mộc mạc trước mắt mọi người. Đó chính là cuộc sống chân chất của người dân xứ Đầm Chuồn quanh năm lênh đênh trên sóng nước.

Một buổi sáng sôi động diễn ra trên đầm.
Hiếm có nơi nào cách thành phố không xa nhưng lại giữ được những nét sống đơn giản và hồn hậu đến vậy. Cuộc sống không cần điện để xài, mọi sinh hoạt cứ tuân theo quy luật của tự nhiên, theo ánh Mặt Trời, Mặt Trăng và theo con nước lớn ròng mà tiếp diễn từ ngày này qua tháng nọ.
Mọi người vẫn gắn bó, cần mẫn với công việc của mình từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, 6h tối hôm trước ra đầm và trở về đất liền khi ánh mặt trời vừa lên. Cuộc sống làng quê tuy vất vả nhưng lại yên bình khó có thể nào tìm kiếm được.

@haionthego