Có bao giờ bạn tự hỏi tình yêu có hình dạng như thế nào chưa? Có lẽ tình yêu với mỗi người sẽ có muôn hình vạn trạng khác nhau. Còn trong trái tim của ông Sơn, bà Hoa trong câu chuyện này, tình yêu đó mang hình dáng của những chú chó với đôi mắt long lanh, chan chứa biết bao ân tình.

Đã bao giờ bạn rơi nước mắt chỉ vì một chú chó hay chưa? Loài chó từ rất lâu đã được xem như người bạn tri kỉ bên con người. Trong xã hội hiện đại của chúng ta, với những con phố hào nhoáng, sầm uất, người người bận rộn và vội vã, có khi, người ta đã quên cả cách yêu thương thế nào cho phải. Nhưng chỉ cần bạn nuôi bên mình một chú chó, tôi tin rằng bạn sẽ học được từ nó rất nhiều bài học về tình yêu thương và lòng trắc ẩn đấy. Chúng sẽ cho bạn biết thực sự tồn tại loại tình yêu không điều kiện, sẽ cho bạn những nụ cười kể cả vào những ngày thấy mệt mỏi nhất, sẽ không bao giờ cho bạn cảm giác cô đơn hay bị bỏ rơi, vì lúc nào chúng cũng luôn muốn gắn kết mình với cuộc đời bạn.

Sau giờ làm việc, travel bloger Nguyễn Kỳ Anh (SN 1995, TP.HCM) lại xách chiếc máy ảnh đi khắp các con phố để thực hiện các bộ ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Và sau đây Vietnam Beauty mời các bạn lắng nghe câu chuyện của ông bà nghèo dành tình yêu thương cho chú chó gây xúc động qua từng bức ảnh của chàng travel blogger 9x này nhé!

Ông lão câm điếc bán vé số và chú chó Vui

Chú Sơn (70 tuổi, quê Long An) bị câm điếc mưu sinh ở đất Sài Thành bằng nghề bán vé số, chẳng nghe chẳng nói được nhưng chú luôn có một tình yêu thương vô bờ bến với chó mèo. Trong suốt 4 ngày qua, hành trình rong ruổi khắp các cung đường Sài Gòn của chú Sơn thêm phần vui hơn khi đã có bạn đồng hành.

Tuy nghèo nhưng chú Sơn luôn dành tình cảm đặc biệt cho những chú chó

Dù cuộc sống có phần khó khăn nhưng ông luôn chú ý chăm lo đến cả giấc ngủ, miếng cơm cho bé Vui. Chú chó lúc nào cũng khư khư bên mình chiếc gối nhỏ, được mặc chiếc áo vàng, lót trải trên tấm bạc để ngủ ngon giấc.

Tình thương là vô giá, tình thương không so sánh, không thiệt hơn, không đong đếm. Đó là tình thương của sự công bằng.
Ngủ ngoan nhé con để ông bán vé số.

Khi được hỏi về cảm xúc nhận “Vui” có khác gì so với những ngày có “Bông” ở bên, chú Sơn bảo rằng được cho hai chú cún, được mọi người quan tâm ông cảm thấy mình không còn cô độc khi đi bán vé số, “không so sánh hay nghĩ gì đâu, con nào cũng là bạn, là con”.

Thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn nếu ai cũng có khả năng yêu thương vô điều kiện như loài chó.

Chú Sơn thường ra bán vé số từ 19h đến 21h tại ngã tư Hai Bà Trưng giao Điện Biên Phủ, sau đó chú về Ngã tư Hàng Xanh bán đến 12h đêm rồi về nhà trọ nghỉ ngơi.

Một con chó sẽ không quan tâm đến việc bạn thông minh hay ngu dốt, bạn xinh đẹp hay xấu xí, chỉ cần bạn trao trái tim mình cho nó, và nó sẽ trao lại trái tim nó cho bạn.

Bà ngoại nghèo lượm ve chai và chú chó Sushi

Vào lúc gần giữa đêm của một ngày cuối tháng 10, Nguyễn Kỳ Anh đã ghi lại hình ảnh cụ bà nhặt ve chai đẹp hiền hòa ngồi bên chú chó Sushi trên cầu Ông Lãnh (Q.1, TP.HCM). Vốn là người nhạy cảm và dành tình thương cho những người có hoàn cảnh khó khăn, anh quyết định thực hiện bộ ảnh “Ngoại Hoa và chú chó Sushi”.

Bộ ảnh “Ngoại Hoa và chú chó Sushi” của chàng trai mê nhiếp ảnh gây xúc động cho nhiều người bởi câu chuyện về một cụ bà nghèo mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai với tình yêu thương động vật.

Kỳ Anh nhớ lại: “Mình gặp ngoại Hoa, 72 tuổi, trong một đêm muộn. Lúc đó, đường phố dần thưa thớt xe cộ và bà cụ với gương mặt phúc hậu đôi lúc lại qua sang xoa đầu chú chó cưng. Mấy năm trước bà bán trái cây nhưng nay không còn bán nữa vì bị bệnh khớp, di chuyển khó khăn. Giờ đây, mỗi buổi sáng ngoại Hoa đi mua ve chai. Đến khoảng 18 giờ, bà và chú chó Sushi ra cầu Ông Lãnh ngồi đến gần 0 giờ thì về nhà”.

Ngoại Hoa cùng Sushi thường ngồi ở cầu Ông Lãnh từ 6h tối đến hơn 12h đêm rồi cùng nhau trở về căn nhỏ nhỏ.

Cuộc sống của ngoại Hoa khó khăn, thiếu thốn nhưng tình thương thì lúc nào cũng đong đầy. Đó là thứ tình thương dành cho người thân và cả con vật đáng yêu. Bà nuôi Sushi đã được 4 năm. Bà xem chú chó này là niềm hạnh phúc, niềm lạc quan vui sống và là người bạn cùng bà đi qua những năm tháng khốn cùng của nghèo khó.

Ngoại Hoa (72 tuổi) và chú chó tên Sushi, hai người đã gắn bó với nhau suốt 4 năm qua trên khắp các con đường của Sài Gòn.

Bộ ảnh “Ngoại Hoa và chú chó Sushi” nằm trong dự án nhiếp ảnh cá nhân của Kỳ Anh mang tên "Sài Gòn Moments". Thông qua dự án này, anh mong muốn sử dụng phương tiện hình ảnh để khai thác vẻ đẹp của những con người nghèo khó, gặp bất hạnh trong xã hội để kêu gọi sự giúp đỡ thông qua các bài đăng trên mạng xã hội.

Bộ ảnh mang tông màu trầm ấm, gợi cảm giác gần gũi thân quen khi khắc họa chân thật cuộc sống vất vả của người lao động nghèo.

Cuộc sống Ngoại khó khăn đó, thiếu thốn đó, nhưng tình thương thì lúc nào cũng đong đầy. Tình thương cho người thân, tình thương cho con vật mà cụ bà yêu thương. Shushi là nơi của niềm lạc quan vui sống của ngoại, là người bạn cùng ngoại đi qua những năm tháng khốn cùng của nghèo khó.

Tuy Sushi không sống trong ngôi nhà đủ đầy điều kiện. Nhưng đối với chú chó này, ngoại Hoa là ngôi nhà vững chắc nhất mà dù có bao nhiêu ồn ào ngoài kia nó vẫn nằm yên ngon giấc.

Tính đến nay, dự án “Sài Gòn Moments” của Nguyễn Kỳ Anh đã có 14 bộ ảnh với những nhân vật đầy cảm xúc như anh Nhân cứu hộ 7499 - Sửa xe miễn phí, bà Tư - người gìn giữ nét đẹp của món đồ chơi dân gian hay bà Hoa và chú Sơn tuy nghèo những giữ trọn vẹn tình yêu thương đối với loài chó.

Dù cho hoàn cảnh có khó khăn đến mấy, thì tình thương ấy vẫn luôn dạt dào dành cho Shushi.

Thông qua bộ ảnh, Nguyễn Kỳ Anh mong muốn truyền đi thông điệp về tình thương vượt lên trên mọi hoàn cảnh, không chỉ giới hạn giữa con người với nhau mà còn dành cho động vật. Ngoài ra, chàng trai mê nhiếp ảnh hy vọng những mảnh đời khó khăn, người lớn tuổi đang phải vất vả mưu sinh được sẽ được cộng đồng biết đến và giúp đỡ.

Tôi không dám ăn thịt chó, vì luôn sợ sẽ ăn nhầm thịt một người bạn trung thành, sợ ăn nhầm mất kẻ canh giữ tuổi thơ của một đứa trẻ, sợ ăn nhầm đôi mắt của một người mù và sợ mình lỡ ăn mất người thân của một gia đình.
Tôi không thể phán xét những người ăn thịt chó, nhưng tôi hy vọng rằng sẽ càng ngày càng có ít hơn những người như tôi, đứng bần thần ngoài cổng và nhìn về phía đầu đường cả buổi chiều chỉ để đợi một cái bóng quen thuộc đã không bao giờ trở lại nữa.

Tổng hợp: Minh Tuệ

Ảnh: Nguyễn Kỳ Anh