Khi cây ngô đồng cô đơn ở làng Hà Cảng, Huế “gây sốt” vì khung cảnh quá lãng mạn và nên thơ trong bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ, thì tất cả các cây cô đơn trên dải đất hình chữ S đều nằm trong tầm ngắm của giới trẻ như: cây thông ở Đà Lạt, cây gỗ nghiến ở Hà Giang, cây táo mèo ở Tà Xùa, cây bằng lăng tím ở Bình Thuận… và tất nhiên là không thể thiếu được cây trâm cô đơn ở Tây Ninh rồi.

Cây trâm cô đơn Tây Ninh - tọa độ check-in cực thơ mộng.

Nếu cây bàng cô đơn trước biển cả mênh mông ở Bình Thuận đã từng khiến nhiều người “xót xa” thì cây trâm nằm tại thôn Gò Duối, xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cũng sẽ khiến bao trái tim phải “thổn thức” không kém, vì giữa một cánh đồng lúa bao la, bát ngát lại chỉ có một mình nó đứng trơ trọi, dầm mưa dãi nắng qua bao năm tháng. Đây là một gốc trâm già, đã trơ trụi hết đi phần nào và như đang tìm ngày để đổ gục. Ấy thế mà gốc trâm vẫn kiên cường trước bao năm tháng, cho dù đang cô đơn và trơ trọi giữa cánh đồng bao la.

Người Gò Duốc quen thuộc với hình ảnh mỗi sớm mai ra đồng, hình ảnh thôn quê bình yên hiện ra trước mắt. Nắng càng lên thì hình ảnh già cỗi, những nhánh cây khô cằn rũ xuống rũ rượu lại khiến cho khung cảnh thêm nao lòng.

Theo một người dân trong làng là bà Nguyễn Thị Nàng (60 tuổi) thì cây trâm cô đơn này là giống trâm rừng, do ông cố của bà trồng bên phần ruộng của gia đình để tạo bóng mát, giúp mọi người nghỉ ngơi sau những buổi làm đồng vất vả. Thời gian cụ thể không rõ, nhưng đến nay thì cây cũng đã hơn trăm tuổi rồi nên thường được người dân trong làng gọi là “cây già làng”.

Người dân ở đây người ta cũng không rõ là cây trâm già này mọc từ bao giờ, chỉ biết hình ảnh bây giờ giống như một cây cổ thụ của làng mà người ta vẫn gọi đó là “cây già làng”.

Chính tuổi thọ đã quá cao như thế, cộng với những khắc nghiệt của thời tiết và sự tàn phá của thời gian, nên cây trâm già đã chết từ lâu, nhưng vì thấy nhiều bạn trẻ mê quá nên người chủ đã quyết định giữ nó lại. Bởi vậy, bất kỳ lúc nào đến đây thì bạn cũng chỉ được chứng kiến những cành cây khẳng khiu, gầy guộc vươn ra xung quanh và thân cây cằn cỗi, xơ xác, in hằn rõ dấu vết của thời gian. Trông thì chẳng có một chút sức sống nào như vậy nhưng điều kỳ lạ là rất nhiều năm trôi qua cây cô đơn ở Tây Ninh vẫn không hề bị quật ngã, vẫn kiên cường sừng sững đứng đó “niềm nở” đón chào du khách tới thăm làng.

Cây trâm cô đơn ở Tây Ninh – điểm sống ảo khiến giới trẻ 'sốt rần rần'

Không còn những tán lá xum xuê xanh mướt như gốc đa cổ thụ mọc ở đầu làng của những vùng quê Bắc bộ thuở xưa, chẳng thể ra quả cho những đứa trẻ trong làng thi nhau hái ăn, cũng không thể che đi ánh mặt trời chói chang trong những ngày hè oi nóng cho những buổi làm đồng vất vả của bà con, nhưng hình như chính cái sự trơ trụi, xác xơ ấy lại làm cho cây cô đơn ở Tây Ninh thêm tình và thêm hút hơn.

Vào mỗi buổi sớm mai, khi những tia nắng hồng tươi của mặt trời đang dần le lói sau những đám mây, vẻ đẹp của cây trâm già cô đơn kết hợp với màu xanh mướt của cánh đồng lúa đang thì con gái bên dưới làm cho khung cảnh làng quê ở Tây Ninh trở nên nhẹ nhàng, bình yên và thân thuộc.

Người ta nói nơi đây đẹp nhất là lúc ráng chiều, người người nhà nhà đi làm đồng về thường ghé qua đây để nghỉ ngơi đôi chút. Lá cây không có để che nắng, nhưng người ta lại chờ đợi một điều gì đó khác hơn là bóng râm che mát. Cảnh hoàng hôn buông xuống trên cánh đồng, những cánh cò bay thấp, chút nắng cuối cùng trong ngày dần tắt hẳn. Cây trâm già lại về với một hình ảnh ma mị, cô đơn và buồn rười rượi. Những nhánh cây rủ xuống khiến cho người ta cảm tưởng như nơi đây đang chờ đợi một điều gì đó. Thế nhưng nó lại đẹp vô cùng, người ta chờ để ngắm cái đẹp bình yên, nhẹ nhàng và chút gì đó cuốn hút.

Còn khi hoàng hôn buông xuống, cả không gian chìm trong màu vàng rực, chút nắng cuối cùng cũng đang dần tắt hẳn nhường chỗ cho bóng đêm thì cây trâm già cô đơn ở Tây Ninh lại trở nên ma mị và huyền bí đến lạ. Lúc này, từng nhánh cây đều trở nên rõ nét, hiện rõ vẻ khô cằn, rũ rượi tựa như cây đang buồn rười rượi chờ đợi một điều gì đó, để rồi làm lòng người đứng đó cũng không khỏi thổn thức, bồi hồi.

Nếu bắt được khoảnh khắc những cánh cò đang bay trên trời, phản chiếu bóng chiều tà, những bác nông dân đang lúi lúi làm việc trên đồng hay những đứa trẻ đang vô ưu vô lo thả diều bên gốc cây, thỉnh thoảng cất lên những tiếng cười giòn tan thì bạn chắc chắn sẽ có cảm giác mình như đang đứng ở một thế giới cổ tích thơ mộng nào đó.

Với người dân trong làng, cây trâm cô đơn ở Tây Ninh có thể chỉ là “nhân chứng” chứng kiến bao sự thay đổi của thôn làng qua thời gian, là nơi để dựa vào nghỉ ngơi lúc mệt mỏi hay gắn với một kỷ niệm đáng nhớ nào đó trong hồi ức, nhưng với những bạn trẻ, nhất là những nhiếp ảnh gia thì nó lại là một tuyệt tác nghệ thuật được tạo nên từ bao tâm huyết của người nghệ sĩ tài ba.

Đó là lý do tại sao, chỉ qua vài bức ảnh được chia sẻ trên mạng mà dân tình đã ngay lập tức bị thu hút, rồi nô nức kéo nhau đến đây chụp ảnh sống ảo như là “người nổi tiếng” vậy.
Bạn cũng biết đấy, dù chỉ đứng một mình thì cây trâm ở Tây Ninh đã là một tác phẩm nghệ thuật “không góc chết” rồi, nên dù là bạn đứng thế nào, chụp ra làm sao, máy có xịn hay đểu thì lên hình cũng đều “ô kê la” hết thôi.

Còn nếu muốn bức hình thêm tình, thêm thơ, chỉ nhìn thôi cũng có thể cảm nhận được một câu chuyện phía sau thì bạn có thể mặc trang phục áo dài thướt tha, áo bà ba giản dị, tận dụng chiếc ô trong suốt, chiếc xe đạp cũ xinh xinh, chiếc đàn ghi – ta đầy chất “nghệ” hoặc nét đẹp lao động bình dị của những người nông dân đang cần mẫn làm ruộng… thì đảm bảo là không có điểm nào để chê luôn.

Bật mí, hoàng hôn không chỉ là thời điểm dễ chịu nhất trong ngày mà còn có thể tạo nên những bức ảnh để đời, nên thường thu hút rất nhiều du khách và người dân trong làng đến chiêm ngưỡng cây, bởi vậy sẽ không tránh khỏi trường hợp chụp ảnh vị “dính người”. Tuy nhiên, đừng vì thế mà bỏ lỡ khoảng khắc này, vì người trong ảnh có thể xóa chứ hoàng hôn đã qua là không lấy lại được đâu đấy.

Hiện nay, việc nhiều bạn trẻ đến cây trâm cô đơn ở Tây Ninh chụp ảnh, khiến không gian nơi đây trở nên náo nhiệt, vui tươi hơn và thúc đẩy du lịch cho khu vực là điều rất đáng khích lệ, nhưng mong các bạn luôn ý thức giữ gìn cảnh quan, không vứt rác bừa bãi, không bẻ cành, bóc vỏ cây hay bước chân xuống ruộng làm hư hại lúa của người nông dân, hãy làm một khách du lịch thật văn minh nhé.

Cây trâm cô đơn Tây Ninh đưa bạn về với những gì mộng mơ nhất của thời niên thiếu. Cô đơn trơ trọi giữa cánh đồng tưởng chừng chỉ là một điều giản dị của đồng quê ai ngờ khi lên ảnh lại tình hết mức như vậy.

Đi xa hơn cái đẹp của cảnh làng thôn quê, nơi đây lại trở thành tọa độ chụp ảnh nghệ thuật mà nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến. Đầu tiên chỉ là những hình ảnh dung dị của những người con nơi đây. Nhưng càng ngày nó lại càng nổi tiếng hơn, nhiều người tìm đến đây để chụp ảnh nhiều hơn trước. Người ta nhận thấy hình như cảnh vật nơi đây náo nhiệt và vui hơn trước kia nhiều. Chắc Cây trâm cô đơn Tây Ninh không còn buồn như trước nữa.

Cây trâm cô đơn Tây Ninh cảm tưởng như không thể cho mình xanh tốt lên nữa. Ấy thế mà ẩn chứa đằng sau đó nhiều tầng lớp ý nghĩa, đặc biệt là về nghệ thuật. Nếu bạn thích những điều mới  lạ hơn, những tấm ảnh khác biệt hơn thì đây chắc là tọa độ hợp lý để bạn làm điều đó.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Thích Trí Thành