Nếu một lần đến Sóc Trăng thì các bạn đừng quên ghé thăm những ngôi chùa có kiến trúc độc nhất vô nhị cùng với những câu chuyện đầy thú vị này nhé!

Check-in 1: CHÙA MAHATUP (CHÙA DƠI)

Khu vực chánh điện chùa Dơi. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo

Huyền bí với những bầy dơi: Mặc dù ở Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa thanh tịnh, vườn cây bóng mát, nhưng việc dơi chỉ chọn chùa Mahatup làm nơi cư trú dường như vẫn là điều bí ẩn. Chúng chỉ đậu trên những tán cây trong khuôn viên chùa, tuyệt nhiên không đậu ở bên ngoài. Là giống dơi ăn quả và sống trong khu vườn xum xuê cây trái nhưng chúng không bao giờ ăn hoa quả ở trong chùa, mà thường bay đi rất xa để kiếm ăn.

Dãy nhà Sa La. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo

Bí ẩn loài heo 5 móng: Theo người Khmer thì lợn 5 móng là cốt tinh của con người, họ tin rằng gia đình nào nuôi phải con heo này thì sẽ gặp bất hạnh vì bị con heo thành tinh này quấy phá. Dù những câu chuyện này thật hư chưa sáng tỏ nhưng khi đến đây, bạn sẽ được tham quan khu mộ của những chú lợn 5 móng nằm khuất sau chùa và “mục sở thị tại” chuồng nuôi.

Đàn dơi đang trú ngụ trên cành cây. Ảnh: Internet

Nhắn nè: Phía trước cổng chùa, ngoài những gian hàng bán quà lưu niệm, đặc sản của Sóc Trăng, một điều lạ mà các bạn có thể nhìn thấy là trái sơ-ri được bày bán rất nhiều. Bạn có thể mua nó “nhăm nhi” lúc đi dạo quanh chùa, nhưng mà thường thì teen mua để dâng cúng cho Bà Đen.

Chiếc Ghe Ngo cũ người ta dùng để đặt những đồ không dùng đến, bên cạnh là những chiếc áo Y được phơi hai bên hông. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo
Đến Chùa Dơi du khách còn được nghe những bản nhạc cụ của dân tộc Khmer. Ảnh: Minh Tuệ

Xoay la bàn: Từ bến xe Khu du lịch Chùa Dơi muốn đến trước cổng chùa các bạn phải mua vé xe điện có khứ hồi với giá 10.000 đồng. Chùa nằm trên đường Mai Thanh Thế, khóm 9, phường 3, Tp. Sóc Trăng.

Trước cổng chùa Dơi. Ảnh: Minh Tuệ

Check-in 2: CHÙA SÀ LÔN (CHÙA CHÉN KIỂU)

Cảnh quan chùa Chén Kiểu. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo

Lạ với cái tên: Trong quá trình xây dựng chùa, do thiếu vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến là quyên góp chén, đĩa từ bà con trong phum, sóc để ốp lên tường. Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên những họa tiết trang trí ấn tượng. Cũng từ đó, chùa còn được nhân dân biết đến với tên gọi thứ hai là chùa Chén Kiểu.

Những mảnh chén kiểu đã được các nghệ nhân tạo nên kiệt tác thật tuyệt vời. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo

Ngắm kỉ vật của công tử Bạc Liêu: Đến với chùa Chén Kiểu, ngoài việc ngắm nhìn kiến trúc độc đáo của chùa, tìm hiểu văn hóa người Khmer, các bạn còn có thể chiêm ngưỡng một phần gia sản của công tử Bạc Liêu: chiếc tủ cẩn xà cừ, bộ trường kỷ cùng hai chiếc giường ngủ mùa đông và mùa hè, được nhà chùa mua lại từ xưa.

Các bạn trẻ tranh thủ ghi lại những bức ảnh kỉ niệm tại chùa. Ảnh: Minh Tuệ

Xoay la bàn: Quốc lộ 1A, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng (cách trung tâm Tp. Sóc Trăng khoảng 12km về hướng Bạc Liêu).

Check-in 3: CHÙA BỬU SƠN TỰ (CHÙA ĐẤT SÉT)

Được làm từ đất sét: Không gian chùa không rộng, nhưng có sức chứa thật lớn, với hơn 1.000 bức tượng phật, bồ tát lớn nhỏ và gần 50 muông thú các loại được chăm chút, sơn phết tỉ mỉ. Nhìn qua, ta cứ tưởng như tất cả được làm bằng chất liệu cứng như đá, xi măng, kim loại nhưng thật ra được làm toàn bằng…đất sét.

Cảnh quan trong chùa Đất Sét. Ảnh: Internet

Đèn cầy khổng lồ: Nét đặc sắc của chùa không chỉ ở các tượng phật được làm bằng đất sét, mà nó còn ẩn chứa ở sáu cây đèn cầy khổng lồ, mỗi cây cao hai mét và nặng 200kg, ước tính mỗi cây sẽ cháy liên tục hơn 70 năm. Ngoài ra, còn có hai cây đèn cầy nhỏ, mỗi cây nặng 100kg, cặp đèn cầy này được thắp sáng liên tục gần 50 năm nay còn gần một phần năm cây.

Cây đèn cầy khổng lồ tại chùa Đất Sét.

Xoay la bàn: Đường Tôn Đức Thắng, phường 5, Tp.Sóc Trăng.

Check-in 4: CHÙA WATH SOM RONG

Ngôi bảo tháp đẹp lung linh. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo

Ngôi bảo tháp: Điểm đặc biệt được các bạn trẻ chú ý ở ngôi chùa này là ngôi bảo tháp lung linh, có kiến trúc độc đáo, trông rất đẹp mắt giống như các chùa lớn ở các nước như Thái Lan, Ấn Độ,... Ngôi bảo tháp được đặt ngay lối đi vào chùa và song song với ngôi chánh điện cổ kính đã có hơn 300 năm tuổi. Tháp có 4 mặt đối xứng nhau, mỗi mặt đều có bậc thang dẫn lên trung tâm tháp, hai bên được trang trí bằng 2 hình tượng rắn thần Naga bao quanh chân tháp và các mô típ hoa văn Khmer cổ được trạm khắc rất tỉ mỉ, sắc sảo.

Bạn trẻ khắp nơi đến chùa để check-in. Ảnh: Minh Tuệ

Check-in sống ảo: Vào những ngày nghỉ cuối tuần, nhiều nhóm bạn trẻ ở xa còn thuê cả ô tô đến đây để thỏa chí tò mò, tận hưởng không gian yên tĩnh, mát mẻ, kiến trúc độc lạ của ngôi chùa, sau đó chụp ảnh để đăng lên mạng xã hội khoe với bạn bè. Cũng từ đó, chùa Som Rong chở nên nổi tiếng vì là địa điểm check-in yêu thích của nhiều người.

Xoay la bàn: Đường Tôn Đức Thắng, phường 5, Tp.Sóc Trăng.

 Check-in 5: BÁNH CỐNG ĐẠI TÂM

Dắt các bạn quanh một vòng Sóc Trăng chắc đã đói lắm rồi phải không? Và bây giờ mời các bạn thưởng thức một món ăn không thể thiếu khi đến Sóc Trăng. Đó là bánh cống Đại Tâm đặc biệt thơm ngon, thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (trên Quốc lộc 1A, nằm giữa Tp. Sóc Trăng và chùa Chén Kiểu).

Với sự khéo léo và óc sáng tạo, người dân quê ở nơi ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer sống chan hòa đã làm ra chiếc bánh cống độc đáo. Bánh được đặt theo tên gọi của vật dụng làm nên nó: cái cống, một loại khuôn làm bánh bằng nhôm hay inox tựa như cái muôi múc canh. Người ta cho bột đã nhồi và nhân vào cống để chiên trong chảo ngập dầu là có thứ bánh dân dã mà ngon tuyệt này.

Để ăn bữa bánh cống ngon còn hai yếu tố quyết định nữa là rau sống và nước chấm. Ở nông thôn người ta hái các loại rau hoang dã như cát lồi, lá cách, lá lụa… trộn lẫn với rau trồng trong vườn nhà như cải bắp, rau quế, rau húng…Nước chấm bánh là nước mắm chua ngọt và phải làm bằng thứ nước mắm hảo hạng chế biến từ cá cơm, thêm ít đồ chua làm từ củ cải trắng và cà rốt xắt sợi, ngâm chua.

Du khách đang nhâm nhi với món bánh đặc sản của Sóc Trăng. Ảnh: Minh Tuệ

Đã ăn qua món bánh cống Đại Tâm và dù đã đi xa nhưng vẫn luôn nhớ câu mời gọi thân thương đến nao lòng:

“Bánh cống ngon lạ ngon lùng

Mời anh ghé lại ăn cùng với em”.

Bài: Minh Tuệ

Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo, Internet