Nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc, hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái, nơi được ví như “Hạ Long trên núi”, là một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hình thành khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà. Hồ nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên. Hồ rộng gần 20.000 ha mặt nước gồm hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ, cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi.
Đến với hồ Thác Bà, du khách có thể thỏa thích ngắm nhìn biển nước mênh mông, những đảo cây ngút ngàn soi bóng xuống mặt hồ xanh ngắt. Con người nơi đây cũng hết sức thân thiện và mến khách.
Ai đã một lần du lịch Hồ Thác Bà (Yên Bình, Yên Bái) chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp của một hồ nước trong xanh, nên thơ và kỳ vĩ. Không chỉ cung cấp nguồn nước để phát điện lưới quốc gia, hồ Thác Bà còn là khu sinh cảnh thiết yếu bảo đảm không khí trong lành và điểm dừng chân của các tour du lịch tâm linh. Nơi đây được ví như một viên ngọc quý, một “Hạ Long trên núi” của vùng Tây Bắc. Là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, có diện tích rộng khoảng 20.000 ha với trên 1.300 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Đến thăm hồ Thác Bà, khi di chuyển bằng tàu thủy, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành giữa mặt nước mênh mông, lung linh soi bóng những hòn đảo điệp trùng tưởng như vô tận, để quên hết những mệt mỏi ưu phiền của cuộc sống. Điểm đầu tiên du khách có thể đến thăm là khu vực Nhà máy Thủy điện Thác Bà, nơi có đền Thác Bà, đây là công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam sừng sững hiên ngang trên biển hồ. Được tận mắt tham quan công trình lịch sử của đất nước, nghe kể câu chuyện về những con người ngày đêm tận tụy xây dựng lên nhà máy, mỗi du khách sẽ không khỏi xúc động và thêm tự hào về truyền thống dân tộc vẻ vang, sự hy sinh của thế hệ cha anh.
Dòng sông Chảy cùng hệ thống các ngòi lớn đã hào phóng bồi đắp phù sa nuôi dưỡng những bản làng trù phú ven hồ. Quanh khu vực hồ Thác Bà hiện có đến 13 tộc người gồm Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan… sống trên triền núi hoặc ven hồ. Các cư dân vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa độc đáo với những tập tục, truyền thống, lễ hội mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Đề với Làng Văn hóa Ngòi Tu - xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, nơi quần tụ của 5 dân tộc (chủ yếu là đồng bào Dao Quần trắng), du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống thư thái dưới những mái nhà sàn thấp thoáng giữa rừng cọ, tìm hiểu nghề đan rọ tôm truyền thống, ngắm những thiếu nữ Dao má đỏ hây hây trong trang phục dân tộc rực rỡ. Đặc biệt, mỗi khi màn đêm buông xuống, bên ánh lửa trại bập bùng, du khách sẽ được nghe những làn điệu dân ca say đắm lòng người và thưởng thức hương vị tinh tế của những món ăn như: cơm lam, nộm hoa chuối rừng, thịt gà nấu măng chua hay món gỏi cá, nộm tôm... Hầu hết, các bản làng ven hồ Thác giờ vẫn giữ được nét hoang sơ, cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... với nhiều lễ hội đặc sắc.
Cách Hà Nội 140km về phía Tây theo quốc lộ 2, trong lưu vực sông Chảy thuộc địa phận huyện Yên Bình và một phần huyện Lục Yên, Thác Bà là tên gọi hồ nước nhân tạo được khởi công xây dựng từ năm 1962 và hoàn thành năm 1970 với mục đích làm nghẽn dòng sông Chảy tạo ra hồ nước phục vụ cho công trình nhà máy thủy điện Thác Bà.
Trước khi đắp đập làm hồ, trong khu vực hồ Thác Bà hiện nay đã từng tồn tại hai thác nước liên hoàn với dòng nước đổ mạnh và chảy xiết, được người dân địa phương gọi là “thác Ông” – “thác Bà”. Sau này khi hình thành hồ thủy điện, cả hai thác này đều bị vùi sâu trong lòng hồ. Để lưu danh những thác nước nổi tiếng gắn với niềm tin thánh tín của người dân địa phương nay chỉ còn trong ký ức, hồ đã được đặt tên “Thác Bà”. Tên “Thác Ông” cũng được đặt cho một cây cầu gần đó.
Vào thời điểm xây dựng, hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nguồn cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Thác Bà – công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam. Ngoài dòng sông Chảy là nơi cung cấp nguồn nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn nhận thêm nguồn nước từ hệ thống ngòi lớn như ngòi Hành, ngòi Cát…, làm tăng lượng phù sa và phong phú các loài sinh vật.
Bài viết: Minh Tuệ
Ảnh: Xuân Nguyễn