Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau", tiếng người Chăm, tức là gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, con sông này đổ ra biển đúng chỗ có nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

Vịnh Nha Trang có diện tích khoảng 507km² bao gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Hòn Tre là đảo lớn nhất, với diện tích 3.250 hecta; đảo nhỏ nhất là Hòn Nọc chỉ khoảng 4 hecta. Vịnh có khí hậu hai mùa rõ rệt Mùa khô kéo dài từ tháng giêng đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12; nhiệt độ bình quân hàng năm là 260C; nóng nhất 390C, lạnh nhất 14,40C.

Về địa danh "Nha Trang", trong Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, tập bản đồ Việt Nam do nho sinh họ Đỗ Bá soạn vào khoảng nửa sau thế kỷ 17 đã thấy có tên "Nha Trang Môn" (cửa Nha Trang). Trong một bản đồ khác có niên đại cuối thế kỷ 17 mang tên Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt cũng thấy ghi tên "Nha Trang Hải môn" (cửa biển Nha Trang). Trong thư tịch cổ Việt Nam, đây có lẽ là những tài liệu sớm nhất đề cập đến địa danh này. Trong Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn đã có nhiều tên gọi Nha Trang như "đầm Nha Trang, dinh Nha Trang, nguồn Nha Trang, đèo Nha Trang".

Cầu Trần Phú

“Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa

Bọt tràn theo từng làn gió đưa

Một vầng trăng sáng với tình yêu chúng ta

Vượt ngàn hải lý cũng không xa.”

Từ xa xưa, biển luôn là một đề tài muôn thuở trong sáng tác thi ca, hội họa, mang vẻ đẹp nên thơ trữ tình trong sự tươi mới của ngày mới. Nhắc đến biển, một trong số những địa điểm du lịch nổi tiếng, không thể bỏ lỡ đó là Nha Trang, là nơi được mệnh danh là thiên đường của miền nhiệt đới. Biển Nha Trang không chỉ là nơi tuyệt đẹp mà còn là nơi gắn liền với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng và các câu chuyện kể thật tương tư, nhớ thương.

Nằm ngay bên bờ vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, Nha Trang cuộn tròn trong không gian bao la, vô tận, thỏa sức vùng vẫy non sông, hứng lấy gió đông và ánh sáng từ bầu trời cao. Nhiều người khi đến đây sẽ thắc mắc một nơi đẹp như vậy từ xa xưa đã mang trong mình chiều dài lịch sử như thế nào, đó cũng chính là nét tạo nên dấu ấn của vùng biển xinh đẹp này.

Nhắc đến Nha Trang người ta sẽ lại nghĩ liền kề đến vịnh Nha Trang một khu vực trải rộng đến 507 km2 bao bọc tận 19 đảo lớn nhỏ khác nhau, trong đó đảo có diện tích lớn nhất là Hòn Tre với 3520 ha và có diện tích nhỏ nhất với 4 ha thuộc về đảo Hòn Nọc.

Tháp Trầm Hương

Nha Trang tuy nằm gần Đà Lạt nhưng lại chịu ảnh hưởng của khí hậu cùa miền nhiệt đới, do đó mà nơi đây không quá lạnh như Đà Lạt, nhưng lại vô cùng mát mẻ, trong lành và dễ chịu thích hợp làm địa điểm tụ họp vui chơi cho mọi người. Biển kéo dài 7km tính từ bờ biển với làn cát trắng phau mịn màng, tô điểm thêm khung cảnh bằng những hàng dừa tươi mát nằm dọc hai bên bờ.

Nhìn từ trên cao nhìn xuống, Nha Trang trong xanh mượt mà như một thiếu nữ trong độ tuổi trăng tròn, đẹp đến quyến rũ, là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho con người để xua đi những muộn phiền, căng thẳng, tấp nập của đời sống hàng ngày. Nước biển trong xanh đến mức có thể thấy tận đáy, tận mắt ngắm nhìn nhựng rặng san hô huyền ảo trôi bồng bềnh, ánh nắng dịu nhẹ soi rọi xuống mặt biển trông thật hiền hòa, thanh mát.

Là một người sinh trưởng tại Nha Trang, trong mắt chị Đào Thị Thanh Tuyền - nhà văn và là tác giả quyển sách tản văn - du ký mới nhất Nha Trang mùa đẹp nhất, cho rằng mỗi mùa, Nha Trang khoác lên một một cảnh sắc riêng. Vẻ đẹp của Nha Trang mỗi mùa mỗi khác, duyên dáng, trong lành, khi ồn ào rực rỡ khi trầm lắng dịu dàng…

Nha Trang về đêm

Này là Nha Trang với mùa hè rộn ràng hoa, nhất là hoa phượng mà ở đó những chùm phượng “đỏ rực nhưng không kiêu sa, đài các mà luôn có cái gì gợi nhớ, gọi ký ức tìm về”. Này là Nha Trang tháng mười biển động, vắng lặng, gợi lên cảm giác “biển ốm” buồn bã. Nhưng trong cái lặng buồn ấy, phố biển vẫn đẹp lạ lùng khi ta chịu khó thả lỏng cơ thể và tâm hồn, dạo bước lên con đường lát gạch trong công viên, nơi có “hàng dừa xanh, nắng chiếu xuống bờ cỏ những vạt màu xanh đậm nhạt, sáng tối đẹp đến nao lòng”.

Nhà thờ đá nha Trang - Địa danh rất được du khách trong và ngoài nước yêu thích

Này là Nha Trang một buổi sáng tháng tám: “Buổi sáng ra biển sớm, thấp thoáng sau hàng dừa, dãy núi vẫn còn dải mây trắng lưng chừng, mặt trời hé lên cười e ấp với nhân gian rồi rút lui sau màn mây dày…”. Đây, đây chính xác là Nha Trang mùa đẹp nhất của chị. Mùa thu trong veo và bình yên với khoảng trời “xanh vừa đủ, mây trắng bồng bềnh nhẹ không làm chói mắt và dưới lưng là những làn sóng êm ái, cảm giác bồng bềnh như đang trong một giấc mơ đẹp”.

Tháp Chăm cổ kính
Theo chân tác giả đến “thành phố tứ bề giăng núi” với gần hai mươi điểm núi trong và ngoài thành phố, ta sẽ được mục kích núi Phượng Hoàng - ngọn núi cao nhất - từ đó có thể nhìn ngắm toàn thành phố Nha Trang - luôn đẹp - từ lúc mặt trời vừa ló rạng cho đến lúc trăng khuya. Nơi duy nhất hội tụ cả bốn mùa trong một buổi chiều khiến người ta dễ “hóa đá” trước vẻ đẹp kỳ ảo của thiên nhiên. “Mây trắng đang trôi trên dãy núi liên hoàn trước mặt, đầy - vơi, đậm - nhạt. Gió đuổi mây lướt nhanh. Nhìn phía Diên Khánh, mây như cột khói đùn lên từ miệng một ngọn núi thấp, chung quanh chỉ có cánh đồng vừa gặt xong, trơ khấc”.

Xuống núi, chị tiếp tục đưa độc giả đến những nơi vừa lạ vừa quen của Nha Trang. Đó có thể là con đường làng thú vị như đường Lương Định Của - thiên đường ăn vặt với nhiều hàng quán bán món ăn đặc trưng Nha Trang và các món từ nơi khác du nhập vào. Con đường đó bán cả món ăn thành phố như cơm, bún, phở ở đầu đường. Đi một đoạn, đến chợ Ngọc Hiệp tha hồ thưởng thức các món nhà quê như bánh căn, bánh xèo, bánh bèo, bánh hỏi… Hay bún cá Ninh Hòa, bánh canh, bún cá, sứa Nha Trang, đặc biệt là món lòng cá đặc trưng miền biển…

Bình minh biển Nha Trang
Bình minh biển Nha Trang

Ở Nha Trang, nếu thèm mì Quảng, không khó để tìm ra, nhưng là mì Quảng được “cải biên” theo khẩu vị người Nha Trang. Bún bò cũng vậy. Cái thú vị của ẩm thực Nha Trang có lẽ là đây. Thành phố dung nạp tất cả các món ăn của vùng miền khác, nhưng vẫn “nêm nếm” vào đó chút gì rất riêng của xứ biển mặn mòi.

Nha Trang nhiều chợ. Những cái chợ hiền hòa dung dị kiểu chợ Ngọc Hiệp hay chợ chiều Vĩnh Hội, Vĩnh Ngọc, hay làng Phú Vinh, Bình Cang… Khách du lịch chỉ quen với những ngôi chợ lớn tiếng tăm của Nha Trang. Ít ai biết rằng những cái chợ nho nhỏ kia mà tác giả nhắc đến, đều là những nơi bán đầy đủ sản vật tươi ngon, dù hơi quê mùa, nhưng nó chính là hình ảnh của một Nha Trang thu nhỏ.

Bãi biển luôn trong xanh

Dù tác giả đã dọn về Sài Gòn sinh sống, nhưng theo chân chị rong ruổi trong miền ký ức, trong nỗi nhớ thương về Nha Trang ta sẽ được chị chiêu đãi “những món ăn mang hồn quê xứ”: bánh bèo xoáy bé tí nhân ruốc tôm chan mỡ hành, món bánh tráng Quang Thạnh (Diên Khánh), bánh xèo Cửa Bé - nơi duy nhất đổ bánh xèo với su su mà ra cái bánh giòn ngon nhất hạng. Và nhất định sẽ nổi cơn thèm được theo chân chị ra Vĩnh Lương mua mớ phi lê cá mai về làm gỏi cá mai…

Một góc núi Cô Tiên khi chiều buông
Vịnh Nha Trang lúc hoàng hôn
Khu vực Bến Du thuyền bên Vịnh Nha Trang

Nha Trang đêm về

Hòn Chồng

Nguồn trích dẫn: Báo Thanh niên

Link bài gốc: https://thanhnien.vn/van-hoa/den-thanh-pho-tu-be-giang-nui-tim-nha-trang-mua-dep-nhat-1412315.html