Từ các tòa nhà cao tầng, những cây cầu vượt, hình ảnh Sài Gòn từ trên cao đem lại một góc nhìn khác lạ, đẹp lung linh huyền ảo qua ống kính của nhiếp ảnh gia Phúc Lê.
Sài Gòn từ trước đến nay vẫn luôn là đề tài khiến cho các nhiếp ảnh gia hay các nhà báo không biết đã tốn biết bao nhiêu cuộn phim, giấy mực để có thể gột tả được hết tất cả các khía cạnh của nó. Bởi lẽ Sài Gòn không đơn giản chỉ được gói gọn trong từ “hoa lệ” hay “tấp nập”, mà nơi này còn là một kính vạn hoa với muôn màu muôn sắc.
Nhiều nhiếp ảnh gia không chỉ khai thác vẻ đẹp của Sài Gòn ở dưới mặt đất, mà họ còn khám phá ra một Sài Gòn đặc biệt diệu kỳ qua góc ảnh từ trên cao. Khi ngắm nhìn những bức ảnh ấy, chúng ta càng thêm yêu thành phố này. Mặc dù đã trải qua bao năm tháng thăng trầm, Sài Gòn vẫn giữ cho mình được một vẻ đẹp vừa có chút cổ kính, vừa xen lẫn chút hiện đại, điểm xuyến thêm sự yêu thương của những người dân ở thành phố trẻ này. Để rồi dù có phải là con dân của Sài Gòn hay không, khi ghé qua đây họ cũng lưu luyến không rời.
Sài Gòn hơn 40 năm sau giải phóng đã thay da đổi thịt, hàng loạt những tòa nhà cao tầng mọc lên giữa thành phố hoa lệ. Nhiều tòa nhà cao tầng đã trở thành địa điểm ngắm Sài Gòn nhìn từ trên cao quen thuộc của người dân thành phố.
“Những năm tháng sống ở TP.HCM đã cho tôi thêm nhiều người bạn. Chúng tôi cùng nhau tìm thấy vẻ đẹp nhân văn của những con người giàu tình cảm, năng động, phóng khoáng đang sống, làm việc tại thành phố này. Chúng tôi thấy được những góc phố đẹp đã trở nên thân quen, cảm giác tự hào khi có được một góc nhìn toàn cảnh, thấy thành phố đang đổi thay và phát triển không ngừng” - Nhiếp ảnh gia Phúc Lê chia sẻ.
Tình yêu Sài Gòn cùng niềm đam mê chụp ảnh từ trên cao đã truyền cảm hứng cho tác giả thực hiện bộ ảnh với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Qua bộ ảnh, tác giả chia sẻ đến độc giả về một Sài Gòn năng động và hiện đại, với những công trình tiêu biểu.
Một góc cầu Phú Mỹ trong ánh bình minh. Đây là cầu dây văng hiện đại có 6 làn xe với chiều dài hơn 2.000 m, bắc qua sông Sài Gòn nối quận 2 và quận 7, quận 9 thuộc đường vành đai ngoài của thành phố.
Cầu Phú Mỹ giúp kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị Phú Mỹ Hưng, ngoài ra giúp việc lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn từ miền Bắc và miền Trung đi đồng bằng sông Cửu Long, qua địa phận TP HCM được rút ngắn. Với dáng vẻ uy nghi, cây cầu được xem là biểu tượng của thành phố năng động và là nơi thu hút các nhiếp ảnh gia.
Nhà thờ Đức Bà đang trùng tu và khu vực xung quanh lúc lên đèn. Nhà thờ 142 năm tuổi tọa lạc tại quận 1, do kiến trúc sư người Pháp Jules Bourard thiết kế, được xây dựng trong thời gian 1877 - 1879. Đến năm 1880, công trình chính thức khánh thành. Đây một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn, được khởi công trùng tu đầu năm 2018, đến nay một số hạng mục sửa chữa đã hoàn thành.
“Tôi thực hiện bộ ảnh này từ năm 2020 đến nay. Qua góc chụp từ trên cao, Sài Gòn mang vẻ đẹp riêng. Tôi thường lựa chọn góc chụp và canh thời tiết để có các tác phẩm đẹp về Sài Gòn. Sài Gòn lúc nắng lúc mưa, đẹp kỳ diệu trong bình minh, hoàng hôn và huyền ảo khi thành phố lên đèn. Nhịp sống thành phố năng động với những con người thân thương từ khắp nơi tập trung làm việc mang đến cho tôi tình yêu” – Nhiếp ảnh gia Phúc Lê trần tình.
Cùng Vietnambeauty chiêm ngưỡng thêm một vài bức ảnh đẹp của thành phố trẻ Sài Gòn qua ống kính của nhiếp ảnh gia 9x Phúc Lê.
Bài viết: Minh Tuệ
Nguồn ảnh: Instagram @phucle1204