Cách Đà Lạt khoảng 100 km, Bảo Lộc là thành phố thứ hai của Lâm Đồng và được mệnh danh là vương quốc trà bởi diện tích trồng lớn nhất tỉnh. Đây cũng là nơi có diện tích trồng trà lớn nhất tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ với thương hiệu trà B’lao.

Đến Bảo Lộc vào mùa nào cũng ngửi được hương thơm thoang thoảng của trà, một mùi hương đặc trưng đã gắn bó với người dân nơi đây gần một thế kỷ qua, không thể lẫn với bất kỳ nơi đâu. Vùng đất này có nghề kinh doanh trà thuộc loại sầm uất nhất nước, có những cánh đồng hút mắt với màu xanh của cây chè và bóng người dân cần mẫn cùng đôi tay thoăn thoắt hái chè tươi.

Mùa mưa trên đất Bảo Lộc kéo dài một cách kỳ lạ khiến buổi sớm mai thêm mờ mịt sương mù. Trời chưa sáng hẳn, từng tốp người đã kéo nhau ra những cánh đồng bát ngát cây chè. Không biết mỗi ngày có bao nhiêu người dầm sương, đội mưa, hứng nắng như thế trên những đồi chè. Ở Bảo Lộc, cuộc sống người dân chủ yếu gắn liền với cây chè.

Hầu như gia đình nào cũng có vườn chè, nhiều thì vài ba ha, ít cũng có mảnh vườn nhỏ. Cứ đôi ba ngày, họ lại hái chè tươi mang ra chợ bán. Những lúc không ra vườn nhà thì họ kéo nhau đi hái chè thuê trên những đồng chè của các trang trại lớn hoặc nhặt lá chè (phân loại lá, cành và búp chè) cho các đại lý thu mua.

Đi một quãng là ra đến các đồi chè, mỗi người được phát cho cái gùi để đựng lá chè rồi chia nhau ra các gốc chè. Những đôi tay thạo việc cứ thoăn thoắt lướt trên các ngọn cây, nhiệm vụ của họ là hái cho đúng một tôm hai lá (ngọn trà có đủ tiêu chuẩn hai lá và một đọt búp). Một điều đáng ngạc nhiên là nhân công hái chè thuê chỉ toàn nữ đủ mọi lứa tuổi, không hề thấy bóng dáng đàn ông.

Một chị hái chè cho biết: “Chẳng có gì lạ đâu, bọn đàn bà tụi tui không làm được việc nặng nên giao việc trông coi vườn chè, cà phê, cây ăn trái… ở nhà cho chồng, còn tụi tui thì tranh thủ đi hái chè thuê để kiếm tiền chợ vậy mà”. Mỗi ký lá chè tươi được chủ vườn trả công khoảng 3.000 đồng, có lúc cao hoặc thấp hơn tùy thời điểm, nhưng được cái công việc ổn định, ngày nào cũng có việc làm, không sợ thất nghiệp.

Trung bình mỗi ngày một người hái được từ 15 đến 30kg lá tươi, tùy vào sức khỏe cùng sự nhanh nhẹn của mỗi người. Tiền công được trả theo tuần. Hái hết đồi này thì kéo sang đồi khác, đường về khá xa nên ai cũng mang cơm theo ăn sáng, ăn trưa tại chỗ. Những bữa cơm diễn ra chóng vánh để còn tranh thủ làm tiếp.

Tuy nhiên, dù mưa hay nắng, không một người thợ hái chè nào nghĩ đến chuyện nghỉ tay dù chỉ trong chốc lát. Mấy ai biết được đằng sau hương vị ngạt ngào, ngây ngất của bao loại trà là những giọt mồ hôi mặn chát của những người phụ nữ chịu thương chịu khó, tần tảo mưu sinh, đời này nối tiếp đời kia.

Xứ Bảo Lộc trù phú và thơ mộng với những nương chè xanh bát ngát. Giữa những đồi chè, thỉnh thoảng lại bắt gặp những con suối chảy róc rách hoặc những thác nước tung bọt trắng xóa. Đến Bảo Lộc, nhìn chỗ nào cũng thấy chè: Từ những mảnh vườn chè bao la chạy tít tắp đến tận chân trời, chè bao bọc xung quanh nhà ở, ở trong sân nhà cho đến những bao bì rực rỡ ở tiệm bán trà.

Trà B’lao không có vị đắng như trà xứ Bắc mà có vị chát, ngọt hậu và rất thơm. Từ năm 1927, nhận thấy vùng đất này thích hợp với ngành công nghiệp trà, người Pháp đã đem cây trà đen bạch mao về trồng ở đây đánh dấu sự khởi đầu của cây trà xứ B’lao. Giờ đây mỗi danh trà gắn với một câu chuyện của một dòng họ ở xứ sở này.

Trước đây người ta ươm từ hạt giống của cây trà mẹ để tạo nên cây trà con, nhưng sau đó thấy ong thường lấy phấn từ cây nọ sang cây kia làm cho giống không thuần chủng, người ta nghĩ ra phương pháp nhân giống vô tính bằng cành vì dễ thực hiện và giữ được tính thuần chủng. Việc hái trà cũng phải đúng nguyên tắc, không hái non không hái già mới đủ độ ngon của trà. Lý tưởng nhất là hái trà có 1 búp trà và 2 lá non, lúc sương vừa tan cho đến giờ ngọ để bảo đảm vị trà có vị ngon nhất và hương thơm đậm đà nhất. Búp trà là sản phẩm cuối cùng của quá trình trồng trọt nhưng là khởi đầu của quá trình chế biến nên việc chế biến cũng rất công phu với những bí quyết riêng.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Nguyễn Hiệp