Là con đường mòn nối liền hai huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu và huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, con đường đá cổ Pavi là điểm khám phá mới mẻ và có sự mê hoặc đối với du khách ham mê trekking.

Sinh sống và làm việc tại thành phố Sa Pa, những ngày covid làm gián đoạn mọi kế hoạch, chàng nhiếp ảnh gia 2k Nguyễn Tiến Đạt đã có dịp chinh phục con đường đá cổ Pavi gần 100 tuổi cùng bạn bè, mà theo anh đó là chuyến đi để chuyển hóa tâm hồn.

"Kỳ lạ thay, quãng thời gian vừa qua, khi Covid hoành hành làm điêu đứng, hoang mang, bất lực cho biết bao người, đặc biệt là những người trong ngành du lịch. Thì với tôi, khi nhìn lại chặng đường vừa qua, tôi có thể cười thật tươi và thầm biết ơn tất cả những xáo trộn, những thử thách ấy. Vì chính thời gian này, những chuyển biến lớn chưa từng có đã xảy ra bên trong. Điều đã thay đổi hoàn toàn cách tôi cảm nhận cuộc sống, cách tôi làm việc và cách tôi lựa chọn đâu là con đường mình sẽ đi." Tiến Đạt tâm sự.

Chàng nhiếp ảnh Nguyễn Tiến Đạt, sinh năm 2000, người mang vẻ đẹp của con đường đá cổ giới thiệu đến mọi người.

"Một chuyến đi có ý nghĩa rất nhiều trong sự chuyển hóa ấy, không chỉ có thiên nhiên đâu mà chính hành trình là quá trình để khám phá chính mình. Khám phá những gì tươi đẹp ẩn chứa thật sâu bên trong mà đã rất rất... rất lâu ta bị mù mờ.", Tiến Đạt chia sẻ thêm.

 

Cùng Vietnam Beauty khám con con đường đá cổ gần 100 năm qua góc máy của nhiếp ảnh gia Tiến Đạt nhé.

 

Với dân phượt đam mê trekking, con đường đá cổ Pavi giờ đây đã trở thành điểm cần chinh phục mỗi khi đến với Tây Bắc. Đến nay, con đường này đã tròn 100 năm tuổi tính từ ngày khởi công.

 

 

Con đường đá cổ Pavi được khởi công xây dựng năm 1920 và khánh thành năm 1927 với những hòn đá cuội và những tảng đá lớn được xếp thành con đường từ những bàn tay của người dân các bản làng dưới chân núi Nhìu Cồ San.

 

 

 

Việc xây dựng con đường này được làm hoàn toàn bằng thủ công bởi bàn tay của những người dân bản địa. Tổng chiều dài của con đường khoảng 80 km, là con đường nối 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai nhằm vận chuyển thảo quả, khoáng sản và các loại hàng hóa khác.

 

Con đường xuyên qua cánh rừng nguyên sinh, rừng thảo quả và các dãy núi cao vút vùng Tây Bắc, đường đẹp và không quá dốc, ngựa thồ có thể đi lại được. Người Pháp còn xây cả một sân bay trên vùng bình nguyên rộng lớn gần bản Nhiu Cồ San để tập kết – vận chuyển hàng hóa.

Con đường đá cổ xưa đã được ví như huyết mạch giao thông và được lấy theo tên nhà Công Xứ người Pháp Pavie. Đây là con đường vắt qua dãy Nhìu Cồ San kỳ vĩ (núi Sừng Trâu) để nối liền xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát (Lào Cai) với xã Sin Suối Hồ của huyện Phong Thổ (Lai Châu).

Để hình thành nên con đường này, gần 5 vạn đồng bào người Mông, Dao đã đổ mồ hôi và cả sinh mạng trong 5 năm để hoàn thành 80km đường mòn trải đá. Với sự phát triển của đường sá hiện đại nối liền 2 tỉnh Lào Cai - Lai Châu thông qua đèo Ô Quy Hồ, con đường dần bị lãng quên và bỏ lại giữa rừng sâu, nhưng khoảng 30km đường đá vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, chỉ còn khoảng 17km gần như nguyên vẹn sau 100 năm. Con đường đá như ngủ quên giữa cánh rừng đại ngàn, với bao trầm tích lịch sử, văn hóa. Trên đường khám phá, chúng ta bắt gặp bản làng của đồng bào, được đi qua rừng nguyên sinh hay rừng trúc thơ mộng hay những thác nước như miền cổ tích...

 

Con đường đá cổ Pavi luôn có sức hút đặc biệt với khách du lịch ưa thích mạo hiểm. Khám phá cung đường này thường là những người yêu thích môn thể thao leo núi, trekking và chạy bộ.

 

Để chinh phục con đường đá cổ Pavi, du khách sẽ bắt đầu trekking từ bản Sàng Ma Pho, xuyên qua khu rừng còn khá hoang sơ nơi con đường Pavi còn được lưu giữ nhiều nhất. Ven đường vẫn còn dấu vết vài ngôi mộ của những người đã tham gia xây dựng con đường. Con đường đá phủ đầy rêu phong, chạy ngoằn nghoèo xuyên rừng cuối cùng sẽ đưa chân trekker tới sân bay cũ của người Pháp dưới chân núi Nhìu Cồ San, cũng là điểm cuối của hành trình di sản này.

Chinh phục đường Pavi khá nhàn, nhưng lại có nhiều trải nghiệm đẹp với những góc nhìn từ trên cao xuống ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc, cảm nhận sức mạnh của con người trên còn đường đá rêu phong trong khu rừng ma mị, và ngắm gia đình núi Nhìu Cồ San sừng sững chắn mây.

Chắc chắn nơi đây sẽ là địa điểm không thể tuyệt vời hơn cho những người yêu thiên nhiên, ưa khám phá. Nếu bạn muốn thử cảm giác một lần trong đời đi ngược về quá khứ, bạn có thể lựa chọn hành trình 2 ngày 3 đêm để với con đường đá cổ Pavi.

Ảnh: Nguyễn Tiến Đạt