Trước kia, người ta biết đến Điệp Sơn với hòn Bịp, nơi có con đường đi bộ trên biển dài 800m tuyệt đẹp. Tuy nhiên, từ khi con đường 800 bị đánh vỡ, nơi đây thưa thớt dần khách đến tham quan. Mọi người đến nơi đây chờ đợi rồi trở về trong thất vọng, ít ai biết được, cách họ rất gần, hòn Ó (Đảo Phật Nằm) còn có rất nhiều bất ngờ thú vị đang chờ đợi.

Với lợi thế về thiên nhiên ưu đãi, hòn Bịp chính là nơi khai thác du lịch đầu tiên ở đảo Điệp Sơn, thu hút rất nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm trên con đường đi bộ dài 800m trên biển. Tuy nhiên, trong trận Bão con Voi (ngày 4 tháng 11 năm 2017), con đường tuyệt đẹp ấy bị đánh vỡ đã khiến cho rất nhiều người phải tiếc nuối ngẩn ngơ.

Đảo Phật Nằm (tên gọi khác là Hòn Ó, Hòn Đuốc) là một đảo nhỏ thuộc cụm đảo Điệp Sơn thuộc Xã Vạn Thắng, Huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà.

Tương tự cách đi ra hòn Bịp của cụm đảo Điệp Sơn, chúng ta sẽ bắt thuyền hoặc ca-nô từ bến cảng Vạn Giã để ra đảo. Nếu đi theo nhóm, các bạn có thể chủ động thỏa thuận thời gian đi và về với ông chủ, ông chủ rất vui vẻ và nhiệt tình. Giá vé khoảng 200 ngàn/1 khách (khứ hồi).

Chúng tôi đã cố gắng nán lại đến quá 12h trưa chờ thủy triều rút bớt, với chút hy vọng nhỏ nhoi là con đường ấy sẽ lộ diện. Tuy nhiên, mọi sự chờ đợi đều vô vọng, chúng ta không có cách nào đi bộ từ hòn Bịp qua hòn Ó mà không để ướt người cả. Vì không muốn trở về trong nỗi thất vọng, chúng tôi liều thuê một chiếc mô-tô nước của người dân trên đảo để di chuyển qua hòn Ó, mong muốn trải nghiệm con đường thứ hai may mắn vẫn còn nguyên vẹn.
Hòn Ó (ngoài cùng bên tay trái) hay còn gọi là đảo Phật Nằm vì nhìn từ xa, hình dáng hòn đảo khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh một vị phật đang nằm yên giấc giữa một vùng biển trong xanh, mát mẻ. Nơi đây mới được đưa vào khai thác du lịch trong một hai năm gần đây dưới sự cải tạo của cô Dung và chú Đại Anh, tôi hay gọi đùa họ là chúa đảo.

Ấn tượng đầu tiên của tôi với hòn đảo này là sự sạch sẽ. Để có được điều đó là sự cố gắng rất nhiều từ những người miệt mài, ngày đêm gieo vào đây những giọt mồ hôi tâm huyết và những giấc mơ đẹp.

Trước đây, đảo Phật Nằm vốn là hòn đảo bỏ hoang ngập tràn trong rác rưới. Đó là rác từ đại dương tấp vào, rác từ đất liền người ta xả thải trôi dạt ra đảo. Thậm chí, hòn đảo còn không có cầu tàu để neo đậu các phương tiện giao thông đường thủy. Để có được diện mạo ngày hôm nay, hai chúa đảo đã phải bỏ công sức và tiền bạc của bản thân dọn dẹp hơn 4 năm ròng để trả lại vẻ đẹp hoang sơ vốn có của nó. Và giờ đây, hòn đảo không những sạch sẽ mà còn được điểm tô thêm rất nhiều bông hoa xinh xắn và lãng mạn.

Tôi cảm thấy mình có duyên với hòn đảo này. Tôi đến với nó hoàn toàn tình cờ, sau những quyết định vội vã vào phút chót, hủy chuyến về đất liền cuối cùng từ hòn Bịp vào lúc 12h30 vì cảm giác hụt hẫng và không cam tâm đi về trong sự tiếc nuối.

Đảo Phật Nằm đã đón lấy chúng tôi và cho chúng tôi quá nhiều những điều thú vị không thể nào quên được.

Chúng tôi ghé thăm đảo Phật Nằm từ hòn Bịp, sau khi chờ con đường đi bộ mãi không thành. Việc di chuyển trên biển bằng chiếc mô-tô nước thực sự là quyết định mạo hiểm khi trên người chúng tôi mang theo rất nhiều máy móc, thiết bị ghi hình. Sự liều lĩnh này mang lại một cảm giác khó tả, vừa lo lắng hồi hộp xen lẫn chút thích thú khi chiếc mô-tô lướt đi trên những đợt sóng của biển.
Sau khi trải qua cảm giác lo lắng và sợ hãi khi cưỡi trên lưng chiếc mô-tô nước, chúng tôi cũng đặt chân mình lên hòn Quạ. Bước chân xuống rặng san hô dần hiện rõ lên khỏi mặt nước khi thủy triều bắt đầu rút cạn, hòn đảo đón chúng tôi bằng cái nắng chói chang của biển đảo. Chúng tôi không thể biết được, cách chúng tôi không xa, quá nhiều những điều bất ngờ thú vị đang chờ đón, khiến chuyến đi này trở nên vô cùng ý nghĩa.

Đầu tiên là được tiếp xúc với những người tử tế, họ yêu thiên nhiên tha thiết. Họ đặt tránh nhiệm giữ gìn và tôn tạo vẻ đẹp của thiên nhiên cao hơn lợi nhuận. Và cũng chính họ, từ lời nói đến việc làm, đã trở thành một vẻ đẹp cộng thêm cho hòn đảo, đã chiếm trọn tình yêu thương của du khách khi đặt chân đến nơi này.

Qua trò chuyện, tôi nhận thấy những khao khát luôn hừng hừng cháy trong đôi mắt, trong giọng nói mỗi khi bà chúa đảo tâm sự về đứa con cưng của mình. Với một nguồn năng lượng mạnh mẽ, chị Dung kể cho tôi nghe về những gì mình đã làm và vẽ thêm chiếc áo mới sẽ khoác lên hòn đảo này trong thời gian rất gần.

Những chòi nghỉ mát qaunh đảo được xây dựng chủ yếu bằng chất liệu từ thiên nhiên như tre, gỗ, lá dừa, lá cọ…. Việc hạn chế tối đa sự xuất hiện của bê tông cốt thép mang đến cho chúng ta một cảm giác thân thiện và gần gũi với môi trường.

Khắp nơi trên hòn đảo nhỏ, dọc theo những lối đi đều phủ kín những giàn hoa giấy sặc sỡ sắc màu. Cô Dung còn khéo léo cắt tỉa, tạo ra những hình thù sinh động, thú vị để khách du lịch có thể tìm được những bức ảnh ưng ý nhất.

Chị Dung đã thổi hồn mình vào hòn đảo nhỏ, mang đến cho nó một diện mạo hoàn toàn mới, mang cả cái hào phóng và nghĩa tình của người Sài Gòn đến vùng đất xa xôi này, gửi chúng vào những thùng nước suối miễn phí mà chị đặt dọc theo hòn đảo xinh đẹp của mình.

Bằng giọng điệu hào sảng của người phụ nữ nam Bộ, chị nói: “Chị không thèm bán một chai nước suối 10 ngàn đồng để mọi người uống xong lại xả rác xuống biển, xuống đảo. Nó sẽ hủy hoại môi trường, nơi chị đã dành rất nhiều năm để dọn dẹp và gầy dựng. Điều chị mong muốn là thứ khác, biến nơi đây thành một thiên đường nghỉ dưỡng của Việt Nam, thu hút các nhà đầu tư lớn với vốn hơn 1000 tỉ chứ không phải vài trăm hay vài triệu. Nhưng muốn hợp tác với chị thì phải đảm bảo giữ nguyên hiện trạng của đảo này, chỉ được xây dựng dưới chân đảo chứ không phá núi hoặc cắt đất bán. Chúng ta phải để lại cho con cháu của mình những điều tốt đẹp nhất chứ không phải là rác và sự tàn phá…”

Hoặc “chị sẽ biến nơi này thành một hòn đảo ngập tràn hoa, rồi em sẽ thấy, chị đang cho trồng hoa quanh đảo, chị sẽ kết hoa thành hình trái tim, sẽ có các dịch vụ như câu cá, lướt sóng, lặn san hô, câu mực… trong tương lai.”

Đứng giữa khu du lịch nhưng tôi ngỡ mình đang lạc vào một làng chài nho nhỏ của ngư dân trên biển đảo. Khung cảnh quá đỗi bình yên, giản dị và đầy thơ mộng. Chính khung cảnh ấy làm cho người ta cảm thấy gần gũi, dễ kết nối cùng nhau hơn. Những câu chuyện cũng cứ thế mà tự nhiên tuôn ra, dịu êm, ngọt ngào như sóng biển, mang những vị khách và vị chủ nhà hòa thành một, say sưa, đậm đà hương vị của biển cả.

Hòn đảo này sẽ đổi khác, sẽ xinh đẹp và quyến rũ hơn nếu những giấc mơ của bà chúa đảo được hoàn thành. Có thể, tôi lại quay trở về đây để thưởng thức nó khi mọi thứ hoàn thiện. Nhưng đó là chuyện của tương lai, một hai năm nữa, còn hiện tại, với những gì hòn đảo đang hiện có, tôi đã cảm thấy yêu thương, nhớ nhung rất nhiều rồi.

Có một con đường thủy đạo chừng 400m nổi lên trên mặt biển, nối liền hòn Quạ và hòn Ó. Ở đó, người ta tinh tế khi để hai chiếc ghế hướng về hai hướng khác nhau như mong muốn cho du khách nhìn ngắm hết hai thời khắc đẹp nhất của thiên nhiên tại cùng một địa điểm.

Có một hòn đảo sạch sẽ với nước biển trong xanh tận đáy, khi thủy triều hạ xuống, đáy biển lộ ra những sản vật quý giá của mình. Đó là vô vàn tôm, cá, ốc và nhiều nhất là san hô màu sắc sặc sỡ cùng những hình thù thú vị. Chúng tạo nên một bức tranh đặc trưng mang hơi thở của đại dương mênh mông.

Chị Dung, một trong hai người đã đến đây và gieo trồng xuống mảnh đất này những hạt giống yêu thương. Giúp cho hòn đảo ngày càng trở nên xinh đẹp và tràn đầy sức sống.

Có những dãy hoa tươi tốt được trồng và chăm sóc một cách tỉ mỉ bằng tâm huyết của những người khai hoang ra vùng đất này. Họ đã rời bỏ gia đình, rời Sài Gòn hoa lệ để đến với thiên nhiên biển đảo nơi đây khi có cùng những giấc mơ tươi đẹp.

Đặc biệt, nơi đây có một con đường độc nhất Đông Nam Á, con đường của thánh Moses đi thẳng ra biển. Con đường này giúp ngăn cách hai dòng hải lưu nóng và lạnh ra hai bên. Một bên nhìn vào đất liền nước biển thật ấm áp do sự sưởi ấm của ánh mặt trời. Một bên nhìn ra ngoài khơi là vùng nước mát lạnh của đại dương đã tạo thành một hiện tượng lạ, thú vị, có một không hai cho địa danh này.

Ngoài ra, các bạn có thể qua đêm trên đảo bằng cách thuê một căn “bungalow” đầy đủ tiện nghi với mức giá tầm 700 đến 800 ngàn cho từ 3 đến 4 người. Để rồi, cùng trải nghiệm cuộc sống về đêm của người dân trên đảo; cùng lắng nghe bản nhạc nước rì rào và tiếng gió biển nhè nhẹ, du dương giữa mênh mông sóng vỗ; cùng ngồi thưởng thức bữa tối dưới ánh đèn nê-ông với những món ăn được chế biến từ hải sản tươi ngon vừa đánh bắt được; cùng trò chuyện say mê với hai vị chúa đảo, những câu chuyện miên man không hồi kết sẽ cho bạn một đêm tuyệt vời không thể quên được.

Các bạn cũng có thể thức sớm để ngắm nhìn bình minh trên biển, khi ông mặt trời thức giấc rồi nhô dần từ làn nước trong xanh sẽ phản chiếu những tia nắng ấm áp đầu tiên lên mặt biển, tạo thành những vệt sáng lấp lánh trên đại dương bao la cùng một màu ráng hồng rực rỡ nơi chân trời.

Các bạn có thể thử tham gia lướt mô-tô nước, chèo thuyền cajak, lặn san hô, ăn hải sản, tắm biển thỏa thích…

Có quá nhiều điều thú vị đang chờ bạn thực hiện ở hòn đảo này.

Riêng tôi, tôi thích sự nhiệt tình của hai chúa đảo, cách họ làm du lịch cho tôi cảm thấy sự gần gũi, tự nhiên, thoải mái, khiến tôi lưu luyến và muốn quay lại nhiều lần. Không biết sau này khi đông khách hơn, nơi này biến thành thiên đường nghỉ dưỡng triệu đô thì họ còn đủ sức chăm chút từng vị khách của mình, còn giữ được sự nhiệt tình, hoà nhã như vậy được nữa không? Chỉ biết hiện tại mọi thứ thật là đẹp từ cảnh đến con người.

Bùi Văn Hải