Có rất nhiều niềm vui, nỗi buồn, cảnh vật xấu đẹp, loài người tốt xấu hay thật giả. Những hôm tròn giấc hay phải thức canh giữ đến nửa đêm. Rồi được nghe về lịch sử thuở khai sinh, những ngày đau thương, ngày ổn định của một vùng đất. Mình cũng học được thêm nhiều điều, thấy được nhiều thứ… – Đó là chia sẻ của Lê Long Hải (SN 1990, quê Đắk Lắk) sau chuyến đạp xe xuyên Việt 60 ngày vượt 4.723km.

Lê Long Hải (SN 1990, Đắk Lắk) hiện đang kinh doanh tự do và sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh cùng gia đình nhỏ của anh.

“Tuổi trẻ giống như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm vẫn muốn quay lại để được ướt mưa thêm một lần nữa

Chào anh Lê Long Hải! Cảm ơn anh đã nhận lời chia sẻ cùng bạn đọc của Vietnambeauty về hành trình đầy cảm hứng vừa qua. Xuyên Việt bằng xe đạp, chỉ nghe thôi đã đủ thấy gian nan, vất vả rồi. Không biết lý do nào anh lại lựa chọn thực hiện điều này ạ?

Hồ Gươm - Hà Nội

Mình đến với xe đạp cách đây 5 năm, ban đầu mình thường đạp xe mỗi sáng như một cách tập thể dục, nếu phải di chuyển trong thành phố mà thời gian không quá gấp thì mình sẽ đi xe đạp thay vì xe máy. Sau khi đạp xe một thời gian và quen nhiều anh em có cùng đam mê trong hội xe đạp, bọn mình thường rủ nhau đạp các điểm gần TP. HCM như Cần Giờ, Vũng Tàu, Long Hải…

Hòn Khô- Quy Nhơn nơi có san hô đẹp nhất được xem dọc hành trình.

Đạp xe cũng tương tự như việc leo núi vậy, nếu bạn chỉ tập leo núi trong nhà mãi thì sẽ rất chán, phải đi chinh phục những ngọn núi thật đầy thử thách và tuyệt đẹp bên ngoài mới đã. Những chuyến đi đạp xe dài hơn khiến mình khỏe hơn, gặp gỡ được nhiều người thú vị và ngắm nhìn được nhiều cảnh đẹp bên đường với một tốc độ vừa phải. Mỗi khi có thời gian thư thả để đi xa, mình sẽ đạp cung Sài Gòn – Đà Lạt – Nha Trang, Sài Gòn – Huế - Hà Nội. Hồi năm 2019, mình thu xếp được thời gian để đạp xe được khoảng 1.500km từ Đà Lạt đến Hà Nội, đó là hành trình đáng nhớ khiến mình ấp ủ một chuyến đi xa hơn và lâu hơn để vượt qua giới hạn của bản thân và hiểu thêm về văn hóa, các danh lam thắng cảnh Việt Nam.

Thác Bản Giốc

Để thực hiện hành trình 60 ngày với hơn 4.000km là điều không phải ai cũng có thể làm được, vậy anh đã chuẩn bị điều ấy như thế nào?

Thật tuyệt vời khi nhìn lại con đường mình vừa đi qua

Do đã có sẵn một ít hiểu biết về xe đạp từ trước nên mình không cần chuẩn bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng. Chủ yếu là mình gắn thêm một số phụ kiện vào xe để tải đồ, chuẩn bị các vật dụng cần thiết (lều bạt, dụng cụ sửa xe, phụ tùng thay thế, bếp nấu ăn ngoài trời…) để mang theo. Mình vẫn tập thể dục mỗi ngày nhưng trước khi đi khoảng 2 tháng thì mình tích cực luyện tập hơn, ngoài các bài tập tại nhà, cuối tuần mình thường đạp xe qua lại các cây cầu cao, đạp từ TP. HCM đi Vũng Tàu và quay về trong ngày để tăng sức bền.

Khúc cua cùi chỏ - đèo Hải Vân

Để đi những chuyến dài ngày bằng xe đạp, các bạn sẽ phải chuẩn bị chiếc xe phù hợp, mình chọn sử dụng xe đạp touring vì xe chịu tải tốt, có thể chở theo nhiều đồ đạc cần cho chuyến đi, đi chuyển linh hoạt được trên nhiều địa hình. Bên cạnh đó, các kỹ năng như cách tự sửa xe, xử lý những hỏng hóc đơn giản như vá xe; kỹ thuật đạp khi leo dốc, đổ đèo, đi trên đường bằng phẳng… cũng giúp đỡ tốn sức, hạn chế chấn thương. Ngoài ra, các kỹ năng về cắm trại và sinh tồn… cũng rất cần thiết, có nó thì bạn sẽ tự tin đạp xe hơn nhiều, bạn có thể ăn ngủ tại bất kỳ đâu, ngủ giữa thiên nhiên cảm giác đã hơn ngủ nhà nghỉ, khách sạn nhiều.

Thác dưới chân đèo

Chắc chắn đây là chuyến đi vô cùng gian nan và thử thách nhưng cũng sẽ thật nhiều kỉ niệm đáng nhớ, anh có thể kể lại một vài những khó khăn mình đã gặp phải và làm cách nào để anh có thể vượt qua điều ấy?

Đường ven núi xuyên rừng đi từ Thị trấn Thông Nông - Ngọc Động (Cao Bằng), quãng đường khó đi nhất.

Vì chọn đi một mình nên trên đường mình cũng gặp khá nhiều vấn đề phải tự xử lý, ví dụ như hư xe, ráng đạp quá nên bị lỡ đường phải cắm trại ở địa điểm không phù hợp, lâu lâu mình cũng gặp phải hàng quán “chặt chém”… với kỹ năng vốn có thì những vấn đề này mình không ngại, cứ tùy cơ mà ứng biến thôi. Thời tiết cũng là thứ vô cùng khó chịu và ảnh hưởng lớn đến thời gian di chuyển, nắng nóng thì dễ đối phó hơn mưa và giông gió.

Đèo Mẻ Pia (Cao Bằng)

Mình nghĩ điều khó nhất đó chính là giữ vững tinh thần, có những ngày thức dậy với tâm trạng bị “tuột mood”, mình thường vừa chạy vừa hát một lúc để lấy lại tinh thần, cũng có lần mình chọn ngồi im như thế và chả làm gì cả, cứ để những suy nghĩ buồn vui trong đầu lần lượt trôi qua vậy thôi. Mình nghĩ “tạm dừng” một chút, cho phép bản thân nghỉ ngơi một chút chính là bước đầu tiên cần làm trước khi giải quyết bất kỳ khó khăn nào.

Nhỏ bé giữa thiên nhiên

Mọi người sẽ rất thắc mắc về lịch trình di chuyển của anh để có một chuyến đi trọn vẹn, anh hãy chia sẻ một chút về nó và với anh nơi nào để lại ấn tượng nhiều nhất?

Vẽ tranh ở làng Bích Hoạ Tam Thanh
Câu cá ngừ ở Tam Thanh

Mình bắt đầu xuất phát vào ngày 11/6/2022 ở cầu Bình Triệu - Sài Gòn. Mới đầu chỉ dự định đi ziczac lên các tỉnh Tây Nguyên rồi bọc biển đi thẳng đến Trà Cổ (Quảng Ninh), sau đó sẽ bọc đường biên giới lên Lũng Cú (Hà Giang) rồi đi Sapa (Lào Cai). Tiếc là gần cuối hành trình, khi mình đến Đồng Văn - Hà Giang thì thời tiết tệ quá nên mình không đi sang Sapa được như kế hoạch.

Công viên Thủy Tiên- Huế
Nón lá và combo chống nắng miền Trung

Mình đi qua khoảng 30 tỉnh thành, mỗi nơi mình đi qua đều những có nét đẹp riêng, có những kỷ niệm đáng nhớ. Cá nhân mình thích nhất vẻ đẹp cổ kính và trầm mặc ở Huế. Nếu được nhận xét về đoạn đường nào đi xe đạp sướng nhất thì đó là “con đường hạnh phúc” ở Hà Giang. Dù Hà Giang là chặng đường thử thách thể lực nhất nhưng phong cảnh tuyệt đẹp, mình được đạp xe giữa núi đồi hùng vĩ, lâu lâu lại có một đám mây sà vào mặt, lúc đó thấy bản thân mình thật bé nhỏ giữa thiên nhiên. Cảm giác đã lắm, rất khó kể lại, tả lại vẻ đẹp trên đường đi do mọi thứ biến ảo không ngừng, có những vẻ đẹp trôi qua trong khoảnh khắc. Đạp xe tốc độ chậm giúp mình quan sát mọi thứ tỉ mỉ hơn, những ngôi nhà đơn sơ, hoa cỏ, sương sớm, nắng mưa… bên đường đều làm mình rung động vì quá đẹp, có nhiều lúc cảnh đẹp đến ngừng thở luôn.

Hẻm núi Tu Sản
Sông Nho Quế

Được đi qua nhiều nơi trải dài khắp dải đất hình chữ S thân thương, ngoài cảnh đẹp mê đắm lòng người thì chắc chắn ẩm thực cũng là điều thật sự thú vị để trải nghiệm.  Anh hãy chia sẻ một chút về các món ăn ở những địa phương mình vừa đi qua nhé!

Hư xe là chuyện bình thường

Thú thật mình không có điều kiện để ăn quá nhiều món sơn hào hải vị, mình chỉ hay ăn những món bình dân, món ăn đặc trưng của các địa phương thôi. Mình thấy ở miền Trung đồ ăn rất ngon và rẻ. Bánh xèo miền Trung chắc phải thuộc loại rẻ nhất Việt Nam, ở Phú Yên, bánh xèo chỉ có 3 ngàn đồng/cái mà lại cực ngon. Bình Định thì có món bún sứa hấp dẫn và hải sản cực kỳ tươi ngon. Ở làng bích hoạ Tam Thanh mình được ăn món xương rồng khá lạ miệng, mùi vị đăng đắng như trái khổ qua nhưng dịu và thanh hơn. Theo khẩu vị của mình thì phở ở Hà Nội là ngon nhất.

Đi thăm làng nghề làm trầm ở Huế

Mình đến Tây Bắc vào dịp rằm tháng 7, đúng vào Tết Pây Tai (nghĩa là về ngoại) của người Tày. Đây là được xem là ngày Tết quan trọng thứ ba trong trong văn hóa đồng bào Tày, sau Tết Nguyên Đán và Rằm tháng Giêng. Trong dịp Tết tháng 7, người Tày sẽ gói bánh, làm mâm cúng từ thịt vịt để tưởng nhớ tổ tiên, cầu mùa màng thuận lợi, mưa thuận gió hòa. Các cô gái đã lấy chồng sẽ cùng chồng về nhà thăm cha mẹ nhà ngoại, họ thường mang theo cặp vịt béo, rượu ngon về biếu nhà bố mẹ vợ. Các cô gái sẽ gói bánh gai, nấu xôi, làm các món ngon từ thịt vịt cho cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo. Người Tày có câu “Tết tháng giêng ăn thịt gà, Tết tháng bảy ăn thịt vịt”, vậy nên những ngày ở Cao Bằng và Hà Giang, mình được uống rượu ngô và ăn rất nhiều món ngon như vịt luộc, vịt nướng, vịt quay lá mắc mật.

Đá voi cha - Lak (Đắk Lắk)

Một chuyến đi dài sẽ mang lại cho chúng ta thật nhiều trải nghiệm quý giá, đặc biệt là hành trình xuyên Việt độc đáo của anh chắc chắn sẽ có nhiều điều hay để học hỏi về cả kĩ năng sinh tồn lẫn sức mạnh về ý chí. Anh có thể chia sẻ thêm về những điều này để truyền cảm hứng lại cho những bạn trẻ có chung đam mê "xê dịch".

Hòn Khô- Quy Nhơn nơi có san hô đẹp nhất được xem dọc hành trình

Mình thấy những chuyến đi làm mình thay đổi và trưởng thành hơn rất nhiều, mình học được thêm nhiều kỹ năng, thấu hiểu bản thân mình hơn, sống đơn giản hơn. Trên đường đạp xe có những lúc rất cô đơn, mình thử bay flycam để xem địa hình xung quanh thì chỉ thấy toàn núi đồi, trong khoảng 10 km không thấy một bóng người hay ngôi nhà nào cả. Chính trong những lúc cô đơn đó, mình hiểu rõ hơn về bản thân, những suy nghĩ ngày thường rối như mớ bòng bong tự nhiên được tháo gỡ rõ ràng.

Địa đầu tổ quốc Trà Cổ - Quảng Ninh

Những chuyến đi cũng giúp mình kết nối được với rất nhiều người, học hỏi được rất nhiều điều từ các anh chị đi trước, mình có thêm những kinh nghiệm sống. Tuổi trẻ mà, có gì đâu mà sợ? Có những điều chỉ làm được khi mình còn trẻ. Mấy điểm đến được chấm trên bản đồ kia coi xa vậy thôi chứ đi rồi sẽ đến, đoạn xa và khó nhất chỉ từ cái giường đến con xe của mình thôi.

Mỗi khi cô đơn quá mình hay dừng lại một chút để thấy những buồn vui trong đời thật đẹp.

May mắn được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người trong suốt hành trình, không biết anh có cảm nhận như thế nào về đất nước và con người Việt Nam mình?

Một góc chùa Thiên Mụ ở Huế

Thiên nhiên Việt Nam mình vô cùng đa dạng, biển, hồ, sông, núi... cảnh vật gì cũng có và cũng đẹp. Văn hóa Việt Nam rất đặc sắc, mỗi dân tộc có phong tục tập quán riêng nhưng nhìn chung người Việt Nam ở đâu cũng mến khách và chan hoà. Đi du lịch ở Việt Nam rất an toàn, chi phí hợp lý, nếu các bạn đến Việt Nam du lịch và có nhiều thời gian, bạn có thể thử di chuyển bằng xe đạp giống mình. Đi xe đạp không nhanh nhưng tốc độ vừa phải để các bạn có thể nhìn ngắm và cảm nhận rõ ràng được mọi thứ trên đường. Lưu ý là đi 100 ngày thì sẽ càng tuyệt hơn.

"NHỮNG CÁI “NHẤT” SAU CHUYẾN ĐI

Nơi ở lâu nhất và nhiều kỷ niệm nhất: Làng bích hoạ Tam Thanh (10 ngày).

Nơi cảm thấy sướng nhất: Trà Cổ - Quảng Ninh.

Nơi tốn tiền nhất: Đèo Dran - Đà Lạt (6.000.000đ)

Nơi đẹp nhất: Hà Giang

Đoạn đường khó đi nhất: Xuyên rừng từ thị trấn Thông Nông đến Ngọc Động (Cao Bằng)

Đèo leo sướng nhất: Mã Pí Lèng

Thác ấn tượng nhất: Thác Bản Giốc

Nơi say nhiều nhất: Hà Nội

Nơi nóng nhất: Quảng Trị

Nơi ngủ nhiều nhất: Bãi biển.

Bãi biển khó ngủ nhất: Biển Cửa Lò

Đĩa cơm đắc nhất: 400.000đ

Thủng lốp 8 lần, thay săm 1 lần, đứt sên 2 lần.

Ngủ nhà nghỉ: 5 lần tốn 670.000đ

Không đếm được đã đi qua bao nhiêu đèo dốc, dốc khủng nhất 22%.

Hack xe máy 1 lần 180km, đi vào Trùng Khánh, thác Bản Giốc." - chia sẻ của anh Lê Long Hải sau chuyến đi.

Ngôi nhà nhỏ bên Lưng đồi.
Ngôi nhà nhỏ trong thung ở Mèo Vạc.
Suối nằm trong thác, lá nằm trên thung (con suối nhỏ trên đèo Mả Phỉ lèng).
Ruộng lúa miền Trung

Cảm ơn anh Lê Long Hải! Chúc anh thật nhiều sức khỏe để có thêm những chuyến đi thật thú vị và ý nghĩa trong tương lai!

 Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Lê Long Hải