Lễ thả đèn nước hay còn gọi Loy-Pro-Tip là một trong những hoạt động không thể thiếu trong Lễ hội Ooc Om Boc và Đua ghe Ngo. Người dân Khmer tổ chức thả đèn nước dưới lòng sông để cúng dấu chân còn lưu lại của Đức Phật trên sông “Na Mi Thi” hoặc làm mô hình tháp “Mô La Mu Ni” nơi cất giữ búi tóc của Phật Thích Ca trên thượng giới.

Hội thi Loy-Pro-Tip (thả đèn nước) và phục dựng ghe Cà Hâu đã diễn ra trên đoạn sông Maspéro từ giữa cầu C247 (cầu quay) và cầu 30-4 (cầu cao) khu vực trung tâm TP. Sóc Trăng.

Thả đèn nước là họat động lễ hội văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ có xuất xứ từ đạo Phật. Lễ hội thả đèn nước bắt đầu bằng việc rước những chiếc đèn vòng quanh xóm ấp, trong tiếng trống sadăm rộn rã. Những chiếc đèn nước được mô phỏng theo kiến trúc ngôi chánh điện hoặc hình dáng ngọn tháp để kinh thư trong chùa.

Sau khi có bản phác thảo, người thợ bắt đầu làm phần khung đèn, có thể bằng gỗ hoặc kim loại, phần khung này tạo nên hình dáng, giúp cho đèn đứng vững trên mặt nước.

Đèn nước có cấu tạo như một ngôi đền làm bằng thân và bẹ chuối, có trang trí hoa lá, đèn. Đầu đèn có treo cờ phướn, chung quanh được cắm đèn và nhang, bên trong có bày các thức cúng. Mở đầu buổi lễ thả đèn nước, sư sãi và bà con trong phum sóc thắp nhang xung quanh đèn rồi nghe sư tụng kinh cầu tam bảo, cúng trăng để cầu nguyện cho sự an vui, thịnh vượng và ước mong của mọi nhà.

Tiếp đến phần thân, mái ngói và đỉnh chóp cũng được tạo hình bằng giấy bìa cứng hoặc bằng những chất liệu phù hợp. Sau đó, đèn nước được trang trí hoa văn và gắn đèn thắp sáng.

Sau khi đèn làm xong sẽ được người dân tổ chức rước đèn đi một vòng quanh xóm ấp rồi tập trung về sân chùa để làm lễ, nghe sư tụng kinh cầu tam bảo, thể hiện lòng biết ơn Mặt Trăng, Mặt Đất, nguồn nước và mong tha thứ lỗi lầm cho con người. Bà con trong vùng cũng tề tựu lại thắp hương, cúng dường, gửi gắm những ước nguyện của mình.

Ngay từ chiều tối, tại các tuyến đường Điện Biên Phủ và Lý Thường Kiệt nơi diễn ra hội thi đông đảo người dân khắp nơi đến đây để thưởng lãm những chiếc Protip và ghe Cà Hâu cùng nhau khoe sắc, đua tài, với những bóng đèn lung linh màu sắc, rực rỡ hoa văn được các nghệ nhân Khmer thiết kế theo mô típ ngôi chánh điện, hay con Naga (rồng).

Sau đó người ta rước đèn ra các sông nơi họ cư trú để thả trôi theo dòng nước. Những ánh đèn lấp lánh trôi trên sông trông rất lung linh và huyền ảo. Trong những ngày diễn ra lễ hội cùng với lễ thả đèn nước, còn có nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc Khmer được tổ chức như: múa trống sadăm, hát dù kê, múa lâm thol, biểu diễn dàn nhạc ngũ âm, hội thi trang phục dân tộc, thi đấu các môn thể thao dân tộc, v.v. . .

Trong đêm thả đèn nước còn có biểu diễn múa trống sadăm, múa lâm thol hay biểu diễn nhạc ngũ âm, làm cho lễ hội thêm đặc sắc. Sau nghi lễ, những chiếc đèn nước được thả trên sông hay kênh rạch gần xóm làng, mang theo ước nguyện của người dân về một năm mưa thuận, gió hòa.

Theo bà con người dân tộc Khmer, lễ thả đèn nước có từ rất lâu, theo truyền thống đồng bào Khmer. Việc tổ chức thả đèn nước nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer theo nghi thức Phật giáo Nam Tông. Trong buổi lễ có chuẩn bị các nông sản như khoai, xoài, cam, dừa... nhằm động viên bà con phấn đấu lao động sản xuất, nâng cao đời sống.

Nhiều chiếc Protip trang trí bằng ánh đèn đẹp cực kỳ. Đặc biệt là ghe Cà Hâu mang đến thật đẹp, với sắc màu lung linh trên dòng sông.

Bên cạnh thả đèn nước còn có hội thi phục dựng ghe Cà Hâu. Được biết, trước đây, trong lễ hội Oóc om bok - Đua ghe ngo, các chùa, các đội ghe Ngo khi đi đua thường có ghe Cà Hâu đi kèm. Ghe này giữ vai trò như ghe chỉ huy, chở ban quản trị chùa và chức sắc của chùa, đồng thời cũng là ghe hậu cần để phục vụ cho cho đội ghe đua. Ghe được trang trí rất đẹp, được xem là chiếc ghe truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer. Theo người dân, ghe Cà Hâu là được làm từ một cây gỗ lớn, có chiều dài khoảng 25 m, chiều rộng 1,9 m, có dầm để chèo, sức chứa khoảng trên 20 người.

Thế nhưng, từ nhiều năm qua, chiếc ghe Cà Hâu gần như vắng bóng trong các dịp đua, thậm chí ở các chùa cũng không còn xuất hiện. Trước thực trạng đó, năm 2016, tỉnh Sóc Trăng tổ chức phục dựng lại và tổ chức hội thi phục dựng ghe Cà Hâu trong Lễ hội Oóc om bok - Đua ghe ngo.

Lôi Protip là một loại hình lễ hội văn hóa độc đáo xuất phát từ Phật giáo và phát triển theo điều kiện kinh tế đời sống xã hội của cộng đồng người Khmer. Từ một truyền thuyết gắn với tôn giáo là nhằm cúng chiếc răng nanh Phật Thích Ca được rắn thần Naga cất giữ nơi long cung.

Ngoài ra, Protip cũng tượng trưng cho hàm răng dưới của Đức Phật ở lại hạ giới độ trì chúng sinh. Lễ hội còn mang ý nghĩa là để tạ ơn Prés thôrni (thần mặt đất) và Prés kôong kear (thần nước). Bởi theo quan niệm của đồng bào Khmer qua một năm lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, con người đã làm ô uế đến thiên nhiên, nên con người làm lễ cúng để tạ lỗi. Lôi Protip người ta muốn tưởng nhớ đến công ơn của đấng thiên nhiên đã phù hộ con người làm ăn sinh sống bình yên và mong muốn điều tốt lành hơn cho năm sau.

Chính vì sự phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và nhất là nước có một vai trò, vị trí quan trọng trong cuộc sống con người, nên đồng bào Khmer cho rằng, nước là một dạng vật chất có mặt trong vũ trụ từ rất sớm. Nước còn là biểu tượng của sự tinh khiết, trong trắng, mềm mại, hiền hòa, tự do và xem nước như vị thần có thể đem lại hạnh phúc nhưng cũng có thể đưa đến tai họa cho con người. Loy-Pro-Tip đã ăn sâu vào tâm thức của người Khmer và duy trì từ đời này đến đời khác. Hơn nữa, Loy-Pro-Tip còn nhắc nhở con người quay về với thiên nhiên, làm sạch môi trường sống, bảo vệ đất và nước, đó là hai yếu tố quan trọng giúp cho sự tồn tại của nhân loại.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Việt Đàn