Thiên nhiên Việt Nam tươi đẹp trải dài theo đường cong hình chữ S, mỗi vùng mỗi miền đều có những nét đẹp riêng không lẫn vào đâu được. Trong số đó, vùng đất Tam Quan - Bình Định có những cánh đồng cói xanh ngắt ngút ngàn thu hút bao du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng trong mùa hè. Cùng Vietnam Beauty du lịch đến Bình Định để khám phá vẻ đẹp nao lòng của những cánh đồng cói và lạc vào khung cảnh đồng quê thân thương và bình dị nhé!

Thời tiết nắng nóng như thời điểm này rất thích hợp cho việc thu hoạch cói, chỉ cần phơi từ sáng đến chiều là cói sẽ khô, lên màu rất đẹp.

Cây cói (còn được gọi là cây lác) là một loại thân cỏ, thân cây có hình tam giác, được gieo trồng và nhân giống vô tính. Những cánh đồng cói thích hợp ở vùng đất ẩm ướt, đất phù sa ven biển, ven sông với nước lợ. Ở Việt Nam, cói mọc và được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa và dọc theo ven biển của các tỉnh Nam Trung Bộ.

Say đắm trước khung cảnh đẹp miên man đồng cói xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Khi có dịp du lịch Bình Định, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng cói đẹp nao lòng. Ngày nay, trong những "tour" du lịch Bình Định, các cánh đồng cói vẫn được lồng vào địa điểm tham quan để du khách có những trải nghiệm thú vị và học hỏi được nhiều bài học ý nghĩa từ câu chuyện giữ gìn làng nghề truyền thống.

Tuy đất nước ngày càng đổi mới và hiện đại, nhưng ở những thôn quê đất Việt vẫn luôn hiện diện những người nông dân chân lấm tay bùn vất vả bên những cánh đồng. Đó là những hình ảnh đẹp vá đáng trân trọng về sự cần cù lao động của người dân Việt Nam.

Vào mùa, cộng cói Bình Định căng xanh, chứa đựng sức sống mới. Cứ mỗi cơn gió thổi qua, những cây cói lại khẽ chuyển mình cuốn theo chiều gió lớp lớp hàng hàng nối tiếp nhau. Nhìn những cánh đồng cói lúc ấy, ta tưởng chừng như lạc vào một thế giới ngút ngàn, mênh mông chỉ có cói, đất trời và ta. Hẳn bạn sẽ ngất ngây trước vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên cây cỏ lúc ấy, say cùng màu xanh ngắt không thể lẫn vào đâu được.

Do cây cói sau khi thu hoạch phải được phơi khô nên tranh thủ những ngày nắng nóng, nông dân huyện Tam Quan đã triển khai nhiều biện pháp tránh nắng, tập trung nhân lực xuống đồng thu hoạch cói cho kịp tiến độ để chăm sóc vụ sau.

Đến với những cánh đồng cói trong "tour" du lịch Bình Định, chúng ta sẽ có những cảm xúc rất riêng, bắt đầu mỗi câu chuyện riêng của từng người. Cánh đồng cói luôn gợi niềm cảm hứng vô tận cho những ai yêu mến đồng cói nói riêng và thiên nhiên đất Việt nói chung.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bảo Hòa (quê Bình Định) là tác giả bộ ảnh mùa thu hoạch cói Tam Quan. Anh Bảo Hòa cho biết: “Làng chiếu cói Tam Quan có truyền thống lâu đời, mùa thu hoạch cói nơi đây diễn ra nhộn nhịp từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Sản phẩm chiếu từ nguyên liệu cói ở Tam Quan không chỉ nổi tiếng ở Bình Định, thị trường miền Trung mà còn lan khắp cả nước”.

Cói được phân thành 3 loại. Loại trên 1,65 m dùng dệt chiếu loại 1 hoặc đưa đi xuất khẩu. Loại trung bình dài 1,5 đến 1,6 m dệt chiếu cá nhân. Còn cói chết khô dùng để đun nấu hoặc lợp mái nhà.

Chiếc chiếu cói từ ngàn đời luôn gắn với đời sống của người Việt, từ những tấm chiếu cói trải trên sân đinh, dưới gốc đa làng trẻ già ngồi hóng mát những ngày hè nóng nực đến những chiếc chiếu mà hầu như nhà nào cũng có. Tấm chiếu gắn biết bao kỷ niệm của mỗi con người từ khi lọt lòng mẹ và đi theo suốt cả cuộc đời. Chẳng thế mà ca dao xưa có câu:

“Sáng trăng trải chiếu hai hàng

Cho anh đọc sách cho nàng quay tơ”.

Những tấm chiếu được bà con nông dân các vùng trồng cói dệt thành những sản phẩm đa dạng phục vụ người tiêu dùng, nhưng ít ai biết được công đoạn ban đầu vất vả nhọc nhằn của người trồng cói.

Cây cói sau khi được chẻ, sẽ đem phơi 3 nắng ngoài ruộng để cho nhẹ và mềm sợi. Sau đó, được cột thành từng bó để đưa về nhà để tiếp tục phân loại, phơi khô bán cho các cơ sở sản xuất. Người dân phơi cói sợ nhất trời mưa, vì cói sẽ hư hỏng, đen màu không bán được.

Hiện thời điểm này đang vào chính vụ thu hoạch, tùy theo diện tích trồng mà nhiều chủ ruộng phải thuê thêm lao động tham gia thu hoạch cói với mức chi trả 120.000 đồng đến 150.000 đồng mỗi ngày công.

Nghề trồng cói tuy có thu nhập cao hơn so với trồng lúa, nhưng rất vất vả. Để tạo nên sợi cói mềm, dai, phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, cói sau khi thu hoạch được người dân giũ sạch cỏ rác, phân thành 3 loại để chẻ rồi mới đem phơi khô để loại bỏ phụ phẩm. Trong đó, khâu chẻ cói là quan trọng nhất vì mất nhiều thời gian và công sức, bởi nếu không chẻ cói kịp thời, để héo sẽ rất khó chẻ.

Vào mùa thu hoạch, từng nhóm dân đi gặt cói và cột thành từng bó cói qua góc nhìn nhiếp ảnh lại trở thành hình ảnh lao động đẹp.

Trồng cói, chăm sóc cói đã vất vả nhưng thu hoạch cói cũng vất vả không kém và mất rất nhiều thời gian bởi sau khi cắt cói bằng những chiếc liềm chuyên dụng, người nông dân sẽ gom cói thành những bó vừa tay để giũ cho sạch cỏ, rác hoặc những sợi chết khô và chỉ để lại những sợi cói tươi xanh, sau đó sẽ phân loại những sợi dài, ngắn khác nhau. Những sợi cói dài và còn tươi sẽ được chặt gọn phần gốc, phần ngọn.

Thu hoạch cói khá vất vả, nông dân thường làm dưới trời nắng gắt, nhưng vì cuộc sống gia đình nên họ làm cần mẫn kiếm thêm thu nhập.

Sau đó người dân bắt đầu chẻ cói, đây là công đoạn rất quan trọng, mất nhiều thời gian và công sức bởi nếu không chẻ cói kịp thời, để héo sẽ rất khó chẻ. Thường cây cói sẽ được chẻ làm 2 mảnh rồi mới đem phơi ngay trên những ruộng vừa thu hoạch xong. Cói có thể được phơi thẳng hàng hoặc phơi theo hình dẻ quạt. Thời tiết nắng nóng như thời điểm này rất thích hợp cho việc thu hoạch cói, chỉ cần phơi từ sáng đến chiều là cói sẽ khô, lên màu rất đẹp.

Các bó cói đang được vận chuyển về làng.

Cũng giống như các nơi khác, cói trải qua các công đoạn như gặt, giũ, vận chuyển, chẻ, phơi, nhuộm, làm sợi và dệt mới thành chiếu. Đặc biệt tại cánh đồng cói Tam Quan, ở giai đoạn vận chuyển, người dân còn kết hợp cách thức kết các bó cói thành bè để kéo về trên lạch nước thay vì phải gánh hay vác.

Bức họa đồng cói đẹp như tranh với các bè cói được kéo trên sông.

“Hoa cói” tỏa tròn đang được phơi dưới nắng hè trông như một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng. “Sau một tháng hòa cùng nhịp sống bà con tại làng nghề chiếu cói, tôi thích thú trước vẻ đẹp yên bình của cánh đồng cói, con người hiền lành, thân thiện, lao động tuy vất vả nhưng vẫn luôn lạc quan. Đặc biệt là văn hóa lao động, sinh hoạt mang tính cộng đồng, giúp kết nối các thành viên trong gia đình và giữa các hộ trong làng với nhau” – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bảo Hòa chia sẻ.

Chuyển cói về làng ngang qua cánh đồng lúa chín vàng. Anh Bảo Hòa chia sẻ ngày nay có nhiều loại chiếu làm bằng những nguyên liệu khác nhau nhưng chiếu cói Tam Quan vẫn giữ được người dân ưa chuộng bởi độ bền và mềm.

Bên cạnh đó, những ai từng sống cạnh bên đồng cói hẳn đều có một tuổi thơ làng quê êm đềm, thanh bình biết bao. Những đứa trẻ sẽ được cùng người nông dân thu hoạch cói, dệt chiếu và chơi đuổi bắt nhau vào mùa hè quanh đồng cói. Cói đã từng hiện diện sâu trong cuộc sống thường nhật, trong tiềm thức mỗi đứa trẻ thôn quê Bình Định.

Chia tay bà con xã Tam Quan huyện Hoài Nhơn cuối buổi chiều khi mặt trời đang khuất dần sau dãy núi xa. Trên cánh đồng nhiều gia đình vẫn còn đang thu gom cói lên xe ba gác chở về nhà, tất cả nhân lực đang còn trên những thửa ruộng, bữa cơm chiều chắc họ phải ăn muộn sau khi trở về.

Thiên nhiên tươi tốt đầy sức sống mới.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Trần Bảo Hòa