“Bông xanh mà lá cũng xanh

Em đi cấy lúa cho anh nhổ bàng”.

Không biết từ bao giờ, cánh đồng cỏ bàng đẹp như tranh vào mùa gặt đã trở thành một đặc sản thân thương của miền Tây. Tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, từ lâu cây cỏ bàng đã trở thành một loại cây trồng quanh năm của người dân. Cây cỏ bàng vừa cho thu nhập cao lại không mất quá nhiều công chăm sóc nên đã trở thành cây trồng chính của người dân nơi đây.

Cỏ bàng (hay còn được gọi là bàng hoặc cói bàng), thường mọc tự nhiên nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cỏ có thân dưới cứng, dạng ống khoảng 8 - 10 mm, nằm ngang trong bùn. Thân thẳng đứng cao khoảng 1 - 1,5 m và có hoa màu nâu ở phần ngọn.

Cánh đồng cỏ bàng ở miền Tây vào mùa gặt đẹp như một bức tranh thủy mặc. Không gian xanh mướt, bao la ở Đức Hòa, Long An níu chân các nhiếp ảnh gia bởi nét thanh bình của vùng quê. Mới đây NAG Nguyễn Hữu Bính đã có dịp chụp một bộ ảnh về cảnh thu hoạch cỏ bàng của người dân Long An, với nhiều góc chụp khác nhau, cánh đồng cỏ bàng giống như một bức tranh sơn dầu được tạo nên từ bàn tay của những nghệ nhân thu hoạch cỏ bàng.

Cỏ bàng khá dễ trồng bởi đặc tính của loại cây cỏ này chịu được phèn lại ít tốn công chăm sóc hay ảnh hưởng của sâu bệnh nên khá được ưa chuộng. Chỉ cần trồng khoảng nửa năm thì có thể thu hoạch và đặc biệt sau khi cắt xong thì cây sẽ tự mọc lại nhiều lần mà không cần trồng mới.

NAG Nguyễn Hữu Bính sinh năm 1969, là giám đốc một công ty kinh doanh thời trang nhưng lại có niềm đam mê với nhiếp ảnh. Anh đã bắt đầu đến với nhiếp ảnh từ năm 2005, anh nhận ra nhiếp ảnh giúp anh giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi, từ đó thì anh cũng đi nhiều nơi hơn để thỏa mãn đam mê nhiếp ảnh của mình.

Cánh đồng cỏ bàng vào mùa thu hoạch.

"Khi được biết ở Đức Hòa có 1 vùng đất phèn, nông dân ở đó chuyên trồng cỏ bàng để thu hoạch về làm ống hút thay cho các loại ống hút bằng nhựa, Tôi và 1 vài người bạn rủ nhau đến chụp ảnh họ đang thu hoạch vì góc chụp trên cao rất đẹp. Hình ảnh những đám cỏ xanh mướt, vùng nước phèn có màu vàng cam, tạo nên những bức ảnh có màu sắc rất sinh động. Tôi may mắn chụp được 1 vài bức ảnh đẹp khi người nông dân đang đốt những gốc cỏ đã thu hoạch xong, màu sắc nhìn rất ấn tượng", anh chia sẻ.

Cánh đồng cỏ bàng được chụp từ trên cao, màu của những đám cỏ xanh mướt cùng những gốc cỏ bàng đã ngả màu vàng tạo nên bức tranh thật đặc sắc.

Để hoàn thành bộ ảnh thu hoạch cỏ bàng tác giả đã mất khoảng 1 tháng để thực hiện.

Những khó khăn khi chụp bộ ảnh
- Nếu chụp những góc chụp bên dưới thì đôi khi phải lội xuống ruộng mới đến được chỗ họ đang thu hoạch.
- Với những góc chụp trên cao, anh thường phải bay drone để tìm kiếm những nơi người dân đang thu hoạch vì mỗi ngày họ thu hoạch ở 1 điểm khác nhau.
- Phải đi vào những ngày thường và phải bỏ công việc vì ngày thường thì nông dân họ đi thu hoạch nhiều hơn những ngày Chủ Nhật. Tuy vậy có nhiều khó khăn nhưng thành quả thật xứng đáng.

Những bó cỏ bàng đang được kéo lê trên mặt nước giống như một đóa hoa khổng lồ.
Những đám cỏ xanh mướt đang được thu hoạch dưới bàn tay của người dân.

Nên đến Đức Hòa vào khoảng thời gian nào để chụp được cảnh thu hoạch cỏ bàng đẹp nhất?

Nông dân ở Đức Hòa thu hoạch cỏ bàng từ tháng 3 đến cuối năm, nên Bạn có thể đến vào thời điểm này để chụp ảnh. Tuy nhiên, tác giả chia sẻ, nếu bạn đi vào thời gian từ tháng 8 đến tháng 11, các đồng cỏ lúc này ngập nước và chụp ảnh trên cao sẽ đẹp hơn.

Đồng cỏ ngập nước vào khoảng tháng 8 đến tháng 11.
Những bó cỏ bàng được chất đầy trên thuyền để chở ra đường lớn.

Với bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người dân miền Tây, cỏ bàng được dùng để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như nón, giỏ xách, đan nệm... rất được những vị khách phương xa yêu thích. Và những năm gần đây cỏ bàng còn được sử dụng làm uống hút để thay thế ống hút nhựa, bảo vệ thiên nhiên và còn góp phần tạo thêm việc làm và thị trường cỏ bàng cho người dân.

Bài viết: Phuong Hoa

Ảnh: NAG Nguyễn Hữu Bính