Vừa qua, tại sân đua chùa Rô, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã diễn ra Lễ hội đua bò truyền thống năm 2022. Tham gia lễ hội có 20 cặp bò đến từ các xã, thị trấn có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn huyện Tịnh Biên.

Lễ hội đua bò Chùa Rô ở huyện Tịnh Biên, An Giang, diễn ra sáng 18/9 với sự tham dự của 20 cặp đấu. Đây là một trong những hoạt động thu hút sự chú ý của người dân và du khách mỗi dịp lễ hội Đôn Ta của đồng bào Khmer. Ảnh: Trăng Mùa Thu.

Sau 2 năm bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19, năm nay lễ hội đua bò chùa Rô của đồng bào Khmer huyện Tịnh Biên tiếp tục được tổ chức đúng vào dịp đồng bào Khmer Nam Bộ cũng như bà con Khmer tỉnh An Giang đang nô nức đón mừng lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà) truyền thống - một trong ba lễ hội lớn trong năm của dân tộc mình nên thu thu hút hàng ngàn người đến xem và cổ vũ cho các cặp bò đua.

Màn tranh tài quyết liệt trên bùn lầy của 20 cặp bò để lại nhiều cảm xúc đối với hàng trăm khán giả có mặt tại sân đua chùa Rô, Tịnh Biên (An Giang). Ảnh: Trăng Mùa Thu.

Mỗi lượt đua có hai đôi bò thi đấu loại trực tiếp, bốc thăm chọn đôi đi trước. Tài xế đứng trên bừa phía sau điều khiển. Sau vòng hô, hai đôi bò tăng tốc quyết liệt khi bước vào vòng thả.

Các cặp đấu đua qua hai vòng sân, mỗi vòng khoảng 120m. Ban tổ chức gọi vòng thứ nhất là "vòng hô", vòng thứ hai là "vòng thả". Ảnh: Phạm Hoàng Cương.

Đôi bò chiến thắng là đôi bò về đích trước hoặc đôi bò đi sau nhưng chân trước đạp lên bừa của đôi bò đi trước. Những đôi thắng sẽ tiếp tục vào vòng trong, thi đấu theo từng cặp loại trực tiếp cho đến khi có đôi bò chiến thắng cuối cùng ở trận chung kết.

Màn đua đầy kịch tính. Ảnh: Phạm Hoàng Cương.

Bước vào tranh tài, 2 đôi bò sẽ thi đấu theo thể thức đấu một vòng hô (chạy chậm để biểu diễn kỹ thuật điều khiển bò) và một vòng thả (chạy với tốc độ cao nhất để về đích) chọn đôi bò thắng cuộc vào vòng thi đấu tiếp theo. Trên đường đua, nếu đôi bò nào phạm quy như tự ý ra khỏi đường đua, giẫm lên bừa của đôi bò trước thì sẽ bị loại, cặp bò còn lại sẽ giành chiến thắng tiếp tục vào thi đấu vòng trong. Cặp bò giành chức vô địch phải tham gia tất cả các vòng thi đấu và loại từng “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp.

Đây là một lễ hội truyền thống độc đáo ở vùng Bảy Núi An Giang. Ảnh: Phạm Hoàng Cương.

Trong quá trình diễn ra lễ hội, từ khâu tổ chức, điều hành, trao thưởng… đều do cộng đồng người Khmer quyết định, thông qua đại diện của mình. Đây cũng là hoạt động nhằm tạo khí thế vui tươi và duy trì môn thể thao cổ truyền mang nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.

Lễ hội đua bò chùa Rô là một sân chơi thể thao, giải trí ý nghĩa cho người nông dân Khmer các phum, sóc sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng. Ảnh: Trăng Mùa Thu.

Lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang là một dạng thức lễ hội nông nghiệp độc đáo có một không hai của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi (An Giang) nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất nhân văn của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi, ngày hội còn là một sân chơi thể thao, giải trí ý nghĩa cho người nông dân Khmer các phum, sóc sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng. Năm 2016, Lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội thu hút cả du khách nước ngoài. Ảnh: Trăng Mùa Thu.

Từ năm 2016, lễ hội đua bò chùa Rô còn là ngày hội của giới nhiếp ảnh mọi miền đất nước. Đó là do chùa giữ nguyên bản nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer Bảy Núi An Giang.

Ảnh: Phạm Hoàng Cương.

Được biết, đua bò là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi nhân dịp lễ Sene Dolta. Qua hội đua bò này, huyện Tịnh Biên sẽ tuyển chọn những các đôi bò giỏi, mạnh để tham gia lễ hội đua bò Bảy Núi tranh Cúp truyền hình An Giang lần thứ 27, tổ chức tại huyện nhà ngày 24/9.

An Giang có nhiều sân đua bò như Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, trong đó riêng sân Chùa Rô mỗi lần tổ chức luôn có hàng trăm nhiếp ảnh gia tới sáng tác. Ảnh: Phạm Hoàng Cương.

Đây là một hoạt động góp phần quảng bá hình ảnh Đua bò Bảy Núi đến đông đảo nhân dân trong nước và thế giới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, khai thác và phát triển trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc theo định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đây là một hoạt động góp phần quảng bá hình ảnh Đua bò Bảy Núi đến đông đảo nhân dân trong nước và thế giới. Ảnh: Phạm Hoàng Cương.

Ý NGHĨA LỄ HỘI ĐUA BÒ TRUYỀN THỐNG

Theo quan niệm của đồng bào vùng Bảy Núi An Giang, đua bò có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đôi bò giành được giải cao trong năm được chủ nhân chăm sóc kỹ, để sang năm tham gia đua tiếp, bởi đôi bò giành chiến thắng không những mang lại cho chủ nhân của mình niềm kiêu hãnh mà con mang đến cho cả phum, sóc một niềm vui, một nghị lực để giành nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực khác, như bò của phum khỏe mạnh có sức dẻo dai, cày bừa tốt, giúp cho người dân thực hiện gieo trồng được dễ dàng, đem lại một mùa bội thu, dân làng no ấm.

Ảnh: Khánh Phan

Không biết Hội đua bò có từ bao giờ, nhưng theo các vị cao niên vùng Bảy Núi An Giang kể lại, thuở xưa, hàng năm vào mùa cấy nhiều nông dân Khmer từ các phum, sóc dẫn bò đến cày bừa cho thửa ruộng của các chùa Khmer gọi là “bừa công quả”. Cày, bừa xong họ tự thúc bò “bừa đua” xem đôi bò nào nhanh khỏe, các sư, sãi thấy vậy đứng ra tổ chức (kiểu trọng tài), treo thưởng đôi bò nào cày giỏi, chạy nhanh sẽ hưởng phần thắng là dây “Cà tha” (lục lạc đeo cổ bò). Năm sau tiếp tục cày phần đất của chùa và từ đó đua bò Bảy Núi trở thành lễ hội Đua bò truyền thống hàng năm của người dân tộc Khmer tỉnh An Giang, thu hút hàng chục nghìn du khách và người dân trong cả nước đến An Giang xem hội đua bò và thưởng thức cảnh đẹp của vùng đất Thất Sơn huyền bí.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Trăng Mùa Thu - Phạm Hoàng Cương - Khánh Phan