Tín ngưỡng thờ cá Ông và lễ hội cầu ngư gắn liền với lăng Ông. Dọc các địa phương ven biển Phú Yên có khá nhiều lăng Ông. Hiện toàn tỉnh Phú Yên có 41 lăng Ông và nơi nào có lăng Ông thì nơi đó đều tổ chức lễ hội cầu ngư. Lễ hội cầu ngư luôn được tổ chức một cách long trọng.

1-1723264568.jpeg
 

"Lễ hội cầu ngư thường được tổ chức ít nhất hai ngày. Chiều ngày thứ nhất, ban Lạch làm lễ rước Ông sanh (nghinh Ông). Ngư dân đưa kiệu ra cửa biển rước Ông và các thủy thần về dinh lăng an vị. Sáng sớm ngày thứ hai, lễ hội được tiếp tục với các lễ cúng yết, dâng lễ vật, dâng trầu, dâng rượu. Buổi trưa đến chiều tối là thời gian tổ chức lễ cúng khai tiên. Chi phí cúng tế do bà con tự đóng góp", ông Lê Tấn Lực - Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Nghinh Ông tại Lăng Ông Mỹ Quang, thuộc xã An Chấn, huyện Tuy An, Phú Yên, cho biết.

2-1723264568.jpeg
 
3-1723264594.jpeg
 
4-1723264594.jpeg
 

Hiện nay, tại Lăng Ông Mỹ Quang còn lưu giữ và thờ bộ cốt cá Ông hầu như còn nguyên vẹn. Mỗi năm cứ đến dịp lễ cầu ngư, chỉ có các vị trong Ban Lạch mới được mở tấm vải đỏ phủ quan tài bằng kính của cá Ông để cúng bái.

5-1723264596.jpeg
 
6-1723264591.jpeg
 

Cũng theo vị này, hàng năm cứ vào ngày Ông "lụy" (tức là ngày cá Voi chết), bà con ngư dân long trọng tổ chức lễ tế Ông Nam Hải – còn gọi là lễ hội Cầu Ngư với đầy đủ các nghi thức. Người dân miền biển tin rằng, tổ chức tế lễ chu đáo, nghi thức đầy đủ, thì ân đức của Ngài sẽ ban lại cho ngư dân được mùa tôm, cá, đời sống no đủ, sung túc.

Lễ cúng cá Ông gồm hai phần: phần lễ tế và phần hội. Lễ tế Ông do Ban tư tế gồm các vị chủ tế cao niên trong làng đứng ra thực hiện. Trong ngày lễ, dân làng trang hoàng bàn thờ rực rỡ, tôn nghiêm. Các nhà đều đặt bàn hương án bày đồ cúng lễ, tàu thuyền đều được chăng đèn kết hoa.

7-1723264591.jpeg
 
8-1723264594.jpeg
 
9-1723264594.jpeg
 
10-1723264594.jpeg
 

Sau khi rước Ông về lăng, vị chủ tế dâng đồ lễ rồi đọc văn tế bày tỏ lòng biết ơn của ngư dân đối với công đức cá Ông. Sau phần lễ tế là phần hội, có rất nhiều trò chơi dân gian như đua thuyền, đua thúng, đấu vật, kéo co… Ngoài ra còn có phần diễn xướng với các màn hát bội, hò đưa linh và hò nẹm, trong đó đáng chú ý nhất là hát bả trạo, một hình thức múa hát đặc trưng trong lễ hội cầu ngư, mô phỏng các động tác của nghề đánh bắt cá, từ chèo thuyền, thả câu, thả lưới, kéo lưới cho đến chống bão…

11-1723264594.jpeg
 
12-1723264594.jpeg
 
13-1723264596.jpeg
 

Theo các ngư dân, phần hội trong lễ hội Cầu Ngư có thể được xem như những yếu tố làm cân bằng nhiều nỗi lo âu, khắc khoải trong cuộc sống đời thường; thôi thúc hào hứng vui tươi và lôi kéo khách hành hương gần xa. Lễ hội còn là dịp thăm viếng lẫn nhau giữa chủ ghe và bạn chài, giữa chủ vạn với ngư dân để tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Đây còn là dịp để ngư dân vui chơi, giải trí sau những tháng ngày lao động nhọc nhằn, gắn kết cộng đồng và du khách. 

14-1723264596.jpeg
 

Anh Trần Minh Thạnh, một Việt kiều Canada, cho biết: "Nhiều năm nay, cứ mỗi dịp ở quê có lễ hội cầu ngư, tôi đều đưa vợ và 2 con về nước cùng vui chơi lễ hội. Đây không khác gì những ngày tết âm lịch truyền thống của quê hương. Khi còn trẻ, tôi cũng đã có hơn 20 năm lênh đênh trên biển kiếm từng con cá, con tôm… mưu sinh nên giờ tôi hiểu được tầm quan trọng của lễ hội cầu ngư".

15-1723264594.jpeg
 

Anh Thạnh cho biết thêm ngày giỗ cá Ông được xem như là ngày tết của vạn chài, tâm thức luôn nhắc nhở và mách bảo ngư dân rằng, hướng về thần sẽ có sự phù trợ, giúp đỡ và chắc chắn những chuyến ra khơi cá mực đầy khoan. Vì vậy, năm nào tổ chức được lễ cầu ngư, ngư dân trút bỏ được những sợ sệt, lo âu trong đánh bắt cá. Họ hồ hởi, phấn khởi tin rằng những chuyến ra khơi an bình và nhiều cá. Cá Ông thật sự trở thành biểu tượng tốt lành trong cuộc sống và tâm linh của cư dân làng ven biển Phú Yên.

Nguồn: Bùi Văn Hải/ Báo Thanh niên