Mảnh đất cong cong hình chữ S - Việt Nam không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh mà còn hấp dẫn bởi sự độc đáo của văn hóa, ẩm thực, con người các vùng miền.

Văn hóa chính là một món ăn tinh thần góp phần tô điểm cho sự trù phú của đời sống. Đất nước Việt Nam với 54 dân tộc anh em cùng chung sống, vậy nên chúng ta rất giàu có về văn hóa mà không phải quốc gia nào cũng có được.  Mỗi dân tộc mang lại những nét đặc trưng riêng về trang phục, ẩm thực, lễ hội và tín ngưỡng... Một trong các các nét đẹp về văn hóa, tín ngưỡng và đời sống tâm linh đặc sắc ta phải kể đến đó chính là nghi lễ Cấp sắc của người Dao.

Lễ Cấp sắc trong văn hóa của người Dao qua khung hình nhiếp ảnh gia Tô Bá Hiếu.

Trong 54 dân tộc anh em của Việt Nam, có thể nói dân tộc Dao là giữ được truyền thống văn hóa cũng như tín ngưỡng trọn vẹn nhất. Người Dao khá coi trọng các nghi lễ chu kì đời người. Trong tín ngưỡng của họ có rất nhiều các nghi lễ phải kể đến như lễ Chẩu Đàng, lễ cúng Bàn Vương, lễ cúng tố tiên, lễ cầu mùa... Nhưng có lẽ đặc sắc nhất và quan trọng đối với người Dao là nghi lễ Cấp sắc.

Theo tiếng địa phương, cấp sắc được gọi là quá tăng có nghĩa là trải qua lễ soi đèn, xuất phát từ việc thắp đèn soi sáng người thụ lễ khi làm lễ cấp sắc.
Lễ Cấp sắc có cấp sắc 3 đèn, 7 đèn và cao nhất là 12 đèn hay còn được gọi lễ Tẩu Sai, đây là một nghi lễ quan trọng và thiêng liêng của mỗi một con người trong tín ngưỡng của người Dao.

Lễ Cấp sắc là nghi lễ khá quan trọng, công nhận sự trưởng thành đối với người đàn ông Dao về thể chất cũng như tâm linh, nếu như chưa trải qua nghi lễ này thì họ chưa chính thức được coi là người  trưởng thành. Trong lễ đó người thụ lễ được đặt pháp danh hay còn gọi là tên âm và sau khi chết sẽ dùng tên đó trở về thế giới bên kia cùng tổ tiên. Sau khi thực hiện xong nghi lễ họ sẽ được công nhận là con cháu của Bàn Vương, được cấp binh và được thờ cúng tổ tiên. Họ còn được cấp tờ sắc và đóng dấu giống như "vật thông hành", người được cấp sắc sẽ có thể trở thành một thầy cúng. Người vợ của người được cấp sắc cũng tham gia nghi lễ để kiếp sau vẫn là vợ là chồng của nhau.

Đây là một nghi lễ khá tốn kém và mất nhiều thời gian nên có những người đàn ông lớn tuổi vẫn chưa thể thực hiện được nghi lễ này.
Các điệu múa trong nghi thức của lễ Cấp sắc.

Lễ Cấp sắc với rất nhiều các nghi thức cầu kì và nhiều màu sắc khá bắt mắt.

Người thực hiện nghi lễ là người rất uy quyền trong tộc người Dao, họ là thầy cúng và rất được cộng đồng Dao kính trọng. Thầy cúng trong các nghi lễ giống như hiện thân của các vị thần. Chính vậy trang phục của vị thầy cúng mang một giá trị đặc biệt, phản ánh tín ngưỡng và mang tính thẩm mĩ cao.

Vị thầy cúng trong trang phục chỉnh tề và nhiều màu sắc đang thực hiện nghi lễ.
Thầy cúng phải là một thầy cúng cao tay, biết viết chữ Phạn, biết xem tướng số, biết bốc thuốc và điều khiển âm binh...

Đê chuẩn bị cho lễ cấp sắc, gia đình phải nuôi lợn, tích trữ lương thực, thực phẩm, vàng mã, gạo, rượu... và rất nhiều thứ khác để chuẩn bị cho nghi lễ cũng như mời cỗ bà con, họ hàng.

Người thụ lễ hay được cấp sắc trước khi thực hiện nghi lễ phải kiêng kị trai gái, quan hệ vợ chồng, không nói tục chửi bậy... Muốn được cấp sắc họ còn phải học chữ Hán và chữ Nôm Dao để đọc sách cúng, học một số nghi thức, thực hiện các điều cấm kị để tránh bị ô uế. Việc cấp sắc trong gia đình được tuân thủ từ trên xuống dưới, từ cha đến con và từ anh đến em.

Gạo là một trong các vật phẩm dùng để thực hiện các nghi thức trong lễ cấp sắc.

Người được thụ lễ cấp sắc cần mặc trang phục chỉnh tề và ngồi ra trước ban thờ để thực hiện nghi lễ.

Một buổi lễ Cấp sắc có thể làm cho một hoặc vài người nhưng phải là số lẻ.

Trước khi diễn ra lễ cấp sắc còn là những công đoạn chuẩn bị khá cầu kì như treo tranh, khai đèn... Và nhiều nghi lễ cấp sắc như: chầu đàng, cấp ấn, trao đèn, điều âm binh, cầu mùa, cấp ấn...

Các bức tranh được chuẩn bị treo lên tường trong tín ngưỡng tâm linh của người Dao.

"Tranh thờ hiện diện trong buổi lễ thể hiện yếu tố tâm linh Đạo giáo cùng việc thầy cúng dùng bùa phép tẩy uế, khai đàn, đặt tên cho người thụ lễ. Bên cạnh đó ta còn thấy xuất hiện yếu tố Phật giáo như: cấm phá giới, cấm sát sinh đối với những người ngồi hành lễ và thụ lễ. Họ cũng chịu ảnh hưởng của thuyết luân hồi trong quan niệm đạo Phật. Mối quan hệ cha con, thầy trò cũng thấy tại lễ. Vậy lễ cấp sắc mang nhiều hình thái tín ngưỡng tôn giáo khác nhau tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo.
Hai bộ tranh thường được dùng nhiều nhất trong lễ cấp sắc đó là: Hành phây – Mùi phan và bộ Đại đường – Hải phan (phan có nghĩa là cái phướn). Hành phây – Mùi phan là bộ tranh vẽ theo truyền thuyết của người Dao để nói lên quyền lực mà người được cấp sắc sẽ nhận. Trên tranh Hành phây vẽ hình con rắn màu xanh, trông rất dữ tợn chuyên ăn thịt người. Rắn đang bắt một anh mặt đỏ tha đi, anh ta tay cầm tù và thổi kêu cứu. Tranh Mùi phan lại vẽ anh mặt trắng cưỡi ngựa trắng đến cứu. Anh ta bắt rắn phải thả người và nhè ra đầu lâu người bị rắn ăn thịt." Nhiếp ảnh gia Tô Bá Hiếu chia sẻ các thông tin tới độc giả.
Một nghi thức tâm linh khá cầu kì và quan trọng trong tín ngưỡng dân tộc Dao.
"Mặt nghệ thuật mà buổi lễ phản ánh được thể hiện qua những bức tranh thờ treo xung quanh đàn lễ, trang phục mặc trên người thầy Tào, không gian của buổi lễ tác động đến người làm lễ và người thụ lễ. Khi các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ, thầy cúng thắp hương khấn Bàn vương, các vị thần thánh cùng tổ tiên về chứng giám. Tranh thờ là loại hình nghệ thuật trên mặt phẳng, nó cần không gian trưng bày và đã kết hợp thêm với ánh sáng đèn nến, hoạ tiết, màu sắc của trang phục thầy cúng, điệu múa cấp sắc cùng âm nhạc trong lễ cúng. Một sự tổng hợp các loại hình nghệ thuật với các ngôn ngữ riêng. Tất cả hoà đồng trong môi trường, không gian tín ngưỡng đầy chất huyền bí." - Anh chia sẻ thêm.
"Cấp sắc là nghi lễ không thể thiếu đối với người Dao và là đặc trưng văn hoá vùng của họ. Không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng mà nó bao hàm cả những giá trị văn hoá, nghệ thuật. Bởi trong một lễ cấp sắc tổng hợp hầu hết các hình thức tôn giáo, cách thể hiện, sự phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, văn hoá của người Dao. Nó đóng vai trò duy trì và bảo tồn các nghi lễ cổ truyền."
Một không gian tín ngưỡng đầy màu sắc và huyền bí qua lăng kính Nhiếp ảnh gia Tô Bá Hiếu.

Cảm ơn Nhiếp ảnh gia Tô Bá Hiếu đã mang đến cho độc giả Vietnam Beauty những khung hình ấn tượng và những nét độc đáo trong văn hóa tâm linh của dân tộc Dao.

Bài: Đặng Tùng

Ảnh: Tô Bá Hiếu