Trong đời sống cung đình ở Huế, trước ngày Tết người xưa thường làm lễ “Thướng tiêu” tức dựng cây nêu để báo hiệu một năm đã qua, ngày Tết đã tới.

 

Tiến hành nghi lễ ở Thế Tổ Miếu.

Sáng ngày 25/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tổ chức dựng nêu trong Hoàng cung triều Nguyễn. Theo nghi thức xưa, triều đình sẽ dựng cây nêu trước Thế Tổ Miếu, báo hiệu kỳ nghỉ Tết bắt đầu. Thế Tổ Miếu là nơi đặt án thờ vua Gia Long và các vị vua của triều Nguyễn.

Theo nghi thức của triều Nguyễn xưa, cây nêu ở Thế Tổ Miếu được dựng lên thì người dân xung quanh mới có thể bắt đầu dựng nêu.
Nghi thức cúng lễ ở Triệu Tổ Miếu.

 

Lễ dựng nêu là nghi lễ cổ có ý nghĩa trong đời sống tâm linh, tập tục truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Dưới triều Nguyễn, tục dựng nêu thường được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp. Cây nêu được làm bằng tre già, khi dựng lên, đầu ngọn nêu được treo ấn, tín, văn phòng tư bảo, biểu trưng của việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi trong những ngày Tết.

Đi qua lầu Ngũ Phụng.
Trong trang phục áo quan, binh lính triều Nguyễn, đoàn rước nêu xuất phát từ cửa Hiển Nhơn đi qua Triệu Tổ Miếu, điện Thái Hòa để đến Hiển Lâm Các ở Thế Tổ Miếu.

Trước khi dựng nêu, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế bày biện một mâm cỗ, gồm lợn, gà, xôi và mâm ngũ quả để cúng. Xưa kia, vật phẩm cúng trong lễ dựng nêu đều do các vị quan trong Bộ Lễ chuẩn bị.

Tục dựng nêu trước tiên có ý nghĩa mừng ngày Tết, sau đó để cúng thần linh phù hộ cho người dân được bình an, cầu mưa thuận gió hòa, dân chúng làm ăn thuận lợi. Đây một nét văn hóa đặc sắc vừa thể hiện yếu tố văn hóa cung đình vừa thể hiện yếu tố văn hóa dân gian truyền thống của người Việt Nam. Qua đó, tạo nên một sinh hoạt điểm nhấn và không khí vui tươi vào dịp đầu Tết Nguyên đán tại Đại nội Huế.

Dưới triều Nguyễn, cây nêu làm bằng tre được dựng trước Hiển Lâm Các ở Thế Tổ Miếu báo hiệu toàn dân được nghỉ Tết.

Năm nay, Lễ dựng nêu được tiến hành tại 2 điểm: Triệu Tổ Miếu và Thế Miếu, Đại Nội Huế và lễ hạ nêu được diễn ra vào ngày mùng 7 Tết nguyên đán đánh dấu kết thúc một kỳ nghỉ Tết và bắt đầu một năm mới.

Nghi thức dựng nêu được cử hành nghiêm trang với sự tham gia của đội nhã nhạc cung đình Huế. Để phòng chống Covid-19, tất cả người tham dự buổi dựng nêu đều phải mang khẩu trang.

Từ Thế Miếu, nghi thức rước nêu được tổ chức trang trọng, 10 lính vác nêu trong trang phục chỉnh tề, đội rước nêu khởi hành trong âm thanh của tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung, đến Triệu Tổ Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu. “Thướng Tiêu” là một nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn.

Cây nêu dựng trong Đại Nội là một cây tre lớn, dài 15m, được các lính vệ rước từ điện Thái Hòa về Thế Miếu - nơi thờ các vị vua triều Nguyễn. Khi cây nêu được dựng lên, đầu ngọn nêu được treo ấn, tín, văn phòng tư bảo, biểu trưng của việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi trong những ngày Tết.

Cây nêu được dựng lên ở Triệu Tổ Miếu.

Cây nêu được các binh lính dựng lên ở Hiển Lâm Các trước Thế Tổ Miếu. Theo nghi thức của triều Nguyễn xưa, khi cây nêu được dựng lên thì người dân xung quanh mới có thể bắt đầu dựng nêu ăn Tết, cúng Thần cùng tổ tiên.

Ấn triện, câu đối, phướng vải màu đỏ dài được trên lên ở phần ngọn cây nêu làm bằng tre.

Ngoài Thế Miếu, lễ dựng nêu cũng sẽ được tổ chức tại nhiều điểm di tích khác trong Quần thể di tích cố đô Huế nhưng với quy mô đơn giản hơn, diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 Tết. Du khách và người dân đến với di tích cố đô Huế những ngày này nhiều địa chỉ văn hóa của Huế cũng đã phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống này bằng nghi thức dựng nêu được tổ chức trang trọng.

Theo quan niệm xưa, trong đời sống cung đình ở Huế, làm lễ dựng nêu để báo hiệu mùa xuân về, đồng thời để cầu cho mưa thuận gió hòa, dân chúng làm ăn thuận lợi. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng mới mở ấn, hạ nêu và tiễn Thần gọi là mở đầu năm mới.

Đến ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, cây nêu sẽ được hạ xuống đánh dấu ngày nghỉ Tết đã hết, quay trở lại làm việc.

Nguồn gốc, ý nghĩa của Lễ dựng nêu ngày Tết

Theo quan niệm truyền thống dân gian, việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành. Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam câu truyện Sự tích cây nêu ngày Tết đại ý kể rằng: Do quỷ chèn ép người, hàng năm đều thu hết hoa lợi do con người trồng cấy, Phật thấy vậy bèn giúp người trừ quỷ. Phật bảo người trồng cây nêu (dùng một cây tre thật cao), Phật treo chiếc áo cà sa lên đầu ngọn cây và thỏa thuận với quỷ rằng, bóng chiếc áo phủ đến đâu sẽ là đất do con người quản lý và thu hoạch hoa lợi, phần còn lại sẽ thuộc về quỷ. Quỷ đồng ý, Phật dùng phép cho bóng chiếc áo phủ lên khắp mặt đất khiến quỷ không còn chỗ trú thân, vì vậy bị đuổi ra ngoài Biển Đông. Nhưng hàng năm mỗi dịp Tết về, quỷ đều muốn trở vào đất liền để tìm tiên tổ và kiếm cái ăn. Để tránh bị quỷ quấy nhiễu, con người bèn dựng cây nêu trên ngọn treo miếng vải, sau đổi thành lá bùa và chiếc khánh bằng đất nung khi gió rung tạo ra tiếng động để xua đuổi quỷ. Trên ngọn cây cũng thường treo bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái, vì con người cho rằng đó là vật mà quỷ rất sợ.

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, việc dựng nêu và treo các vật phẩm trên ngọn cây có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo phong tục và tập quán của từng nơi. Thậm chí việc dựng cây nêu không chỉ có vào ngày Tết mà còn có thể ở một số lễ hội dân gian. Tuy nhiên cây nêu vẫn chủ yếu được dựng lên vào ngày Tết Nguyên đán như một phong tục truyền thống phổ biến ở khắp mọi miền của đất nước.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Lê Đình Hoàng