Về Hội An, lang thang trên những con phố, du khách không thể bỏ qua một nét đẹp vô cùng đặc biệt, đó là gian hàng "mặt nạ thời gian" của ông Phong Hội An. Mỗi chiếc mặt nạ không chỉ lưu giữ một nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc mà còn vẽ nên một thông điệp về một cuộc sống muôn màu.

Ông Bùi Quý Phong (1956), người dành cả đời cho những chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống đang thổi hồn vào tác phẩm.

Tác giả của những chiếc mặt nạ đầy ấn tượng với đường nét tỉ mỉ, công phu là nghệ nhân Bùi Quý Phong, mặc dù tuổi đã ngoài 60 nhưng hằng ngày ông vẫn miệt mài sáng tạo, thổi hồn vào tác phẩm để gửi nét chân - thiện - mĩ đến người xem.

Ông Phong chú trọng vẽ những mặt nạ mang đặc trưng của hát bội (còn goi là hát bộ, hoặc tuồng) dân gian với những sắc thái biểu cảm vui- buồn-hạnh phúc khác nhau. Người xem dù biết nhiều hay ít về nghệ thuật hát bội nhưng khi nhìn vào đó cũng có thể dễ dàng hình dung ra tính cách mà mặt nạ thể hiện.

Điều đặc biệt là những chiếc mặt nạ của nghệ nhân Phong đều là sản phẩm duy nhất của sự sáng tạo.
Nghệ nhân Quý Phong bén duyên với nghề làm mặt nạ giấy và đầu lân đất từ khi còn trẻ. Gắn bó với nghề hơn 20 năm, ông bước vào một thử thách mới, làm đạo diễn sân khấu kịch tuồng cổ. "Se duyên" với nghệ thuật sân khấu được hơn 20 năm, trăn trở với nghệ thuật truyền thống và tâm huyết giữ hồn văn hóa Việt, ông Phong quyết định từ bỏ nghề đạo diễn để quay về với chặng đường còn đang dang dở: "mặt nạ dân gian". "Mặt nạ thời gian" là kết hợp tuyệt vời giữa hai niềm đam mê đã từng của ông là vẽ mặt nạ và sân khấu tuồng.
Mỗi chiếc mặt nạ là một câu chuyện, một linh hồn riêng, một thông điệp được truyền tải về hình ảnh văn hóa của người dân Việt.
Có một điều lạ, đó là toàn bộ mặt nạ ông Phong làm ra đều không đục rỗng phần mắt. "Tôi chỉ vẽ mà không khoét mắt để nó được treo lên trang trọng nhà như "bức tranh", thay vì là một món "đồ chơi" đeo trên mặt, khi chán người ta sẽ ném nó đi”.

Hơn nữa, ông không đục rỗng phần mắt là để thể hiện phần hồn của chiếc mặt nạ, bởi đôi mắt chính là của sổ tâm hồn. Khi nhìn vào đôi mắt ấy, người xem sẽ hiểu điều mà mặt nạ đó muốn thể hiện.

Những đường nét độc lạ và đôi mắt có hồn của chiếc mặt nạ thu hút du khách.

Hơn nửa đời người, ông Phong luôn tâm niệm mình sẽ là một người kể lại những sắc thái của mặt nạ tuồng, mặt nạ dân gian Việt Nam theo cách truyền thống của con người Việt, không bị lai căn, không na ná, không bị ảnh hưởng với những mặt nạ Kinh kịch đang đầy rẫy ngoài kia. Mỗi chiếc mặt nạ là một "đại sứ" cho văn hóa Việt, mộc mạc, đơn giản, để mỗi người xem, dù biết nhiều hay ít về nghệ thuật tuồng, nhìn vào đó cũng có thể dễ dàng cảm nhận được cái hồn của nét văn hóa Việt.

"Đất nước nào cũng có văn hóa mặt nạ, và chính văn hóa mặt nạ đó nó giới thiệu đến du khách nước ngoài một cách nhanh chóng nhất về hình ảnh văn hóa của người dân Việt. Quảng bá văn hóa mặt nạ là cách đưa văn hóa gần gũi nhất với con người, mỗi chiếc mặt nạ được đưa đến tay du khách là một nét văn hóa được quảng bá đi một lần." Nghệ nhân chia sẻ.

Mặt nạ của ông Phong rất đa dạng, từ mặt nạ tuồng, mặt nạ truyền thống cho đến những phong cách mới được ông học theo những họa sĩ nổi tiếng trên thế giới.

Tuy mang phong thái mặt nạ khác nhau, nhưng chúng đều có một điểm chung, được ông Phong gọi là "mặt nạ thời gian". Bởi nhìn vào đó ta có thể thấy được thời gian. Thời gian có thể hôm qua, hôm nay, ngày mai với những ước vọng về một nét văn hóa còn đang được lưu giữ, nhưng cũng có thể là vô cùng, vô tận, xa như những câu hát tuồng, hát bội ngân lên ở mảnh đất này thời xưa vọng về. Mỗi chiếc mặt nạ đều lưu giữ cho mình một tâm trạng, một câu chuyện, một linh hồn chính là khoảnh khắc thời gian mà chúng được hình thành bởi tâm trạng của nghệ nhân.

Mỗi chiếc mặt nạ nghệ nhân Bùi Quý Phong làm từ cốt giấy bồi, đắp thạch cao lên và chà bóng rồi bồi lớp giấy nữa sau đó mới quang dầu và vẽ.
Ông quyết định gắn bó với chiếc mặt nạ, để có thể quảng bá những giá trị truyền thống đến với khách du lịch ở Hội An.

Mặt nạ thời gian - vẽ để ghi lại dấu ấn của ông cha ta đã có một thời vàng son trên sân khấu nghệ thuật hát bội. Là một người yêu nghệ thuật, cái đẹp truyền thống, ông cứ đau đáu về những giá trị văn hóa dân gian đang dần bị mai một, liệu nó có thể trường tồn với thời gian? Rất nhiều người làm mặt nạ ngày xưa, bây giờ đã bỏ nghề hết bởi vì không đủ sống. Còn ông, ông nói vui rằng cố gắng trụ lại với nghề, vì mình có độ "liều" cao hơn. Sự đam mê cộng với tài hoa trên từng chiếc mặt nạ của ông Phong đang góp phần tạo nên màu sắc khác cho văn hóa Hội An.

Nguyên Phan