Bốn giờ sáng tôi có mặt ở chợ cá Bình Minh, con đường dẫn xuống chợ gió thổi mát rượi. Mặt trời chưa ló dạng nhưng mọi người đã có mặt tự bao giờ.

Những người phụ nữ với đôi quang gánh dựng sát bên mình ngồi tựa vào nhau, mặt day ra biển chờ thuyền về. Nhìn ra xung quanh, khung cảnh cũng bắt đầu nhộn nhịp. Tiếng bước chân xột xoạt trên bãi cát của các cô, các chị gánh nước rửa cá, tiếng chào mời, mặc cả qua lại cho những mẻ cá sớm trong ánh đèn mờ mờ.


Khi trời bắt đầu đỏ dần, người xuống chợ càng lúc càng nhiều. Tôi chuẩn bị xong máy móc và tranh thủ ngồi nghỉ ngơi tận hướng chút không khí biển trong lành. Xung quanh tôi là tiếng nói, tiếng cười đặc trưng của người dân xứ Quảng. Người dân nơi đây phần lớn đều thật thà, hiền lành và dễ mến.



Tôi gật đầu chào các cô chú lớn tuổi, họ mỉm cười chào lại rồi ôn tồn cho tôi biết thời điểm nào chợ đông và đẹp nhất. Bằng chất giọng đặc sệt của người dân Quảng Nam, chú nói: "Những ngày trăng rằm, biển sáng thường sẽ vắng cá nên thuyền bè ít ra khơi, chợ vì thế cũng chỉ lác đác một vài người cố gắng bám biển để mưu sinh. Chỉ những ngày cuối tháng, biển lặng cá mới nhiều. Lúc ấy chợ đông đúc và nhộn nhịp nhất, thuyền bè ra vào liên tục."

Ở biển, người đàn ông theo thuyền ra khơi từ chiều muộn đến sáng mới trở về. Do vậy, công việc gia đình và chợ búa một tay người phụ nữ ở nhà vun vén. Nên cũng dễ hiểu khi buổi sáng ra chợ cá tôi thấy phần lớn là mấy cô mấy chị. Có cả những người phụ nữ lớn tuổi (chừng 50, 60 thậm chí hơn 70) vẫn cặm cụi mưu sinh hàng ngày. Dáng lưng khòm khòm, gương mặt hằn những nếp nhăn khắc khổ cùng bước đi cao thấp trên cát khiến tôi không khỏi động lòng.

Trừ những đêm trăng sáng hay những khi bão bùng thì hầu như quanh năm, suốt tháng, họ luôn có mặt ở chợ cá này. Chợ đông đúc là vậy nhưng gần như ai cũng quen mặt nhau cả. Họ cười nói, chào đón niềm nở như anh em một nhà. Họ chia sẻ chút cá cho những người cao tuổi như cùng gồng gánh với nhau vượt qua những khó khăn của cuộc đời.

Khoảng năm giờ sáng, bình minh vừa ló dạng, cả khu chợ cá bừng lên trong ánh nắng dịu nhẹ cuối chân trời. Biển lấp lánh ánh sáng, những cơn sóng bỗng chốc được nhuộm vàng đua nhau lăn vào bờ. Tiếng cười nói râm ran hòa trong tiếng sóng biển vẫn không ngừng vỗ. Chỉ trong phút chốc, người mua, người bán đều đã ở chợ. Những tàu cá từ khắp nơi đổ về, gối đầu lên những con sóng hiền hậu. Giọng nói đặc trưng của người vùng biển cất lên từ mọi phía.


Chợ cá Bình Minh lúc này là tấp nập nhất bởi những đoàn thuyền đánh bắt hải sản đua nhau cập bến. Trên bờ, hàng trăm phụ nữ là những người gánh cá thuê, tiểu thương và người nhà của các ngư dân đang chờ sẵn. Những đoàn thuyền nối đuôi nhau lần lượt cập bến để đưa về những khoang cá đầy ắp sau một đêm đánh bắt bán cho thương lái. Cảnh mua bán nhộn nhịp tiếng nói cười, gọi nhau í ới vang một góc biển.


Có những người phụ nữ ào về phía biển, đứng trước các cơn sóng bạc đầu đón lấy từng thau cá, tôm từ những người đàn ông mặt sạm đen vì mặn mòi nắng gió. Trên những đôi tay chắc nịch, những mớ hải sản tươi ròng rời thuyền và bắt đầu được chuyển xuống chợ.


Phía bến bờ kia, những người phụ nữ đứng dàn hàng dài đón đợi. Lạ lùng, chộn rộn, đông đúc là thế nhưng chẳng có ai tranh giành của ai như thể đã có sự sắp đặt từ trước.


Tầm sáu giờ thì mặt trời đã lên cao, chợ cũng bắt đầu thưa dần. Hải sản được chuyển lên những chiếc xe máy hay xe tải nhỏ đang đợi sẵn phía trên bờ. Những dáng người vội vã nối đuôi nhau rời đi, tản mát về các chợ quanh vùng, trả lại cho biển sự yên lặng vốn có. Chợ cá Bình Minh họp rồi tan trong phút chốc, bình lặng như cách mặt trời vẫn mọc phía biển kia mỗi ngày.


Ngày nối ngày trôi đi, chợ cá Bình Minh khi chậm rãi, khi hối hả như nhịp xoay trở bao số phận con người. Ở đó có những mảnh đời, những phận người ngày qua ngày vẫn bợt bạt đôi tay bên những con sóng bạc đầu.
Bài viết: @haionthego
Ảnh: Vietnam Beuaty