Từ Sài Gòn, chúng tôi làm chuyến phượt về Bình Thuận hy vọng thoát khỏi cái ngột ngạt ở chốn đô thành để về với hương vị biển cả mênh mông sóng vỗ. Qua La Gi, sóng biển ầm ào vỗ bờ cát trắng, thi thoảng có những bãi đá nhô ra biển, chúng tôi ghé thăm ngọn hải đăng Kê Gà.

Ngọn hải đăng này còn có tên gọi khác là Khe Gà thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Đây là ngọn tháp cao thắp đèn dùng cho tàu thuyền giao thông trong khu vực, và được xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất không chỉ của Việt Nam mà còn là cao nhất Đông Nam Á. Công trình này được người Pháp xây dựng và hoàn thành năm 1889, tính đến nay 130 năm.

Lịch sử hàng hải ở khu vực này còn ghi lại: Mũi Khe Gà được coi là vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Từ các thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Khe Gà. Xung quanh chân hải đăng có hai hàng hoa sứ dọc theo lối đi do người Pháp trồng từ cuối thế kỷ trước, đến nay còn nguyên, tỏa bóng mát quanh năm. Vật liệu xây cất hải đăng được đưa từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn trên đỉnh và máy phát điện.

Đến Mũi Kê Gà, du khách sẽ bắt gặp ngay khu “vườn đá” với những tảng đá đủ hình dạng và màu sắc khác nhau, được phủ rêu phong, nằm xem kẽ nhau vô cùng độc đáo. Xung quanh khu “vườn đá” là những phiến đá lớn, nhấp nhô như ôm gọn cả Mũi Kê Gà.


Đến Mũi Kê Gà, du khách đừng bỏ lỡ dịp cùng hòa mình vào phiên chợ cá sôi động đầy màu sắc với đủ những âm thanh rộn rã. Không những tận mắt nhìn thấy từng công đoạn đánh bắt truyền thống của người dân ở đây, du khách còn được thưởng thức những món hải sản tươi ngon.

Chợ chỉ là một bãi cát nằm sát mép nước, không có quầy hàng, lều, quán hay cửa tiệm, người bán và người mua đều chân trần, da sạm nắng, hoạt động mua bán diễn ra ngay bên những chiếc thuyền thúng vừa bơi từ biển vào, chóng vách khoảng vài tiếng đồng hồ vào sáng sớm, trước khi mặt trời ló dạng.

Để trải nghiệm trọn vẹn nhất không khí náo nhiệt của chợ cá Kê Gà, bạn hãy chịu khó dậy sớm. Từ 3 giờ sáng đã nghe thấy tiếng máy xay nước đá ướp cá từ nhà máy bên hông chợ, tiếng ngư dân, thương lái giòn giã trao đổi, trả giá cho mẻ cá tươi ngon vừa cập bến. Nối tiếp sau đó là âm thanh của những bước chân hối hả gánh giỏ cả đầy chuyển lên xe đông lạnh để kịp mang cá tươi đi phân phối cho những vùng lân cận.

Tại chợ cá Kê Gà, cá sau khi đánh bắt và chuyển vào bờ thì được xếp trong khay nằm ngay ngắn trên bãi biển. Ở đây, người ta mua bán theo hình thức đấu giá, trả giá. Lái buôn sẽ trả giá theo lô, một lô gồm nhiều khay cá, bao nhiêu khay cá thì phụ thuộc vào người bán. Sau khi hoàn tất trả giá và mua được, những khay cá tươi ngay lập tức được xếp chồng lên nhau, đánh dấu rồi chờ người gánh đi.