Đến Huế không chỉ là để thưởng thức những cảnh đẹp lãng mạn, thơ mộng mà còn đến bởi Huế vẫn còn lưu giữ lại được vết tích Đại Nội Huế - chốn cung đình xưa cũ của triều đại nhà Nguyễn.

Chàng thủ khoa trường Kiến Trúc – Travel Blogger 9X Nguyễn Kỳ Anh đã tôn lên vẻ đẹp của Đại Nội Huế qua bộ ảnh “Triều đại vàng son” - một công trình kiến trúc vàng son của triều đại nhà Nguyễn mà chắc chắn không ai muốn bỏ qua khi có cơ hội đến với Huế.

Trường Lang là tên gọi của hệ thống hành lang, một thành tố kiến trúc đặc sắc trong Tử Cấm Thành của triều Nguyễn ở Huế.
Trường Lang có một vai trò quan trọng, không những là lối đi lại mà còn là mạch liên kết các công trình, tạo nên một quần thể kiến trúc đa dạng có bố cục chặt chẽ, đăng đối.

“Triều đại vàng son” là bộ ảnh của Nguyễn Kỳ Anh (SN 1995, quê Đồng Tháp) ghi lại quy mô đồ sộ, không gian kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp cổ kính của Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam.

Trải qua 200 năm, chiến tranh, thiên tai và thời gian đã khiến cho Trường Lang bị phá hủy một cách trầm trọng. Đến những năm 1990, hệ thống này đã sập đổ hoàn toàn chỉ còn lại chân móng.
Chi tiết chạm khắc trên một bộ cửa của Trường Lang.

Vốn đã yêu thích vẻ đẹp của Huế khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng chưa có dịp đặt chân đến, Nguyễn Kỳ Anh và hai người bạn đồng hành quyết định thực hiện chuyến đi vào cuối tháng 6/2020.

Việc phục hồi trường lang tuân theo những quy định nghiêm ngặt của UNESCO về việc tôn tạo di sản, được thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia quốc tế.

Đúng với chuyên ngành của mình, Nguyễn Kỳ Anh xác định bộ ảnh tập trung vào kiến trúc cung điện và hệ thống lăng tẩm tại Huế, không chụp các điểm đến khác vì không cùng chủ đề mà bạn đã lên ý tưởng. Trong bộ ảnh có sự xuất hiện của Đại Nội Huế, Lăng Khải Định, Lăng Minh Mạng và Lăng Tự Đức.

Lăng Khải Định
Lăng Minh Mạng

Nằm ở bên bờ dòng sông Hương thơ mộng, Đại Nội Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới và còn lưu giữ được nhiều  dấu ấn đặc sắc của nét phong kiến triều đình nhà Nguyễn từ hàng trăm năm trước. Đại Nội Huế là cụm di tích bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm thành.

Lăng Tự Đức

Hoàng Thành Huế bao gồm nhiều khu vực như khu vực phòng vệ, khu vực cử hành đại lễ, khu vực miếu thờ… được đặt giữa một không gian thiên nhiên đẹp hài hòa của những hồ nước, vườn hoa, cầu đá, hòn đảo nhỏ và cây cối xanh tươi tỏa bóng mát. Hoàng thành có tổng cộng 4 cổng được đặt ở 4 mặt, trong đó cổng chính lớn nhất và có kiến trúc đẹp nhất là cổng Ngọ Môn.

Ngọ Môn là cổng chính nằm ở phía nam của Hoàng Thành, trông ra dòng sông Hương thơ mộng. Ngọ Môn gồm 2 thành phần chính là Đài – Cổng và Lầu Ngũ Phụng.

Cũng thuộc quần thể di tích cố đô Huế và nằm trong khu vực Hoàng Thành, Tử Cấm Thành là nơi sinh hoạt của vua cũng như là hoàng triều nhà Nguyễn. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội Huế.  Bên trong Tử Cấm Thành có hơn 50 công trình kiến trúc với quy mô đa dạng khác nhau, tiêu biểu phải kể đến Điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức yến tiệc), Điện Càn Chánh (nơi vua ngủ nghỉ), Thái Bình Lâu (nơi vua thư giãn và đọc sách) cùng với Tả Vu & Hữu Vu.

Điện Thái Hòa là một biểu tượng đặc trưng cho quyền lực của Hoàng triều nhà Nguyễn. Điện Thái Hòa là nơi tham quan tiêu biểu trong quần thể di tích của kinh thành Huế. Nơi đây là nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn, đồng thời cũng là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng như sinh thần của vua, tiếp đón các sứ thần và các buổi đại triều.
Hữu Vu - Điện Cần Chánh
Tả Vu - Điện Cần Chánh

Qua bộ ảnh “Triều đại vàng son”, Nguyễn Kỳ Anh bày tỏ mong muốn du khách, đặc biệt là các bạn trẻ hãy dành thời gian đến và cảm nhận những giá trị văn hóa - lịch sử của Huế trước khi các công trình này có thể bị ảnh hưởng bởi thời gian và các tác động khác.

Loại hình kiến trúc này được áp dụng rất phổ biến trong hệ thống kiến trúc cung đình, đặc biệt là tại khu vực Hoàng cung và các vườn ngự, các biệt cung…tạo nên một nét đặc trưng của kiến trúc cung đình triều Nguyễn.

Trải qua bao thăng trầm và biến cố của lịch sử, cho đến ngày nay công trình kiến trúc Đại Nội Huế vẫn sừng sững oai nghiêm và sẽ mãi là một tài sản văn hóa truyền thống quý báu của lịch sử triều Nguyễn đã để lại. Nếu có dịp đến với Huế thì đừng quên “lạc vào” chốn cung đình cổ xưa của Đại Nội để có những trải nghiệm vô cùng thú vị nhé!

Khuôn viên trong Lăng Tự Đức

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Nguyễn Kỳ Anh