Từ trung tâm TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đi khoảng 60km theo Quốc lộ 1A, rẽ vào Quốc lộ 20 sẽ đến ấp Bến Nôm, xã Phú Cường, huyện Định Quán. Nơi đây có nhiều thuyền đánh bắt cá theo mùa. Đặc biệt, vào mùa tảo xanh, nơi đây là điểm đến hấp dẫn cho các bạn trẻ thích khám phá thiên nhiên.

Hằng năm, từ tháng 7 đến tháng 9, tại khu vực Bến Nôm, tảo phát triển dày đặc, phủ lên mặt nước một màu xanh tuyệt đẹp. Vào thời điểm này, khách du lịch hay đến đây ngắm cảnh mặt trời mọc và lặn trên mặt hồ Trị An.

Đến Bến Nôm lúc bình minh, nhiều người ngất ngây khi bắt được những khoảnh khắc tuyệt đẹp với màn sương sớm lung linh còn đọng trên những dải cỏ xanh mướt mới nhú lên khi nước cạn. Màu xanh của tảo còn thay đổi tùy theo ánh sáng mặt trời đổ xuống mặt nước.

Mùa hè đến, nước rút, lộ rõ ra những doi đất, nhìn từ trên cao sẽ thấy giống như những cù lao hay đảo nhỏ. Giữa ánh nắng vàng của bình minh và hoàng hôn lấp lánh, đan xen sắc màu lục của tảo xanh trên mặt hồ kín gió, cùng với những chiếc thuyền đang phơi lưới, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp. Giữa đất trời bao la, xa xa là núi, thuyền của ngư dân cập bến phơi mình dưới ánh nắng mặt trời, tĩnh lặng và yên bình.

Hồ Trị An là hồ nước ngọt nhân tạo nằm trên sông Đồng Nai, trữ nước cung cấp cho nhà máy thủy điện Trị An và nước sinh hoạt cho người dân địa phương. Nơi đây có rất nhiều loài cá sinh sống, nhờ nước ngọt lại có rất nhiều tảo phát triển, làm thức ăn cho cá. Bà con sống ở vùng hồ Trị An nói chung hay ấp Bến Nôm nói riêng sống sung túc nhờ vào nguồn khai thác cá bán cho thương lái.

Ấp Bến Nôm cách trung tâm TP.HCM khoảng 100 km. Bạn có thể di chuyển theo tuyến quốc lộ 1A, sau đó rẽ vào quốc lộ 20 hoặc đi đường cao tốc tiết kiệm được khá nhiều thời gian cho di chuyển. Bạn tiếp tục đến hồ Trị An và tìm khu vực nhiều tảo nhất để chiêm ngưỡng.

Ông Huỳnh Thanh Sang (ngụ xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) có hơn chục năm đánh bắt cá cơm bộc bạch, để bắt loài cá này, ngư dân phải dùng nhiều cách như: lưới kéo khơi, lưới giăng. Ghe xuất bến từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau là tấp nập trở về.

Giữa lòng hồ rộng lớn, ghe của ông Sang chầm chậm buông lưới, sau đó ông gắn đèn điện chiếu sáng buông thẳng xuống mặt nước để “dụ” cá. Loài cá cơm khi nhìn thấy ánh sáng sẽ bơi đến để tìm thức ăn. Ánh sáng từ chiếc đèn pin không chiếu rọi ra xa mà được ngư dân để nằm sàng sàng trên bề mặt nước. Chính ánh sáng này đã thu hút từng đàn cá cơm đua nhau bơi vào, hết đợt này đến đợt khác.

Cứ cách khoảng 1 giờ đồng hồ thì ông Sang bắt đầu cất lưới lên, công việc cứ lặp đi lặp lại cho đến khi trời hửng sáng mới dừng. Ánh đèn pin chiếu đến đâu, mảnh lưới vớt lên những mẻ cá nặng trĩu. Đàn cá gặp cạn, nảy mình liên tục trên tấm lưới. Thời điểm đánh bắt cá về đêm và rạng sáng.

Theo ông Sang, ngày trước, cá ở gần trong bờ, nhưng giờ nước xung quanh không còn sạch, cá sống ra xa nên muốn đánh bắt nhiều phải đi ghe đến giữa hồ. Cá dần ít lại, có người đi đánh bắt cả đêm không đủ trả tiền dầu và công sức bỏ ra. Nhưng nhờ kinh nghiệm từ hơn chục năm theo nghề nên ông luôn đón được luồng cá và thường giăng được mẻ cá lớn.

“Nhiều người bây giờ vì lợi trước mắt mà dùng xung điện, nhưng tôi làm hoàn toàn bằng thủ công để đánh bắt lâu dài. Giống cá này sinh sản rất nhanh, đặc biệt là khi con nước dâng cao nên người dân có thể đánh bắt quanh năm. Lộc trời cho mà, vô lưới loại nào thì bắt loại ấy thôi. Mùa này, cá cơm con nào cũng béo tròn, trắng tinh” - ông Sang chậm rãi nói.

Không đợi đến mùa tảo xanh, hồ Trị An vẫn hấp dẫn du khách. Nơi đây là điểm cắm trại lý tưởng và cuối tuần, bởi không gian yên tĩnh, chưa chịu ảnh hưởng nhiều của du lịch.

So với các loài thủy sản trên lòng hồ Trị An, ngoài cách đánh bắt cá cơm chủ yếu bằng thủ công, dùng sức người thì việc thu hoạch (gỡ cá từ lưới) ra cũng hết sức độc đáo. Mọi công đoạn đều làm từ từ, chậm rãi, muốn nhanh cũng không được.

Bà Nguyễn Thị Thúy (ngụ xã Phú Cường, huyện Định Quán) cho hay, cứ sáng sớm khi cá ghe đánh cá trở về là trên bờ dưới nước ở làng cá Bến Nôm (ấp Bến Nôm 1, xã Phú Cường) nhộn nhịp hẳn lên, nhưng đông nhất vẫn là lực lượng tham gia gỡ cá khỏi các tấm lưới, bởi một “ê-kíp” thường phải có tới 4 người.

Vì loài cá này nhỏ chỉ bằng đầu đũa lại mềm nên khi gỡ cá phải hết sức cẩn thận. Trước tiên người ta quây lưới lại thành một cái chụp, sau đó cử 2 người đứng vào bên trong dùng vợt đập cho cá dính trên lưới rơi xuống. Trong khi đó, 2 người ở ngoài kéo từng mẻ lưới ra, gỡ những con cá còn sót lại ở trên lưới.

“Thu hoạch cá rất cực, tốn thời gian nhưng bù lại cá tươi và không bị nát. Loại cá đặc sản này ngày càng được giá nên ngư dân vẫn có thể bám trụ với nghề” - bà Thúy kể.

Xóm chài Bến Nôm (xã Phú Cường, H.Định Quán) xưa nay nổi tiếng với nghề khai thác, đánh bắt cá trên lòng hồ Trị An. Theo người dân địa phương, từ tháng 7 trở đi, mực nước trên lòng hồ bắt đầu dâng cao cũng là lúc sản vật tự nhiên phong phú hơn. Đây cũng là thời điểm người dân bước vào vụ đánh bắt thủy sản chính trong năm. Nhờ đó mà nghề đan, vá lưới ở làng cá Bến Nôm nhộn nhịp hơn.

Gam màu xanh của tảo trải dài và hòa lẫn vào màu nâu của bùn đất. Màu xanh của tảo sẽ thay đổi tùy theo ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt hồ và khi những cơn mưa trút xuống thì màu tảo trong nước nhạt dần. Tảo lục trong lòng hồ Trị An là nguồn nhiên liệu sinh học quan trọng đồng thời là nguồn thức ăn tự nhiên cho các động vật thủy sinh và tôm, cá.

Về làng cá mùa này, không khí đan, vá lưới rộn ràng không kém những làng chài khác. Bàn tay người nào người nấy thoăn thoắt đưa cây kim luồn qua các lớp lưới một cách thuần thục và gọn lẹ.

Bà Lê Thị Tiên (ngụ ấp Bến Nôm 1, xã Phú Cường) cho biết, xung quanh đây nếu nhà nào không tham gia đánh bắt cá thì nghề đan lưới là công việc không thể thiếu. Lưới còn ở dạng thô, qua bàn tay của người thợ được trau chuốt lại hoàn chỉnh rồi mới xuất bán ra thị trường. Những chiếc lưới đủ màu sắc sau khi đan xong được giăng hàng dài rồi mới cuộn lại thành tấm lớn tạo nên bức tranh bắt mắt như những dải lụa kéo dài vô tận.

Theo bà Tiên, từ khi có nghề lưới trong tay, nếu chịu khó làm, một tháng thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/người. Tuy nghề đan lưới không mang lại thu nhập cao nhưng phụ nữ trong xóm lại có thời gian lo việc gia đình. Hàng làm ra chủ yếu giao sỉ cho mối lớn nên có việc quanh năm. Đặc biệt, khi bước vào vụ đánh bắt cá trên sông, khách đặt nhiều thì phải thức thâu đêm để làm cho kịp hàng.

“Nghề đan lưới không khó, chỉ cần chăm chỉ, kiên trì và tinh ý thì ai cũng có thể làm được, đặc biệt có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm, giúp tăng thu nhập” - bà Tiên chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng là mối phân phối lưới cho các gia đình ở làng cá Bến Nôm cho hay, mấy ngày nay, mọi người ai cũng bận rộn với công việc đan lưới. Lưới có rất nhiều loại như: lưới 2 phân, 6 phân, 8 phân… để đánh bắt các loại cá khác nhau. Có những tấm lớn đến hơn chục mét nhưng cũng có lưới dạng nhỏ, thích hợp với nghề giăng câu ở các kênh rạch.

Nhóm Biên tập Vietnam Beauty Tổng hợp

Nguồn hình ảnh: Báo ZingNews.vn và VnExpress.net