Trong dòng xe cộ tất bật mỗi ngày, có thể chúng ta chưa bao giờ thấy hoàng hôn Sài Gòn đẹp. Nhưng hãy một lần đứng ở tầng cao hay chốn vắng lặng, bạn sẽ thốt lên bởi sắc màu rực rỡ cuốn hút của hoàng hôn đô thị.

Sài Gòn ngày càng thay da đổi thịt với hàng loạt tòa nhà cao tầng mọc lên nguy nga tráng lệ. Nhiều tòa nhà trong đó đã trở thành điểm ngắm hoàng hôn.

Sông Sài Gòn lững lờ chở ánh nắng cuối ngày về biển. Phố đã nhấp nháy lên đèn. Đứng ở đầu bên kia hầm vượt sông Sài Gòn, phía Thủ Thiêm, nhìn về trung tâm Q.1 - nơi từ lâu được xem là điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thành phố.
Ánh nắng cuối ngày nhuộm đỏ một góc trời. Bitexco Financial Tower từng là tòa nhất cao nhất thành phố với 68 tầng (262m).
Nằm ở mặt phía nam của tòa nhà là sân đỗ trực thăng ở độ cao 191m, có chiều dài 40m, với 18m kết nối vào kết cấu chính của tòa nhà và 22m nhô ra bên ngoài. Du khách có thể ngắm hoàng hôn từ tòa nhà khi mua vé lên Sky Deck, tầng 49.
Những ai mỗi chiều đi làm về, từ hướng Thủ Đức tới trung tâm thành phố trên Xa lộ Hà Nội sẽ có cơ hội ngắm được khung cảnh mặt trời treo trên đỉnh tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Landmark 81, biểu tượng của phát triển, tòa nhà cao nhất Việt Nam ở phía xa. Còn con đường chạy dài bên cạnh Xa lộ Hà Nội chính là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sắp vận hành thương mại, kết nối du khách với các điểm đến từ trung tâm ra ngoại thành.
Landmark 81 được lấy cảm hứng xây dựng từ những bó tre truyền thống với dáng hình vươn lên mạnh mẽ. Đài quan sát Skyview nằm ở 3 tầng cao nhất của tòa nhà sẽ giúp du khách không chỉ ngắm trọn vẹn thành phố từ độ cao 382.65m mà còn chứng kiến khung cảnh mặt trời lặn hoành tráng.
Sông Sài Gòn chảy ngang qua lòng thành phố. Những câu cầu bắc qua dòng sông đều là công trình kiến trúc ấn tượng và mang câu chuyện riêng.
Cầu Thủ Thiêm 2 kết nối đường Tôn Đức Thắng (Q.1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), từ tháng 12.2022 đổi tên thành cầu Ba Son. Cây cầu dài gần 1,5 km với tổng mức đầu tư 3.100 tỉ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP.HCM cho đến nay.
Hoàng hôn tắt nắng, màn đêm chực chờ buông xuống cũng là lúc TP.HCM mang một màu sắc khác. Cách cầu Sài Gòn khoảng 2,5 km là nút giao thông ngã ba Cát Lái, đoạn giao thông giữa hai trục đường Xa lộ Hà Nội và Mai Chí Thọ trong buổi đầu đêm rực rỡ ánh đèn. Đây là cửa ngõ vào trung tâm thành phố, cũng là tuyến đường kết nối giữa thành phố với các tỉnh Đông Nam bộ, xa hơn là về Trung, về Bắc.
TP.HCM trong ánh đèn đêm huyền ảo nhìn từ phía Thủ Thiêm với những tòa nhà biểu tượng và nhiều cái tên thân thuộc: bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Nhà Rồng, cầu Khánh Hội... đẹp rực rỡ.

Nguồn: Bùi Văn Hải - Thanh Niên

https://thanhnien.vn/hoang-hon-nhuom-tham-sai-gon-185230216115028386.htm
Hãy để Vietnambeauty lưu giữ lại những chuyến đi của bạn và lan tỏa chúng cùng cộng đồng yêu thích vẻ đẹp Việt Nam. Nhanh tay đăng ký thành viên và viết bài với chúng tớ nào.