Ngày 12/5 (tức ngày 12 tháng 4 Âm lịch) lễ hội vật cầu nước thôn Yên Viên (còn gọi là làng Vân) xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc.

Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng

Lễ hội cầu nước làng Vân được diễn ra 3 ngày liên tiếp (từ ngày 12 đến 15/5). Đây là một trong những giá trị văn hóa tâm linh mang đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng
Lễ hội vật cầu nước làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang) đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng

Lễ hội vật Cầu nước làng Vân có từ lâu đời gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân gian của nhân dân địa phương từ bao đời nay. Tục truyền rằng, khi xưa có bốn anh em Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy đi theo Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương.

Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng

Khi đánh thắng quân Lương trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm quấy phá. Hai bên xung trận, bọn quỷ đen ra điều kiện rằng nếu thắng, chúng phải được thưởng lớn. Còn nếu thua, chúng sẽ phải quy phục hầu nhà Thánh. Chiến trận xảy ra, bọn quỷ đen thua trận đã quy phục Đức Thánh Tam Giang.

Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng

Khi thắng trận, dân mở hội ăn mừng chiến thắng, trong đó có các quân cầu là biểu trưng cho trận chiến nêu trên, một đội là quân nhà Thánh, một đội là lũ quỷ nước. Hội vật cầu nước với ý nghĩa là hội mừng chiến thắng. Đồng thời cũng thể hiện mong muốn của cư dân trồng lúa nước cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Quả cầu làm bằng gỗ mít là tượng trưng cho Mặt Trời.

Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng
Lễ hội là nét tín ngưỡng thờ Thần Mặt Trời của người dân làm nông nghiệp, có tính lịch sử, độc đáo, hài hước, vui vẻ, kịch tính và “độc nhất vô nhị”. Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng

Lễ hội là nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây được xem là lễ hội “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, thu hút nhiều du khách.

Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng

Lễ hội Vật cầu nước làng Vân đã được khôi phục lại mang đầy đủ sắc thái, diện mạo của lễ hội dân gian theo nghi thức cổ truyền. Hương ước của làng hiện nay quy định, 4 năm sẽ tổ chức Lễ hội Vật cầu nước một lần.

Luật chơi của hội vật cầu nước được tổ chức như sau: 16 thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật gọi là quân cầu được chia làm hai giáp (mỗi giáp tám người), gọi là giáp trên và giáp dưới. Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng
Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng

Lễ hội được tổ chức trên sân chính của đền thờ Thánh Tam Giang ở xóm 4, thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, có diện tích khoảng 200m2, mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống. Tại đây 16 thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật gọi là quân cầu được chia làm hai giáp (mỗi giáp tám người), gọi là giáp trên và giáp dưới. Mỗi lần đẩy được cầu xuống hố là kết thúc một hiệp.

Hội vật cầu nước được tổ chức trên sân có diện tích khoảng 200m2, mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống, mỗi lần đẩy được cầu xuống hố là kết thúc một hiệp. Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng

Lễ hội Vật cầu nước năm nay thu hút hàng nghìn khán giả, sự góp mặt của hàng trăm nhiếp ảnh gia tên tuổi từ Bắc – Trung – Nam như: Khánh Phan, Lê Việt Khánh, Hoàng Dưỡng, Phạm Hoàng Cương, Trăng Mùa Thu, Nguyễn Công Thử…

“Lễ hội rất độc đáo, vui nhộn và có giá trị văn hoá cao. Mọi người xem các quân cầu tranh nhau quả cầu thấy rất háo hức và phấn khởi. Người dân đến xem rất đông, đủ mọi thành phần và lưới tuổi. Họ cổ vũ hết mình cho đội nhà. Có rất nhiều người ngồi sát sân thi đấu mặc dù bùn bắn nhuộm hết cả quần áo với tóc. Tôi nghe một già làng nói rằng, khi bùn bắn vào người là coi như được ban cho vận may và tài lộc. Họ cổ vũ cho trai làng rất hăng và ai nấy đều vui vẻ, thỉnh thoảng khi đội mình chiến thắng, họ tràn xuống sân và trét bùn lên nhau để ăn mừng” – NAG Hoàng Dưỡng háo hức chia sẻ.

Lễ hội Vật cầu nước năm nay thu hút hàng nghìn khán giả, sự góp mặt của hàng trăm nhiếp ảnh gia tên tuổi từ Bắc – Trung – Nam. Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan tâm sự thêm: “Hôm qua tôi bay ra Hà Nội và được người anh thân thương dẫn đi xem lễ hội Vật cầu nước ở làng Vân. Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến lễ hội này và thực sự bất ngờ. Mình đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khi lần lượt 4 quả cầu được ghi bàn. Tôi thực sự đã đi từ kinh ngạc đến thán phục. Những quan cầu rất vất vả trong trận đấu khi nhịp độ nhanh và liên tục, họ vác quả cầu 20kg chạy trên bùn trơn, ngã vì mất đà và những pha đè nhau gay cấn. Không chỉ là đam mê bộ môn này và xem như trọng trách với quê hương nên cho họ một sự nghiêm túc và thi đấu hết mình. Họ sung sức và quyết liệt cho đến phút cuối khi một trong hai đội ghi bàn”.

“Thực sự là lễ hội ấn tượng nhất tôi từng chứng kiến. Xem thôi đã đủ mệt, tôi không chụp được ảnh đẹp nhưng đây sẽ là trải nghiệm thiêng liêng và xúc động trong những chuyến đi của tôi” – NAG Khánh Phan chia sẻ. Ảnh: Khánh Phan.

Việc tuyển chọn quân cầu rất khắt khe. Họ là trai tráng khỏe mạnh, không có tang bụi, không có bệnh tật, dị tật, không có can phạm, can án. Tất cả quân cầu đều được huấn luyện 3 buổi chiều trước khi hội mở. Làng có ban huấn luyện quân cầu, thường là quân cầu của những mùa hội trước.

Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng

Cũng như một số lễ hội dân gian truyền thống khác, lễ hội Vật cầu nước làng Vân mang đậm những nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước định canh, hội mang nhiều yếu tố về phồn thực, rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn nét văn hóa cổ xưa.

Tuy lễ hội rất đặc sắc và thú vị nhưng để chụp được những bức ảnh đẹp ngay lần đầu tham dự không phải là chuyện dễ dàng gì. Với kinh nghiệm nhiều năm chụp ảnh tại đây, NAG Lê Việt Khánh đã có những chia sẻ kinh nghiệm vô cùng quý giá như sau: "Ngày cuối cùng Vật Cầu Bùn mình mới rút ra được bài học quan trọng là phải cố gắng áp sát, dí bén đập bẹt vào tận nơi. Bởi những khoảnh khắc đẹp nhất là lúc bùn bắn ràn rạt vào máy, vào người thì đừng quay đi, che máy cho khỏi bẩn. Hiệp cuối mình bất chấp hết. Những pha bóng văng vào cầu môn dân tình chạy té khói thì mình cứ trụ lại mà nhấn nút liên thanh. Cùng lắm là về đem máy lên Lê Bảo Minh tốn 250k là lại sạch bóng chứ gì. Cả ngày hôm trước mình thì cứ quen thói bùn bắn lên là quay lưng che máy cho khỏi bẩn. Kết quả máy thì vẫn bẩn bê bẩn bết mà ảnh thì cứ làng nhà làng nhàng chả có tấm nào xuất sắc."

Ảnh: Lê Việt Khánh
"1 - Ngồi sai hướng sáng, đứng phía thuận sáng người mấy anh vật thủ cứ trắng nhởn ra.
2 - Đi muộn, đến nơi hết chỗ không cách nào chen vào đứng chụp được.
3 - Lựa sai background, back sáng quá không nổi bật được chủ thể.
4 - Sai khẩu độ, dùng tele mà F bé quá khiến quần chúng ở background cứ nét mồn một.
5 - Chụp sai bố cục, toàn cụt chân, trên đầu thừa cả đống.
6 - Sai nét, cái tội để One shot không để Al Servo. Về ảnh out nét cả đống." - NAG Lê Việt Khánh chia sẻ thêm.
Ảnh: Lê Việt Khánh
Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng
Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng

Theo thông lệ xưa, hội vật cầu nước làng Vân được tổ chức thường xuyên theo điều lệ và quy ước của làng. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1945-1954, lễ hội vật cầu nước ít được tổ chức. Năm 2002, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức, lễ hội đã được khôi phục. Hương ước của làng hiện nay quy định, 4 năm sẽ tổ chức lễ hội vật cầu nước một lần.

Bài viết: Minh Tuệ

Nguồn ảnh: NAG Hoàng Dưỡng

NAG Khánh Phan

NAG Lê Việt Khánh