Vào giữa tháng 4, khi tiết trời chưa chuyển nóng, chúng tôi gồm 6 người đã quyết định thử sức với Putaleng. So với đỉnh Fansipan, Bạch Mộc và nhiều cung khác chúng tôi từng leo, ngọn núi này được đánh giá đứng hàng đầu về độ khó chinh phục, cung leo dài và địa hình núi dốc dựng đứng.

Ngọn núi Putaleng cao 3.049 m nằm trong xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu

Chuẩn bị

Để thuận tiện hơn cho quá trình chuẩn bị, các cậu có thể liên hệ với porter và nhờ chuẩn bị đồ ăn: thịt lợn, thịt gà, xôi, gạo, rau, gia vị, mì tôm, xoong nồi nấu ăn…, cân đối lượng đồ ăn theo số người trong nhóm.

Một số vật dụng đồ dùng khác các cậu tự chuẩn bị từ Hà Nội như: lều, túi ngủ, tấm cách nhiệt, đèn pin đi rừng (phòng trường hợp phải leo đêm giống bọn tớ), găng tay leo núi, một đôi giày trekking tốt, quần áo giữ ấm gọn nhẹ để thuận tiện khi leo, pin sạc dự phòng đủ dùng trong 2 ngày trên núi, ủng đi mưa, áo mưa, túi chống ẩm cho các đồ dùng điện tử, đồ dùng y tế cơ bản… Và quan trọng nhất để chứa được các đồ dùng trên các cậu cần một chiếc balo tốt, vừa vặn với cơ thể và có khả năng trợ lực tốt khi leo núi.

Nhiếp ảnh gia HAI LECAO chinh phục rừng xanh Putaleng

Ngày 1: Hồ Thầu – điểm ngủ 2.380 m

Sáng sớm rời bản, chúng tôi đi theo con đường mòn thoai thoải dài gần 3 km, trong cái nắng nhạt phủ sương sớm, tâm trạng cảm thấy thật nhẹ nhõm. Sau khoảng 4 km đường men theo con suối, khó khăn mới bắt đầu khi phía trước sẽ chỉ có dốc, dốc và dốc.

Theo kinh nghiệm, 30-60 phút leo núi đầu tiên cơ thể cảm thấy mệt nhất, nhưng sau đó sẽ dần thích nghi. Trong khi leo, không nên dừng lại nghỉ quá lâu có thể dẫn đến cứng cơ. Lúc nghỉ cần lau mồ hôi và mặc áo khoác nếu trời lạnh để tránh bị cảm. Sau khoảng một tiếng leo, chúng tôi tiếp cận một khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại của Việt Nam, tận mặt chứng kiến một thảm thực vật đa dạng. Qua vài con suối nhỏ đến suối Thầu, từ đây đoàn men theo suối lên phía trên. Suối Thầu hiền hòa, nhiều đoạn có các tảng đá lớn tạo thành hồ chứa nhỏ, nước trong vắt và mát lạnh. Chúng tôi cứ leo khoảng 30 phút lại nghỉ và rửa mặt bằng nước suối. Đến 11h, chúng tôi dừng lại nghỉ ăn trưa bên dòng suối, cạnh lán sấy thảo quả của người dân địa phương.

Trên đường leo tới điểm dựng lều có suối và mạch nước nên khi leo không cần mang theo nhiều nước, chỉ cần một chai lớn để hứng nước suối uống là đủ. Sau khoảng hơn 8 tiếng vừa leo vừa nghỉ cả bọn cũng tới được điểm dựng lều, nằm cạnh một con suối lớn được bao phủ xung quanh là rừng già cổ thụ.

Trong khi các porter chuẩn bị đồ ăn (xôi, bánh mì, giò chả), chúng tôi lau người bằng nước suối lạnh để giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Sau bữa ăn, ai nấy tìm những phiến đá bằng phẳng dưới tán lá rừng, tranh thủ chợp mắt 15-20 phút. Tiếp theo, chúng tôi phải vượt qua một chặng gian nan trước khi đến lán nghỉ đêm.

Chọn cung leo hai ngày một đêm, chúng tôi xuất phát từ bản Phô, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) và về bằng đường Tả Lèng để ngắm được hết cảnh đẹp của núi rừng, cũng như có các trải nghiệm leo khác nhau. Cung này ngắn hơn so với các đoàn thường đi ba ngày hai đêm, nên chúng tôi buộc phải khẩn trương.

Ngày 2: Mốc 2.400 m – đỉnh Putaleng – xuống núi theo hướng bản Tả Lèng

Bốn giờ sáng anh porter lụi hụi dậy sớm nấu cơm cho chúng tôi ăn, gió mùa về rít từng cơn, vừa ăn cơm vừa chan nước mắt vì khói cay xè. Loay hoay tới gần 5 giờ sáng cả bọn bắt đầu lên đường trekking đỉnh Putaleng. Từ mốc 2.400 m tới đỉnh Putaleng địa hình chủ yếu là đi trong rừng trúc. Đó là buổi sáng của tiếng gió lao xao, nắng nhảy nhót qua hàng trúc già khiến cho mọi thứ đều thật đẹp.


Chúng tôi lên đỉnh lúc 8h30, thời tiết khô, mát với nhiệt độ ngoài trời lúc này vào khoảng 18-20 độ. Leo núi sợ nhất là gặp trời mưa, đường trơn trượt rất nguy hiểm và không ngắm được cảnh đẹp của núi rừng. Chúng tôi cũng tới được cái cục inox ghi dòng chữ Putaleng 3.049 m, cô gái của tớ khi ấy đã dùng tay đấm thật mạnh vào cục inox đấy cho bõ tức, vì cái tội đã làm cổ mệt nhọc suốt hơn một ngày qua. Chúng tôi mở nhạc Quốc ca, bước đi vòng quanh cột mốc trong một buổi sáng trong lành đầy gió.

Đường từ lán lên đỉnh chủ yếu đi trong rừng trúc và hoa đỗ quyên. Đường không dốc nên chúng tôi không bị mất sức nhiều. Tới gần đỉnh Putaleng, chúng tôi được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt vời của thiên nhiên núi rừng, khi đứng từ trên ngắm các trảng rừng hoa đỗ quyên cổ thụ đỏ, vàng, hồng và tím đua nhau khoe sắc ở phía dưới.

“Khi vào rừng tôi háo hức và tò mò tìm hiểu lại nó, khó khăn giờ đây giống như những trò chơi thủa thiếu thời, những con suối, những rặng hoa cỏ, những ông cây sừng sững trăm năm tuổi hiên ngang giữa đại ngàn đang dang tay che trở và ôm tôi vào lòng để vỗ về an ủi. Những người bạn thân thương hoang dã trên đường tôi gặp và ngay cả những đỉnh núi cao nhất cũng chỉ là chỗ để một đứa trẻ trở về chốn cũ, dừng chân nghỉ ngơi chốc lát rồi lại tung tăng khám phá mọi thứ xung quanh...” – Nhiếp ảnh gia HAI LECAO chia sẻ.

Gần 12 giờ trưa, chúng tôi quay lại điểm dựng lều ăn trưa dưới cái nắng ấm áp quá, dọn dẹp đồ cả bọn xuống núi theo hướng bản Tả Lèng. Địa hình leo núi hướng Tả Lèng khá dễ đi, đường thoải hơn, đi xuyên rừng cổ thụ, trên đường các cậu còn bắt gặp nhiều lá phong rừng…

Chúng tôi dự tính với tốc độ xuống núi như buổi sáng thì tầm 16h tới bìa rừng. Tuy nhiên, đường xuống núi dài hơn nhiều so dự tính và cảnh đẹp như trong truyện cổ tích. Những cây gỗ lớn thân phủ đầy rong rêu, ngọn núi cao hùng vĩ cũng giữ chân chúng tôi lâu hơn mỗi khi dừng nghỉ ngắm cảnh và chụp ảnh.

14h, chúng tôi tới lán ở độ cao 1.800 m, nơi các đoàn khác thường nghỉ lại qua đêm khi đi theo hành trình ba ngày hai đêm. Từ lán này xuống, chúng tôi đi dọc theo con suối lớn khác, to hơn suối Thầu. Lúc này mọi người đã rất mệt, gần như kiệt sức, nên phải nhờ porter mang đồ giúp.

Đoàn chúng tôi ra tới bìa rừng lúc 16h30 và thuê xe ôm đưa đi lấy ôtô gửi sẵn ở cách đó 6 km. Một tiếng sau, chúng tôi cùng các porter ra đến nơi và được nhóm đầu tiên lái ôtô đón để về Hà Nội, kết thúc hành trình chinh phục Putaleng đầy khó khăn và thử thách.

Bài viết: Minh Tuệ

Ảnh: Hailecao

Group: Sinhradehoangda